Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung-Ấn đồng ý giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình

(VTC News) -

Trung Quốc hôm 17/6 tuyên bố đồng ý với Ấn Độ giải quyết căng thẳng biên giới bằng biện pháp hòa bình.

Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra hôm 17/6, sau cuộc đụng độ đẫm máu khiến hàng chục người thương vong ở biên giới 2 nước hôm 15/6.

Ông Triệu nhấn mạnh rằng,"cả hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý giải quyết vấn đề biên giới thông qua đối thoại và tham vấn nhằm xoa dịu tình hình, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".

Ảnh vệ tinh thung lũng Galwan, Ladakh - Một phần khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định, các cuộc đụng độ bắt đầu sau khi lực lượng Ấn Độ "kích động và tấn công người Trung Quốc".

Trong khi đó, Ấn Độ cho biết binh lính Trung Quốc vượt qua ranh giới tại ba điểm khác nhau, dựng lều và đồn bảo vệ, bỏ qua các cảnh báo, khiến đụng độ xảy ra.

Theo phía Ấn Độ, cuộc đối đầu khiến 20 binh sĩ của họ thiệt mạng. Truyền thông đưa tin Trung Quốc cũng thương vong 43 người, song cơ quan chức năng chưa xác nhận con số này.

Theo Reuters, Ấn Độ đang chờ phản hồi của Thủ tướng Narendra Modi sau cái chết của 20 binh sĩ. Trong một dòng trạng thái Twitter, ông Modi nói đã triệu tập cuộc họp cấp cao để thảo luận về tình hình, song chưa đưa ra bình luận nào khác.

Theo các quan chức Ấn Độ, cuộc đụng độ không có nổ súng, binh sĩ hai bên bị đánh bằng gậy và đá. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói cả hai bên đều có thương vong.

Các chuyên gia cho biết hai quốc gia khó có thể lao vào một cuộc chiến tranh lớn, nhưng việc giảm căng thẳng nhanh chóng cũng sẽ gặp khó khăn.

"Đây có thể sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ Ấn Độ -Trung Quốc và các quan hệ địa chính trị ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương", ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson nói.

"Chúng ta đã chứng kiến cuộc đụng độ chết chóc nhất ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ trong hơn 50 năm qua. Cả hai quốc gia đều do những lãnh đạo nam giới cầm quyền, những người theo chủ nghĩa dân tộc. Và cả hai quốc gia đang phải đối mặt với biến động lớn trong nước, quốc tế do COVID-19 và các vấn đề dài hơi khác tác động", ông Denmark nhấn mạnh.

Phương Anh (Nguồn: Reuters, AP)

Tin mới