Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc chơi không chiến, tuyển Việt Nam đối phó thế nào?

(VTC News) -

Bóng bổng là một trong những miếng đánh tấn công mà tuyển Trung Quốc đang rèn kỹ, với hy vọng có thể mở khóa hàng thủ tuyển Việt Nam.

Cuộc so tài giữa tuyển Việt Nam và Trung Quốc ở lượt thứ ba AFC Asian Qualifiers (vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á) có ý nghĩa quan trọng với cả hai đội. Chưa có được điểm nào sau hai lượt đầu, tuyển Việt Nam lẫn Trung Quốc đều kỳ vọng trận đấu lúc 0h rạng sáng 8/10 là cơ hội để có chiến thắng đầu tay.

Tuyển Trung Quốc luyện quân gần 3 tuần ở UAE. 

Tuyển Trung Quốc đang "đóng cửa" luyện quân tại Sharjah (UAE) để rèn những bài tấn công nhằm tìm kiếm cơ hội lấy trọn 3 điểm. 

Vũ khí bóng bổng 

"Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lối chơi của đối thủ. Việc tuyển Việt Nam góp mặt ở vòng loại thứ ba chứng tỏ họ là tập thể mạnh. Trong những buổi tập gần đây, chúng tôi cho cầu thủ thực hiện các quả tạt vào vòng cấm hoặc tấn công ở trung lộ. Hy vọng đội sẽ đạt được kết quả tốt", trợ lý Xin Feng tiết lộ với TT Plus về chiến thuật sử dụng ở trận gặp Việt Nam. 

Ban huấn luyện tuyển Trung Quốc không giấu tham vọng sử dụng bóng bổng để công phá hàng thủ Việt Nam. Đây cũng là lựa chọn logic với lực lượng hiện có của HLV Li Tie.

Không có những mũi tấn công khéo léo, nhanh nhẹn, giỏi xử lý trong không gian hẹp, nòng cốt trên hàng công Trung Quốc hiện tại là những tiền đạo với thể hình khá tốt. Ai Kesen (1m8), Guo Tianyu (1m92), Zhang Xizhe (1m8). Luo Gufou, cầu thủ nhập tịch với tên cũ là Aloisio, chỉ cao 1m77 nhưng có sức bật và khả năng tỳ đè.

Ai Kesen (số 9) có khả năng tì đè, làm tường tốt.

2 trận gặp Australia và Nhật Bản cũng cho thấy tuyển Trung Quốc không nhiều bài vở tấn công bóng sệt, bóng ngắn ấn tượng. Với đội hình 4-5-1 với hàng tiền vệ 5 người giăng ngang, HLV Li Tie chủ yếu nhồi bóng bổng để tiền đạo nhập tịch Ai Kesen xử lý, sau đó nhả lại cho tuyến hai phối hợp. 

Ở trận gặp Nhật Bản, Trung Quốc chỉ chuyền 278 lần, nhưng 74 trong số này là chuyền dài, chiếm tỷ lệ 26,6%, gấp bốn lần đối thủ. Trong hiệp 2, khi bị đối thủ đặt vào thế dẫn trước, HLV Li Tie tung cả A Lan và Luo Gufuo vào sân, chuyển sang sơ đồ 4-3-3 với 3 tiền đạo ngoại. 

Bóng bổng không phải lựa chọn ban đầu của HLV Li Tie. Ở trận gặp Australia, Trung Quốc chơi khá đa dạng trong những phút đầu. HLV Li Tie cũng chỉ dùng 1 tiền đạo nhập tịch (Ai Kesen) kết hợp với dàn nội binh.

Tuy nhiên, những bàn thua chóng vánh trước Australia khiến Trung Quốc phải về với miếng đánh an toàn, tung các tiền đạo nhập tịch vào sân. Đến cuộc so tài với Nhật Bản, bóng dài trở thành lựa chọn chủ đạo của Trung Quốc. 

Trung Quốc chơi bóng bổng trước Nhật Bản. 

