Video: Gió quật nghiêng người trong tâm bão Noru đổ bộ Việt Nam
6h20, tại Đà Nẵng, gió vẫn thổi rất mạnh kèm mưa lớn
Anh Nguyễn Tuyên (trú Khu chung cư Mường Thanh, đường ven biển Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thông tin, gió vẫn thổi rất mạnh, rít liên tục, sóng biển cao 2-3 m đánh vào bờ kè.
“Dù bão có phần suy yếu, khu vực ven biển gió vẫn rất mạnh, quất liên hồi, người dân chưa dám ra khỏi nhà”, anh Tuyên cho biết.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, trong thời điểm bão đổ bộ, một phụ nữ chuyển dạ, phải dùng xe chuyên dụng chuyển đi cấp cứu.
Hình ảnh sáng 28/9 tại biển Mỹ An, Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Tuyên).
5h, bão đổ bộ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, gió giật cấp 13
Theo bản tin lúc 5h ngày 28/9 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão ở trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Trong 12 giờ tới, dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Ảnh hưởng của bão số 4, trong ngày 28/9, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum hứng đợt mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm. Ở Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai, lượng mưa thấp hơn, phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 28/9 đến 29/9, Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp xảy ra trong mưa bão.
4h45, Đà Nẵng chưa có thông tin về 60 người mất liên lạc ở Âu thuyền Thọ Quang
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng, bão đổ bộ khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam, mưa to đến rất to, gió lớn. Hiện, chưa có thông tin mới về 60 người mất liên lạc ở Âu thuyền Thọ Quang. Các lực lượng chức năng vẫn túc trực để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy, 2 nhà dân bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu quảng cáo.
4h30, nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng ngập sâu, cây xanh bật gốc, nhà tốc mái
Sáng nay, bão số 4 đổ bộ miền Trung. Đà Nẵng ghi nhận mưa lớn, gió mạnh và giật liên hồi. Mưa to nhiều giờ khiến không ít tuyến phố ngập sâu như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Đống Đa, Như Nguyệt… Cùng đó, gió làm 75 cây xanh bật gốc.
Báo cáo ban đầu cho thấy, một số nhà dân bị tốc mái, rất may là các cư dân đã đi sơ tán đến nơi an toàn. Bão số 4 cũng ảnh hưởng hệ thống điện trên địa bàn Đà Nẵng, gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng gần 8.000 khách hàng. Trong đó, 172 trạm biến áp ngừng hoạt động, hiện mới khôi phục được 89 trạm.
Hiện tại, mưa vẫn lớn, gió mạnh, mực nước biển dâng cao. Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã sẵn sàng 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước để lên đường làm nhiệm vụ trong bão.
4h15, tâm bão nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam
Thông tin cập nhật lúc 4h15 ngày 28/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, vị trí tâm bão nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Cường độ cấp 10-11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
3h45, tâm bão nằm trên bờ biển giữa Đà Nẵng, Quảng Nam
Bản tin lúc 3h45 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vị trí tâm bão nằm ngay trên bờ biển giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Cường độ cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
3h30, bão quần thảo Đà Nẵng - Quảng Nam
Bão đang quần thảo ở Đà Nẵng - Quảng Nam, gió rít liên hồi. Tại khu vực trung tâm quận Hải Châu, Đà Nẵng, mưa to gió lớn. Đặc biệt, tại các khu vực ven biển Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu có gió rất mạnh, nước biển dâng cao. Quảng Nam cũng đang có mưa rất to, gió lớn.
3h, gió giật cấp 12 ở Quảng Nam
Báo Quảng Nam dẫn thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam cho biết, sức gió đo được tại Trạm khảo sát Tam Thanh (Tam Kỳ) lúc 3h ngày 28/9, giật cấp 12. Nhiều bạn đọc cho hay, có nhà sập trên địa bàn Thăng Bình. Tại Tam Kỳ, gió rít từng cơn pha lẫn tiếng mái tôn va đập. Nhiều nơi mất điện.
Video: Mưa to, gió lớn ở Quảng Nam rạng sáng 28/9
2h30, người dân sơ tán sang nhà kiên cố
Tại Đà Nẵng, gió rít liên hồi, tiếng mái tôn đập ầm ầm, mưa cũng đang lớn dần. Anh Nguyễn Văn Việt (trú đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) cho biết, gió đang rất mạnh, tôn đập liên hồi.
