Tọa đàm do VTC News phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, được tường thuật trực tiếp trên kênh VTC 1, VTC News, YouTube và các fanpage của báo VTC News.
Van an toàn để đảm bảo thương mại công bằng
Theo các chuyên gia, vận dụng chủ động, hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại (FTA).
Công cụ phòng vệ thương mại được coi là trụ cột cuối cùng, van an toàn để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều FTA.
Toàn cảnh tọa đàm "Để doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia FTA".
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước, đặc biệt là trong bối cảnh gia nhập hàng loạt FTA.
“Phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, chiến lược của chúng ta là coi phòng vệ thương mại như một điều tất yếu của quá trình hội nhập”, bà Giang nhấn mạnh.
Vẫn theo bà Giang, thời gian gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, nhất là khi kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng trưởng nhanh, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay lên tới 160, chiếm tỷ lệ 77%. Tuy có phần lắng xuống trong năm 2021 song diễn biến các vụ kiện phòng vệ thương mại trong những năm tiếp theo được nhận định khó lường, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Theo bà Giang, bên cạnh kháng kiện, chúng ta phải chủ động điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. “Thực tế tất cả các quốc gia khi áp dụng các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại phải phù hợp với quy định của WTO. Khi một nước điều tra mà không phù hợp với quy định của WTO thì nước bị khởi kiện có thể khởi kiện ra WTO và yêu cầu nước kia phải bồi thường. Chính vì vậy, pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO”, bà Giang nhấn mạnh.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ Chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.
Ông Long cho rằng, phòng vệ thương mại đã giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ, tạo không gian phát triển cho các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
"Phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. Để đảm bảo lợi ích của mình, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Do vậy khi Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thì phải chấp nhận luật chơi và tuân thủ luật chơi", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, hiện nay gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế đang là xu thế mà nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt khi sản xuất các nước bị đình đốn trước tác động của COVID-19. Ngoài ra, với các ưu đãi về thuế từ các FTA thế hệ mới, nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị đưa vào "tầm ngắm" điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được dự báo sẽ gia tăng.
Ông Long dẫn giải, việc Việt Nam tham gia các FTA đã tác động mạnh đến quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, đã khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
"Do vậy, khả năng phải đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là không tránh khỏi", ông Long nói.
Ông Long cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng: Giai đoạn 2005 – 2010: 25 vụ; Giai đoạn 2011 – 2015: 53 vụ; Giai đoạn 2016 - 9/2021: 109 vụ việc.
Số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm... Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn cũng là nguyên nhân mà doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. COVID-19 cũng khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân và xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số nước, khu vực. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất.
Nói về vai trò của phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam) - khẳng định, trong thời gian qua, ngành nhôm đã rất tích cực nghiên cứu, vận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước, cũng như ứng phó với các vụ điều tra của nước ngoài.
Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam)
Ông Phụ cho rằng, hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, có quan hệ thương mại cùng hầu hết các thị trường trên thế giới với rất nhiều FTA và Việt Nam đang được đánh giá là một nền kinh tế có độ mở rất lớn. "Chúng ta đang chơi trên một sân chơi phẳng. Tuy nhiên, trên sân chơi phẳng đó sẽ có các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc tăng mạnh, tăng đột biến lượng hàng hóa nhập khẩu gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa...", ông Phụ nói.
Theo ông Phụ, Chính phủ sẽ phải sử dụng các công cụ để ổn định kinh tế, trong đó việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là một việc cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Riêng đối với ngành nhôm, những năm 2018 trở về trước, do hiện tượng dư cung ở một số nước, đặc biệt là Trung Quốc nên lượng nhôm định hình nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến. Chỉ trong 3 năm (2016 - 2018), lượng nhôm định hình nhập khẩu chính ngạch vào nước ta đã tăng gấp 4 lần (năm sau gấp đôi năm trước), đặc biệt, trong đó có hơn 90% là xuất xứ từ Trung Quốc. Đây mới chỉ là số liệu nhập khẩu chính ngạch, chưa tính đến lượng nhôm nhập lậu tràn vào thị trường nước ta bằng nhiều con đường khác nhau).