Tin tưởng tiền đạo ngoại là nước đi mới của Trung Quốc. Dù vậy, Ai Kesen, A Lan hay Luo Gufou vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các nội binh. Ngoài ra, cầu thủ Trung Quốc cũng không khéo léo như Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, không chơi hiện đại, gọn gàng như Australia. Khi ấy, bóng bổng là lựa chọn tiết kiệm thời gian.

Dù 120 đường chuyền dài và 15 quả tạt chưa mang lại cho Trung Quốc bàn thắng nào, nhưng nhiều khả năng các học trò của Li Tie vẫn trung thành với cách chơi này trong trận gặp Việt Nam tới đây. 

Cuộc chiến thể lực

Tuyển Việt Nam không ngại các đối thủ chơi bóng bổng. Từ U23 châu Á (2018, 2020), ASIAD 2018 đến Asian Cup 2019, các cấp độ tuyển Việt Nam luôn gặp ít nhất 2 đến 3 đối thủ có thể hình tốt hơn, ưu tiên sử dụng bóng bổng để tiếp cận khung thành. 

Nhờ cọ xát với nhiều trường phái bóng đá đa dạng, đội bóng của HLV Park Hang Seo đã tích lũy đủ kinh nghiệm để không bối rối trước những tình huống tấn công từ trên cao.

Video: Ả Rập Xê Út  3-1 Việt Nam 

Trong trận gặp Australia, tuyển Việt Nam đối diện với 17 quả tạt hướng tới cái đầu của những cầu thủ cao lớn như Harry Souttar, Tomas Rogic, Adam Taggart, nhưng chỉ để thua 1 bàn duy nhất từ đường chuyền đẳng cấp của Ajdin Hrustic - tiền vệ được mệnh danh là ngôi sao mới của CLB Eintracht Frankfurt (Đức).

Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thành Chung, Bùi Tiến Dũng,... không còn lạ lẫm những pha không chiến khi liên tục mài giũa trước các ngoại binh V-League.

Tuy nhiên, thể lực cầu thủ sẽ nỗi lo của HLV Park Hang Seo. Nếu phòng ngự phản công là lối chơi chủ đạo của ĐTQG ở 2 trận đầu, thì trong trận gặp Trung Quốc - ở cuộc so tài mà Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội hướng tới điểm số tối đa, tuyển Việt Nam nhiều khả năng phải đẩy cao đội hình, pressing và chơi tấn công nhiều hơn. 

Cự ly đội hình của tuyển Việt Nam được giữ khá tốt ở hai trận đầu. Song, các chuyên gia khẳng định đội bóng của Park Hang Seo cần đẩy đội hình lên cao thêm 10, 20m để chơi chủ động.

Tuyển Việt Nam cần chơi tấn công chủ động hơn. 

Với một đội hình dâng cao, tổ chức tấn công với cường độ cao hơn đòi hỏi nguồn thể lực dồi dào hơn. May mắn là tuyển Việt Nam đã quen với khí hậu nóng bức tại UAE và thường xuyên giao hữu với U22 Việt Nam để duy trì cảm giác thi đấu. 

Tuyển Trung Quốc đã sẵn sàng đưa Việt Nam vào cuộc chiến thể lực và va đập liên tục. "Hiện tại, thể lực vẫn là trọng tâm tập luyện của đội tuyển. Các bài tập kỹ thuật, chiến thuật cũng được bổ sung để tăng cường thể lực. Toàn bộ quá trình huấn luyện đặt ra yêu cầu cao hơn về tốc độ và cường độ", Sohu đánh giá về các bài tập của đội nhà.

Với cường độ tập 2 buổi/ngày liên tục trong 3 tuần qua, Trung Quốc rất quyết tâm thắng trận. Do đó, việc tìm ra lối chơi hợp lý để hóa giải vũ khí bóng dài của đối thủ, đồng thời chơi khôn ngoan, giữ tỉnh táo, tập trung trong cuộc đua thể lực với đối thủ là chìa khóa để tuyển Việt Nam hy vọng kết quả thuận lợi. 

FPT Play và Truyền hình FPT là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:

App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download

YouTube:https://www.youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn

Website: fptplay.vn

Hồng Nam

Tin mới