“Trời đang mưa khá lớn. Gia đình tôi phải gọi lực lượng ứng trực của phường nhờ hỗ trợ sơ tán sang nhà khác kiên cố hơn”, anh Việt cho hay.
Trong khi đó, tại khu vực Vũng Thùng (phường Nại Hiên Đông), anh Lê Hoàng Sơn thông tin qua điện thoại, khu vực anh ở đã mất điện, gió và mưa to dần. “Đây là khu vực sát biển, gió rít kinh hoàng”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Bùi Hoàng Vinh (trú, Túy Loan, huyện Hòa Vang) nói, khu vực anh ở cũng mất điện. Hiện, mực nước trên sông Hàn đã mấp mé bờ, sóng đánh rất mạnh.
Video: Gió giật mạnh ở Đà Nẵng trước giờ bãi Noru đổ bộ
2h, bão số 4 giảm cấp
Theo bản tin phát lúc 2h ngày 28/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 1h hôm nay, bão số 4 đã giảm cấp so với thời điểm 22h ngày 27/9. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14, trên ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.
Đến 13h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành một vùng áp thấp.
Bản tin 2h ngày 28/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật về bão số 4. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).
1h30, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, mất điện
Tại xã ven biển Hoài Hải, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, gió đã mạnh hơn rất nhiều, mưa nặng hạt. Thị xã Hoài Nhơn mất điện.
1h, tâm bão cách Quảng Nam khoảng 53km
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 1h ngày 28/9, tâm bão số 4 cách Đà Nẵng khoảng 65km, cách Quảng Nam khoảng 53km về phía Đông, cách Quảng Ngãi khoảng 78km về phía Đông Đông Nam. Cường độ bão cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Dự báo trong 2-2,5 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ, áp sát khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng.
Trang tin Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho hay, bão số 4 đã và đang gây ra gió mạnh cả trên biển và đất liền: Tại đảo Lý Sơn cấp 10, giật cấp 12, Cù Lao Chàm gió mạnh cấp 9. Tuy nhiên, đây mới là gió mạnh trước bão. Bão sẽ có một khoảng lặng sau đó có gió mạnh trở lại.
0h40, tại Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu túc trực tại trụ sở Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, để kiểm tra công tác phòng, chống bão.
Ghi nhận của PV VTC News, hiện tại, Thừa Thiên - Huế có mưa to, gió giật cấp 6-7 và tiếp tục mạnh lên. Hiện nhiều khu vực ở địa phương này đang bị cắt điện.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu tại trụ sở Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh này.
0h25: Mở 2 hầm cho khoảng 400 người dân Quảng Trị trú ẩn
Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh, tại Quảng Trị, khu vực đảo Cồn Cỏ hiện có gió cấp 8-9, giật cấp 10. Lực lượng quân đội sẵn sàng mở 2 hầm để bố trí cho khoảng 400 người dân trú ẩn tránh bão.
0h ngày 28/9, tâm bão Noru mạnh cấp 13, giật cấp 15, cách đất liền khoảng 80km
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 0h ngày 28/9, tâm bão số 4 (bão Noru) mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 15, cách Đà Nẵng khoảng 88km, cách Quảng Nam khoảng 75km về phía đông, cách Quảng Ngãi khoảng 85km về phía đông đông nam.
Tại Đà Nẵng, gió giật cập cấp 9, mưa to dần nhưng chưa có thiệt hại lớn. Một số nơi thuộc khu vực quận Hải Châu, Sơn Trà… mất điện cục bộ. Lực lượng chức năng trực chiến tại các khu vực xung yếu thuộc quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi - cho biết, huyện đảo Lý Sơn ghi nhận gió mạnh lên tới cấp 10, giật cấp 12, kèm theo lượng mưa rất lớn. Trong 6 giờ qua, lượng mưa đo được 261 mm (tính đến thời điểm 00 ngày 28/9). “Con số này rất khủng khiếp, nói cho người dân dễ hiểu, cường độ mưa này rất khốc liệt”, ông Sỹ thông tin.
Tuyến đường Bạch Đằng ở Đà Nẵng mất điện.
23h50, gió ở huyện đảo Lý Sơn mạnh cấp 10, giật cấp 12
Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, ghi nhận gió mạnh lên tới cấp 10, giật cấp 12, kèm lượng mưa rất lớn. Trong 6 giờ qua, lượng mưa đo được 261 mm (tính đến thời điểm 0h ngày 28/9).
23h40, Khoảng 60 ngư dân ở Đà Nẵng còn trên thuyền
Khu vực Thọ Quang, quận Sơn Trà vẫn còn khoảng 60 người đang ở dưới thuyền nổ máy. Hiện nay gió đang lớn dần, lực lương Biên phòng không tiếp cận được. Các lực lượng của thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị phương án cứu hộ khi cần.
23h30, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam bắt đầu gió rít, mưa vừa và nhỏ. Một số đoạn đường vẫn đang trong tình trạng ngập 30-40cm.
Ở xã Hoài Hải, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định gió bắt đầu lớn dần lên, sóng biển cao, biển động dữ dội và có mưa nhẹ!
23h10, Xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên đường phố Đà Nẵng
Lực lượng Quân đội huy động xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên đường phố Đà Nẵng trước giờ bão đổ bộ.
Tại khu vực cửa sông Hàn và ven biển, gió giật từng cơn, nhiều cây ngã đổ. Để đảm bảo an toàn, tất cả các cầu qua Sông Hàn cũng bị đóng. Trước giờ bão Noru dự kiến đổ bộ vào đất liền, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống bão được ra đường theo chỉ đạo của chính quyền. Lực lượng Quân đội huy động xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên đường phố Đà Nẵng trước giờ bão đổ bộ.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước làm nhiệm vụ trong bão. Hiện xe thiết giáp được BCH Quân sự thành phố điều động có mặt trên các tuyến đường, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ.
23h, Quảng Nam mưa lớn kèm gió mạnh
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 2 tiếng đồng hồ tạm ngưng gió, hiện nay khu vực đảo Cù Lao Chàm đã nổi gió to cấp 9 giật cấp 10, song mưa bây giờ đã ngớt. Trong khi đó, tại TP Tam Kỳ, gió bắt đầu rít từng hồi kèm theo mưa to.
Hiện tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 130 km, cách Quảng Nam khoảng 115 km, cách Quảng Ngãi khoảng 108 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15. Trong 3 giờ tới bão theo hướng tây với tốc độ 20 km/h. Như vậy khoảng 1-3h sáng mai, bão vào đất liền.
23h, Bảy người trong một gia đình ở Quảng Ngãi chạy bão giữa đêm mưa
Khu vực đất liền ven biển Quảng Ngãi bắt đầu có gió to, mưa vẫn không giảm. Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, hiện tâm bão vẫn còn cách đất liền Quảng Ngãi khoảng gần 100km.
Cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi gió thổi mạnh tạo thành tiếng hú, làm nghiêng ngả các hàng cây.
Giữa đêm khuya (27/9), gia đình ông Phạm Hiếu (60 tuổi, trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) dắt nhau đến UBND xã Bình Đông để tránh trú bão. Ông Hiếu cho biết, dù ở nơi kiên cố nhưng thấy gió càng ngày càng lớn, lo sợ nguy hiểm đến tính mạng của 7 người trong gia đình nên dẫn cả nhà đội mưa qua UBND xã cho an tâm. Ngay sau khi cả nhà ông Hiếu đến, UBND xã đã bố trí chỗ ở và chuẩn bị mì tôm để gia đình ông ăn khuya và nghỉ ngơi.
Ông Hiếu đưa gia đình đến UBND xã Bình Đông trú bão
23h, 40 hộ dân ở Thừa Thiên Huế bị cô lập
Nước bắt đầu dâng cao ở xã Hải Dương-TP Huế
Tại cửa biển Thuận An, đoạn qua thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, TP Huế, trời mưa lớn, gió giật mạnh, rít từng hồi. Nước bắt đầu dâng cao, sóng to, tràn qua bờ đê chắn sóng. Tuyến đường qua thôn Thái Dương Hạ Nam bị nước biển tràn vào ngập sâu hơn 40 cm, khiến 40 hộ dân ở xóm Hương Giang bị cô lập. Công an bố trí lực lượng ở lại hỗ trợ người dân nơi đây.
Gió bão giảm còn 149 km/h, cấp 13
Hiện tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 130 km, cách Quảng Nam khoảng 115 km, cách Quảng Ngãi khoảng 108 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15. Trong 3 giờ tới bão theo hướng tây với tốc độ 20 km/h. Như vậy khoảng 1-3h sáng mai, tâm bão vào đất liền.
Video: Gió to kèm mưa lớn trên nhiều tuyến phố ở TP Đà Nẵng
22h, Cấm tất cả xe đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Phòng CSGT Công an Đà Nẵng cho biết để ứng phó với cơn bão số 4, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT - Bộ Công an, Phòng CSGT đã phối hợp với các đơn vị của Cục CSGT khu vực Miền Trung, đơn vị quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiến hành cấm toàn bộ phương tiện đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kể từ 22h00 ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.
Tối ngày 27/9 tại Quảng Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cơn bão số 4 (Noru). Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…
Dự kiến sẽ triển khai cấm các tuyến đường như: QL1A, QL14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
Đà Nẵng: Cây đổ la liệt, đường phố thành sông
22h, dù bão chưa vào nhưng tại Đà Nẵng mưa to gió lớn. Trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu), nhiều cây xanh ngã đổ chắn ngang đường. Một số tuyến đường tại Đà Nẵng đã ngập sâu cục bộ.
21h30, các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội và chính quyền địa phương tiếp tục cưỡng chế những ngư dân vẫn cố bám lại trên tàu, thuyền, không chịu lên bờ đến nơi tránh trú an toàn trước khi siêu bão Noru đổ bộ. Cụ thể, theo số liệu mới cập nhật, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều ngư dân ngư dân ở lại trên tàu, nhiều thuyền viên không chịu lên bờ để đến nơi trú tránh bão vì sợ không có người tát nước, nguy cơ chìm tàu.
Một số tuyến đường Đà Nẵng bắt đầu ngập.
Lực lượng chức năng đã cưỡng chế toàn bộ 34 người ở Đồng Nò lên bờ, bố trí chỗ ở, quần áo, chăn màn, thức ăn. Còn hơn 90 người tại âu thuyền Thọ Quang vẫn còn ở dưới tàu, cơ quan chức năng đồng ý cho dân bơm nước cạn tàu trước khi cưỡng chế lên bờ. Đồng thời, giao Sở Giao thông-Vận tải làm việc, lập biên bản với các chủ tàu về việc để người ở lại trên tàu.
Từ 16 giờ 40, Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước. Sau cầu Thuận Phước, vào 20 giờ 30 cùng ngày, Đà Nẵng cũng sẽ cho đóng cầu Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió.
Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước.
Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng huy đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.
Trên các tuyến đường, tại những nút giao thông, lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố hoặc tháo dỡ hệ thống đèn trên cao, có nguy cơ gãy, rớt khi bão đổ bộ.
Video: Mưa lớn, gió bắt đầu rít từng cơn ở Đà Nẵng
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị hết lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4. Đại tá Vinh thông tin thêm, hiện nay, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru.
Tại khu vực giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam, hồi 16h30, mưa vẫn trút không ngớt, song vẫn chưa nổi gió. Hoạt động mua bán của người dân ngụ cư trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nối 2 tỉnh, thành này) vẫn diễn ra bình thường dù siêu bão Noru đang áp sát đất liền.
Người dân trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc vẫn bán hàng.
Kon Tum: Mưa lớn, nhiều điểm giao thông có khả năng đứt hoàn toàn
Theo thông tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện tại có mưa nhiều nơi, lượng mưa tiếp tục tăng và có gió tương đối mạnh.
Tại các xã phía đông có 4 điểm giao thông có nguy cơ đứt đường. Cụ thể, các tuyến đường Măng Bút Ngọc Hoàng có nguy cơ bị đứt đường. Cây cầu bản đoạn đường quốc lộ 40B, từ ngã ba xã Văn Xuôi đi 3 xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọk Lây bị xói mòn 2 bên chân cầu có nguy cơ bị cuốn trôi. Tại km số 4-5 đường đi xã Văn Xuôi và xã Ngọk Yêu, nước mưa xói mòn 1 bên chân cống thoát nước, mất 1/3 mặt đường, có nguy cơ bị đứt.
Đường đi thôn Tu Thó xã Tê Xăng có nguy cơ cao bị đứt. Đối với các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện này đề nghị Sở Giao thông vận tải Kon Tum chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với UBND huyện Tu Mơ Rông xử kịp thời nhằm đảm bảo giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về người và tài sản của người dân khi tham gia giao thông.
Riêng các tuyến đường do huyện, xã quản lý, UBND huyên đã chỉ đạo xã Văn Xuôi, Tê Xăng khơi thông dòng chảy, thực hiện các giải pháp ngăn chặn nước tràn qua mặt đường để hạn chế xói mòn mặt đường; đồng thời cử người trực 24/24h, triển khai cắm cọc và biển cảnh báo cho người dân qua lại.
Dự báo trong đêm nay đến sáng mai, Trạm Y tế xã Đăk Na có khả năng bị cô lập cục bộ vì nằm giữa hai ngầm tràn Đăk Ong và Măng Tá. Hiện ngầm Măng Tá nước đã đầy cống tràn nước lên mặt đường.
Cũng trong tối nay, UBND huyện Tu Mơ Rông đã triển khai di dời 48 hộ với 181 khẩu phát sinh mới, đến ở xen ghép tại các điểm an toàn trong thôn.
Đường đi thôn Tu Thó xã Tê Xăng có nguy cơ cao bị đứt.
Quảng Ngãi: Gió bão giật cấp 11 ở đảo Lý Sơn
21h15 tối 27/9, sức gió trên đảo Lý Sơn đang ở cấp 10-11, biển đang động dữ dội với các cột sóng cao tầm 5-8m. Lượng mưa đã vượt ngưỡng 200mm.
Ông Đặng Tấn Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết gió hiện đang rất lớn và rít mạnh, người dân 100% đã đi trú bão an toàn.
Video: Mưa lớn, gió giật mạnh trên đảo Lý Sơn
17h, tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gió bão mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11 kèm mưa to đến rất to. Mưa bão đã làm gãy đổ một số cây trên tuyến đường trung tâm huyện. Mưa to cũng gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường trũng thấp.
Dự báo tối nay, 27/9, bão số 4 đổ bộ Lý Sơn với sức gió mạnh kèm mưa to. Huyện, Lý Sơn đôn đốc phân công các lực lượng trực 24/24h để xử lý tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân không ra đường khi mưa bão đổ bộ vào bờ.
Quảng Nam: Chuyển viện cấp cứu cụ bà khi đang ở nơi sơ tán
Lúc 22h10, khoảng 100m đường Trần Hưng Đạo (TP Hội An, Quảng Nam) ngập sâu từ 40-50cm. Trên địa bàn TP Hội An cũng xuất hiện mưa vừa và nhỏ trong nhiều giờ qua.
TP Hội An xuất hiện mưa vừa
20h tại tuyến đường Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam, lực lượng CSGT cắm chốt, yêu cầu các phương tiện đang lưu thông phải dừng xe. Một số đoạn đường đã xảy ra tình trạng ngập từ chiều tối, các phương tiện di chuyển khó khăn. Dưới cơn mưa khá nặng hạt, lực lượng CGST vẫn kiên trì bám chốt, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện trước giờ bão đổ bộ.
Lực lượng CSGT cắm chốt, yêu cầu các phương tiện đang lưu thông phải dừng xe
Khoảng 19h ngày 27/9, lực lượng y tế của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam nhận được thông báo người phụ nữ khoảng 60 tuổi có hiện tượng khó thở. Các cán bộ y tế đã có mặt để thăm khám ban đầu và chuyển đến bệnh viện.
Thiếu tá Phạm Văn Trung - Trợ lý quân y, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp thăm khám cho cụ bà cho biết, bệnh nhân này nghi do bị viêm phế quản dạng hen, đã được hỗ trợ điều trị 3 lần trong ngày.
Cũng theo Thiếu tá Trung, từ chiều đến bây giờ, các cán bộ đã xử lý gần 20 trường hợp bị ho, tăng huyết áp, sốt cao, đau bụng.
18h40, tại đường Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) xuất hiện tình trạng ngập, phương tiện di chuyển khó khăn. Địa bàn này cũng xuất hiện mưa lớn.
Thống kê từ thị xã Điện Bàn, 8 người dân bị thương do ngã từ mái nhà xuống khi đang gia cố nhà cửa. Trong đó, một ca nặng chấn thương vùng đầu và cổ phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; một người bị sụn cột sống, chấn thương đầu được điều trị ở Đa khoa Bắc Quảng Nam.
Xuất hiện mưa vừa đến mưa rất to. Hồi 17h20 vùng biển Hà My thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, hồi 17h20, gió rít nhẹ, sóng biển cao 3-4m. Tuyến đường biển nối Điện Bàn-Hội An nhiều đoạn ngập sâu 70-80cm do mưa lớn. Tại đảo Cù Lao Chàm sức gió đo được đã lên tới cấp 8, toàn bộ tàu thuyền, cư dân đã đi vào nơi tránh trú an toàn.
TP Hội An mưa to khiến một số tuyến đường ngập sâu trong nước, vùng biển Cửa Đại có sóng cao từ 3-4m, sóng biển mạnh liên tục vỗ xô vào bờ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo từ 18h ngày 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường.
Vùng biển Cửa Đại có sóng cao từ 3-4m.
Bình Định: 161 tàu và 1.199 lao động nằm trong vùng nguy hiểm
Nhiều khu vực đã có mưa, gió rất to và sóng biển cao. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, lực lượng chức năng đã vận động người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng nguy hiểm và triều cường đến nơi trú ẩn an toàn.
Tại thị xã Hoài Nhơn, các lực lượng chức năng đang ráo riết giúp đỡ, vận động các gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao đến nơi trú ẩn an toàn. Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn cho hay, công tác vận động người dân tại các vùng ven biển, ảnh hưởng triều cường đang khẩn trương thực hiện.
Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết, thành phố đã lên phương án dự kiến di dời 1.573 hộ/5.922 người dân sống tại các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhà không kiên cố. Đến sáng nay, thành phố đã di dời 14 hộ/ 45 người dân ở phường Đống Đa, Thị Nại và xã Nhơn Hải.
Thừa Thiên Huế: Mở cửa giảng đường đón sinh viên vào trú bão
Khoảng 20h, ngày 27/9, tại khu vực ven biển Thuận An (TP Huế) đang có mưa rất to, gió giật mạnh, nước biển dâng cao vượt qua bờ cát và sắp tràn lên khu vực cửa hàng của dân dựng lên ở ven biển. Ngoài đường vắng bóng người đi lại, nhiều nhà cửa đóng then cài, hạn chế ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.
Khu vực ven biển Thuận An (TP Huế) đang có mưa to
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đang trên đường đến Trường THCS Thuận An nơi có hàng chục người dân đang tránh bão để thăm hỏi, động viên và kiểm tra công tác phòng chống bão tại địa phương.
Chiều 27/9, trả lời PV VTC News, PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, nhiều trường, khoa trực thuộc của đơn vị dọn dẹp cơ sở vật chất, phòng học để sẵn sàng đón sinh viên đến tránh siêu bão Noru.
Cũng trong chiều 27/9, Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng trong tỉnh hoàn thành công tác di dân từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn từ 12h trưa nay. Các phương án phòng chống bão hiện cũng hoàn thành và đơn vị đang huy đông 100 quân số bao gồm lực lượng chính quy, dân quân tự vệ... lên đến vài chục nghìn người cùng xe bọc thép để sẵn sàng ứng phó khi bão Noru đổ bộ. Ngoài ra, một đơn vị thuộc quân khu IV đóng tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đang ứng trực sẵn sàng phối hợp với địa phương chống bão.
Video: Đảo Cồn Cỏ có mưa lớn, gió giật cấp 7
Quảng Trị: Lốc xoáy quét ngang thị trấn Cửa Việt
Chiều nay 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Phó thủ tướng lập tức đến kiểm tra chợ Cửa Việt - nơi vừa xảy ra lốc xoáy làm tốc mái nhiều nhà và làm nhiều người dân bị thương. Phó thủ tướng sẽ chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. Dự họp có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão.
Dù bão Noru chưa đổ bộ nhưng 16h ngày 27/9, ghi nhận tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho thấy, một số cây xanh bị gãy, nhà cửa và quán xá bị tốc mái do ảnh hưởng của 1 cơn lốc xoáy quét qua.
Người dân cho biết, vào khoảng 15h20, đi kèm với cơn mưa lớn, là một luồng gió mạnh quét qua. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng phần mái ở chợ thị trấn Cửa Việt bị tốc, biến dạng; các ngôi nhà ở cạnh đó cũng bị tốc mái. Theo lãnh đạo UBND huyện Gio Linh, cơ quan chức năng vừa mới đến hiện trường để thống kê thiệt hại. Trước mắt, có 2 người bị thương.