Do chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước và đặc biệt là Chính phủ Trung Quốc, họ hỗ trợ hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu lên đến 13% nên nhôm Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào, bán phá giá chiếm lĩnh thị trường Việt Nam; Thậm chí có dấu hiệu “rửa nguồn” lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước thông qua Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy sản xuất nhôm trong nước.
Kết quả là hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, công suất giảm từ 30 – 50%, hàng hóa tồn kho lớn, nhiều máy móc phải “đắp chiếu” ngừng hoạt động một thời gian dài; công nhân thì mất việc làm…Trường hợp các nhà máy sản xuất lúc đó rất căng thẳng, nếu tiếp tục duy trì thêm 1 năm nữa thôi là các nhà máy có thể đứng trên bờ vực phá sản.
"Khi nhìn lại thời kỳ đó, các nhà máy sản xuất nhôm chúng tôi hay nói vui là “thua ngay trên sân nhà”. Trong những năm đó, khó khăn là chung cho cả ngành nhôm, Hiệp hội cũng mới thành lập. Chúng tôi đến các nhà máy, lắng nghe ý kiến, tâm tư của các nhà sản xuất nhôm và nhận thấy rõ thực trạng của ngành", ông Phụ chia sẻ.
Theo ông Phụ, được sự hướng dẫn của Cục Phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp thành viên khởi xướng điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng nhôm thanh định hình xuất xứ từ Trung Quốc. Kết quả, đến tháng 9/2019, sau khi điều tra các bên liên quan thì Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942 áp thuế chống bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Và gần đây nhất sau khi Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương điều tra rà soát lần thứ nhất thì mức thuế đã điều chỉnh biên độ lên 4,39% đến 35,58% kể từ tháng 4 năm nay.
"Các quyết định áp thuế chống bán phá giá này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm thoát được khủng hoảng, dần phục hồi, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, người lao động lại có việc làm và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Trong 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm đều có sự ổn định vững chắc ở thị trường trong nước, chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.
Và cũng nhờ quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại này mà Hiệp hội chúng tôi có thêm những bài học về ngoại thương, góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa ở Việt Nam. Từ đó, tạo đà cho các doanh nghiệp sản xuất vươn ra những thị trường khó tính trên thế giới; tránh được một số vụ việc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam", ông Phụ khẳng định.
Đồng tình với chia sẻ của ông Phụ, bà Châu Giang cho hay, nhôm là một trong những ngành đã trải qua tương đối đa dạng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ở chiều nhập khẩu chúng ta đã điều tra áp dụng chống bán phá giá với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Với xuất khẩu, chúng ta đã phải chịu điều tra chống bán phá giá của Úc, điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá của Mỹ và cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ của Ai Cập.
Chuyên gia khẳng định doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ thương mại khi tham gia FTA.
Tự bảo vệ mình, doanh nghiệp cần trang bị gì?
Trước sự cần thiết của phòng vệ thương mại trên hành trình hội nhập, các chuyên gia khẳng định, vai trò chủ động của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhưng thực tế hiện nay, mức độ hiểu biết của đa số doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại còn hạn chế. Tỷ trọng các doanh nghiệp không đủ năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại chiếm số lượng lớn. Điều này khiến việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trở nên khó khăn hơn.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2000 - 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Hết quý II/2021, có 207 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên.
Theo ông Ngô Trí Long, để tự bảo vệ mình trước các kháng kiện về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động trong nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại và nâng cao qua việc tìm hiểu kỹ quy định, luật pháp về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, các nước ASEAN.
"Khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại thì trước tiên, bản thân doanh nghiệp cần xác định phòng vệ thương mại chỉ là một biện pháp kỹ thuật, không phải rào cản mà chúng ta không thể vượt qua để có các phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải. Phải coi đây là yếu tố rất quan trọng các doanh nghiệp cần tính tới trong chiến lược phát triển sản xuất, phát triển xuất khẩu", ông Long khuyến cáo.
Ngoài ra, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đầu tiên là Bộ Công Thương, tiếp theo là với cơ quan điều tra của nước ngoài. Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, của cả ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với việc điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định trong việc có giảm thiểu được các tác động bất lợi của các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.
Phải luôn chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phản biện các lập luận của nguyên đơn; đồng thời đặc biệt chủ động áp dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ điều này giúp tập đoàn nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu việc “dính” tới những cáo buộc lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.
Trong dài hạn, theo ông Long, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. "Nếu phụ thuộc vào một thị trường, khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì tác động có thể sẽ rất lớn và có thể gây thiệt hại hoặc không thể khắc phục được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông Long nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Ông Long nhận định, cho đến nay, trước xu thế kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quen và chủ động trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Trải qua nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm để ứng phó. Mặc dù đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm về phòng vệ thương mại tuy nhiên mức độ hiểu biết về các biện pháp này của nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.
Theo ông Long, điều đáng mừng là nhận thức về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Hiện có nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại để ổn định và tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Không ít doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là các ngành xuất khẩu quan trọng như: thủy sản, thép, dệt may...
Nói về giải pháp để nhanh chóng ứng phó khi hàng hóa xuất khẩu bị kiện phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ cho rằng nhôm đang được coi như một loại vật liệu đa tác dụng, rất phổ biến trong đời sống và có khả năng tái chế cao nên hàng hóa từ nhôm được luân chuyển khắp các thị trường thế giới. "Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng nên cả doanh nghiệp và Hiệp hội Nhôm luôn chuẩn bị tâm lý cho các hoạt động tự vệ thương mại; không chỉ giữ lấy thị trường trong nước mà còn bao gồm cả việc đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của các thị trường nước ngoài", ông Phụ nói.
Doanh nghiệp ngành nhôm có kinh nghiệm sau vụ việc điều tra áp thuế chống bán phá giá. (Ảnh minh họa)
Theo ông Phụ, nếu các doanh nghiệp, ngành hàng của nước ta bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì sẽ có những tác động tiêu cực đến uy tín, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam và dẫn tới là giảm lợi nhuận trên thị trường đó.
"Chúng tôi luôn có được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự chia sẻ thông tin cảnh báo rất kịp thời từ các cơ quan như Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan và Văn phòng Ban 389 Quốc gia… Các thông tin cảnh báo sẽ được chuyển tới doanh nghiệp thông qua kênh Hiệp hội, giúp cho doanh nghiệp và Hiệp hội chủ động trước các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài.
Hiệp hội và doanh nghiệp sẽ nghiên cứu các thông tin cảnh báo, đưa ra phương án tham gia hay không tham gia vào các vụ việc phòng vệ liên quan đến thị trường đó", ông Phụ nói.
Ông Phụ khẳng định Hiệp hội Nhôm sẽ đại diện cho doanh nghiệp thành viên liên quan, vừa là đầu mối kết nối với Cục Phòng vệ thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, vừa là một bên có liên quan tham gia bình luật vụ việc với tư cách là đại diện ngành hàng trong nước. "Sau vụ việc điều tra áp thuế chống bán phá giá của ngành nhôm, các nhà sản xuất cũng đã có kinh nghiệm để đưa ra quyết định phù hợp. Thực tế vài năm qua, ngành nhôm Việt Nam đã có kinh nghiệm đối mặt với 3 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của các thị trường đối tác như Mỹ, Australia và Ai Cập".
Trong khi đó, theo bà Giang, hiện tại, hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng vệ thương mại cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, tạo cơ sở đồng bộ, toàn diện để chúng ta có thể triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thúc đẩy nâng cao nhận thức, nhằm giúp doanh nghiệp coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước.
Tập trung vào cảnh báo sớm để cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về các nguy cơ, rủi ro để đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như rủi ro tại thị trường trong nước.
Hoàn thiện nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, thông qua xây dựng đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA, trong đó đặt mục tiêu, đề ra nhiệm vụ toàn diện cho các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng phó, nhân lực, nguồn lực, nhận thức và kể cả mặt pháp lý, thể chế trong công tác phòng vệ thương mại…
Tọa đàm “Để doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia FTA” có sự tham dự của:
- Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)
- Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế
- Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam).
- Đơn vị đồng hành: Hyundai TC Motor