Cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 (ATACMS) đã giáng một đòn mạnh vào phi đội trực thăng tấn công của Nga. Tuy nhiên, trực thăng "Cá sấu" Ka-52 của Nga vẫn xuất hiện và vẫn được xem là mối đe dọa trên chiến trường đối với quân đội Ukraine.
Cuộc tấn công ngày 17/10 bằng ATACMS của Ukraine vào hai căn cứ không của Nga đã phá huỷ khoảng 14 máy bay trực thăng, trong đó có một số chiếc trực thăng Ka-52.
Sau cuộc tấn công trên, giới chuyên gia và tình báo phương Tây nhận định, việc Ukraine nắm trong tay tên lửa ATACMS có thể buộc Nga phải di chuyển các căn cứ đang hoạt động và các khí tài quân sự dễ bị tổn thương ra khỏi tiền tuyến, để bảo vệ tốt hơn cho dàn máy bay trực thăng khỏi các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine.
Theo tờ Business Insider, hình ảnh vệ tinh được thu thập và phân tích bởi một blogger người Ukraine có bút danh "Tatarigami UA" cho thấy, Nga vẫn duy trì một phi đội gồm hàng chục chiếc Ka-52 hoạt động sát tiền tuyến. Trong một loạt bài đăng ngày 17/11 trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tatarigami UA cũng đã liệt kê các căn cứ được quân đội Nga sử dụng cho hoạt động của trực thăng Ka-52.
Trực thăng Ka-52 Alligator trong quá trình thử nghiệm ở khu vực Rostov của Nga vào tháng 1/2022.
Tatarigami UA cho biết “Máy bay trực thăng Ka-52 và Mi-28 tiếp tục là mối đe dọa đáng kể cho các lực lượng Ukraine trên tiền tuyến”. Cũng theo Tatarigami UA, việc các trực thăng Nga sử dụng tên lửa không đối đất và tên lửa chống tăng, sẽ giúp chúng mở rộng phạm vi hoạt động vượt ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine.
Ông Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ đồng tình với quan điểm trên và nhấn mạnh “Trực thăng Ka-52 vẫn đang được Nga sử dụng rộng rãi và chúng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine”.
Theo Rob Lee, “Nga bắt đầu vận hành máy bay trực thăng từ FARP ngay sau cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine”, FARP là điểm tiếp nhiên liệu và trang bị vũ khí, là thuật ngữ của NATO chỉ vị trí nơi mà máy bay có thể được cung cấp nhiên liệu gần tiền tuyến. "Bạn không thấy chúng trên video nhưng không có nghĩa là chúng không hoạt động ở đây", ông Rob Lee nói thêm.
Trực thăng Ka-52 của Nga đã khiến cho lực lượng Ukraine đau đầu trong cuộc phản công mùa hè ở miền nam Ukraine. Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đã tăng cường sử dụng trực thăng tấn công trong khu vực này và vào tháng 7/2023, trực thăng Ka-52 đã nổi lên như một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực chiến sự.
Một máy bay trực thăng quân sự Ka-52 Alligator của Nga bắn tên lửa trong Thế vận hội Quân đội Quốc tế tại trường bắn Dubrovichi bên ngoài Ryazan, Nga, vào tháng 8/2021.
Sau cuộc tấn công bằng ATACM của Ukraine ngày 17/10, bản cập nhật của tình báo Anh đánh giá "Do sự hỗ trợ từ trên không của máy bay cánh cố định không hiệu quả, nên các tuyến phòng thủ của Nga ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của máy bay trực thăng mỗi khi đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine”.
Ukraine bắt đầu sử dụng ATACMS sau khi nước này bí mật nhận được vũ khí trên từ Mỹ. Ukraine đã sử dụng phiên bản M39 của ATACMS để tấn công vào các căn cứ không quân của Nga hôm 17/10, một loại tên lửa chùm được trang bị 950 quả bom con APAM, M74 và có tầm bắn khoảng 160km.
Các chuyên gia cho biết biến thể M39 rất hiệu quả trong việc đối phó với các mục tiêu không được bảo vệ và phân tán như trực thăng đang đậu trên đường băng. Không giống như đầu đạn nguyên khối, chùm đạn con được tên lửa phóng ra có thể phân tán và gây ra nhiều thiệt hại đáng kể trên một khu vực rộng lớn. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm đối với dân thường, nên phần lớn các quốc gia cấm sử dụng loại vũ khí này.