Đồn Biên phòng Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cho biết, khoảng 16h30 ngày 27/9 lượng mưa đo được khoảng 60-80mm. Gió tại cửa biển Cửa Tùng cấp 5-6. Phương tiện tàu thuyền đang neo đậu vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên thời tiết có sấm, sét, nguy cơ giông, lốc xoáy có thể xảy ra.
Lốc xoáy quét ngang thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, ít nhất 2 người bị thương.
Quảng Trị - Bình Định đã sơ tán 81.152 hộ dân
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với siêu bão Noru, đến 17h ngày 27/9, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã sơ tán 81.152 hộ dân trên tổng số 253 nghìn người, đạt tỷ lệ 71%. Trong đó, Quảng Nam là địa phương có số dân sơ tán lớn nhất với hơn 39.000 người, tiếp theo là các địa phương Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định.
Các tỉnh, thành từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển, hơn 57 nghìn tàu cá đã được hướng dẫn tránh trú bão và không còn tàu thuyền nằm trong vùng biển nguy hiểm. Giao thông trên Quốc lộ 1A, đường sắt qua các tỉnh, thành miền Trung sẽ bị ảnh hưởng khi bão vào, đặc biệt là đường hàng không tại các cảng Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku thì đều đã tạm dừng khai thác từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9.
Hiện còn 4.787 khách du lịch bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành do các sân bay đã ngừng hoạt động. Riêng tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn quyết định miễn phí phòng cho khách lưu trú ngày bão và hỗ trợ người dân khó khăn đến tránh bão.
Bão Noru sẽ cập bờ sớm hơn
Hồi 13h chiều nay (27/9), vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183km/giờ), giật cấp 17.
Nhiều địa phương cấm người ra đường khi bão Noru đổ bộ
Người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... được yêu cầu không ra đường trong tối nay, khi bão Noru dự báo vào đất liền với sức gió 183 km/h (cấp 15).
Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các tỉnh có ý kiến như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).
Huyện Lý Sơn có mưa to và rất to, gió mạnh.
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.
Đáng chú ý, chính quyền địa phương yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng chống bão ở Thừa Thiên Huế
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến kiểm tra công tác di dời dân, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản tại khu tái định cư Tân Thanh và thôn 14, xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Theo báo cáo của UBND xã Quảng Công, đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành công tác di dời dân ở vùng trọng điểm thuộc khu vực sát biển đến các công trình kiên cố trên địa bàn với 55 hộ 99 nhân khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đồng thời, các lực lượng địa phương đã triển khai giúp dân gia cố bờ bao, màn lưới đối với 50 ha nuôi trồng thủy sản thấp trũng, ứng phó với bão số 4.
Bộ trưởng lưu ý về tình trạng ngư dân ở lại trên tàu để trông coi, tát nước khi bão đang vào, rất nguy hiểm đến tính mạng.
"Các tàu cá vào cảng neo đậu tương đối an toàn nhưng phải tuyệt đối yêu cầu ngư dân rời khỏi tàu. Ven biển do kết hợp triều cường, sóng biển cao trong khi kết cấu hạ tầng, nhà cửa chúng ta còn yếu nên cần tăng cường theo dõi, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Khu vực miền núi liên quan đến sạt lở, đứt gãy địa chất không theo quy luật nên cần chủ động, đảm bảo thông tin liên lạc chặt chẽ, xuyên suốt" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Quân khu 5 huy động xe đặc chủng, máy bay ứng phó siêu bão Noru
Ngày 27/9, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ cùng hàng trăm xe đặc chủng, xe lội nước tham gia chống bão. Cùng với đó, hàng loạt phương tiện như xe ô tô, xuồng máy, trực thăng và xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 cũng đã sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy để ứng phó bão Noru.
Đại tá Nguyễn Quốc Hương - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, kiểm tra phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Quân khu 5)
Tính đến sáng 27/9, các lực lượng Quân khu 5 đã hỗ trợ nhân dân các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận neo đậu hơn 20.000 tàu cá.
Các lực lượng được bố trí xuống trực tiếp các khu dân cư trọng yếu để giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, trường học; cắt tỉa cây xanh, đưa phương tiện neo đậu vào bờ an toàn; phối hợp với biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào bờ và hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh trú bão.