Nội dung của tọa đàm xoay quanh việc tìm kiếm giải pháp để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả hơn công cụ phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đây cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý có điều kiện tiếp cận và thu nhận những thông tin đa chiều, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả nhằm sử dụng hiệu quả chính sách phòng vệ thương mại khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Doanh nghiệp cũng có thêm kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, từ đó nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 FTA và đang đàm phán 2 FTA. Trong số này, có nhiều FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại. Việc tham gia các FTA một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Theo các chuyên gia, công cụ phòng vệ thương mại được dự báo trở thành trụ cột để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước, đặc biệt là trong bối cảnh gia nhập hàng loạt FTA.
“Phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, chiến lược của chúng ta là coi phòng vệ thương mại như là một điều tất yếu cùng với quá trình hội nhập”, bà Giang nhấn mạnh.
Theo bà Giang, khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để sao cho nếu nước ngoài áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.
“Để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, duy trì hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch. Vì trong các vụ kiện, thường họ cho doanh nghiệp chuẩn bị 30 ngày trả lời các câu hỏi, nếu ta không có thống sổ sách, kế toán minh bạch, rất khó có thể hoàn thiện đúng thời hạn”, ông Long khuyến cáo.
Theo bà Lê Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, có quan hệ thương mại với hơn 220 thị trường nước ngoài và đang được đánh giá là một nền kinh tế có độ mở rất lớn.
Do vậy, để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa...) thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là một việc cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Hiệp hội Nhôm Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên mới đây đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng nhôm thanh định hình xuất xứ từ Trung Quốc. Đến tháng 9/2019, sau khi điều tra các bên liên quan thì Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp thuế chống bản phá giá với biến độ từ 2,49% đến 35,58%. Quyết định này giúp cho các doanh nghiệp ngành nhôm thoát được khủng hoảng dần phục hồi, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, niềm tin của người tiêu dùng và đang tiến tới xuất khẩu”, bà Tuyết nói.
Tòa đàm "Để doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia FTA” do báo VTC News phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, với sự đồng hành của Hyundai TC Morto.
Tọa đàm có sự tham dự của:
- Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).
- Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế
- Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam).