Một tháng sau vụ tấn công vào miền nam Israel vào 7/10/2023, Tel Aviv đã phát động chiến dịch quân sự chưa từng có vào dải Gaza. Dư luận Israel đều cho rằng hành động quân sự này mở đường cho một hòa bình lâu dài.
Xung đột hiện không dừng lại ở Gaza mà bắt đầu lan rộng ra cả khu vực.
Những hy vọng cho hòa bình sau cuộc khủng hoảng ở Gaza bị dập tắt, cơn thịnh nộ của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel cách đây một năm đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực ở Trung Đông. (Ảnh: Times)
Từ dải Gaza đến Iran
Người dân Gaza đang phải chịu đựng một thảm họa nhân đạo không thể cứu vãn khi Israel tiến hành một trong những chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử. Các hoạt động quân sự giết chết hàng chục nghìn người Palestine, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, biến phần lớn dải Gaza thành tro bụi và đống đổ nát.
Chưa dừng ở Gaza, ngọn lửa xung đột bắt đầu lan rộng ra các quốc gia được xem là mối đe dọa đến sự tồn vong của Israel. Trong hơn ba tuần qua, lực lượng phòng vệ Israel phát động chiến dịch tình báo và quân sự lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào phong trào Hezbollah ở miền nam Lebanon khiến hơn 1.800 người thiệt mạng và hơn 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Ngay cả Iran cũng trở thành mục tiêu bị tấn công trong chiến dịch loại bỏ các lãnh đạo Hamas của Israel. Điển hình như vụ ám sát thủ lĩnh nhánh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bên trong một tổ hợp cao cấp dành cho giới lãnh đạo Iran nằm ở ngoại ô Tehran.
Hiện nay, Israel và Iran đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện sau khi Tehran tiến hành cuộc tấn công trả đũa cho cái chết của các thủ lĩnh Hamas và Hezbollah.
Với việc Mỹ và các đồng minh thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đa phương bằng biện pháp ngoại giao, khả năng xảy ra xung đột không kiểm soát giữa các quốc gia trong khu vực có nguy cơ lôi kéo theo cả phương Tây vào cuộc.
"Tôi không thấy được hồi kết. Khủng hoảng ở Trung Đông sẽ sớm trở thành cuộc chiến kéo dài bất tận", cựu đặc phái viên đàm phán Israel-Palestine Frank Lowenstein dưới thời Tổng thống Barack Obama cho biết.
Cũng theo ông Lowenstein, ưu tiên hiện nay không chỉ là chấm dứt xung đột ở Gaza mà còn ngăn chặn một cuộc chiến sắp nổ ở Lebanon. Những lo ngại khủng hoảng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát hoàn toàn có cơ sở.
Xung đột không chỉ ở Gaza mà có dấu hiệu lan rộng ra cả miền nam Lebanon và các quốc gia khác trong khu vực. (Ảnh: Getty Images)
Số phận bi đát của con tin Israel
Sau sự kiện ngày 7/10, các lực lượng bán vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông bắt đầu tập hợp lại để chiến đấu cùng người Palestine ở dải Gaza. Phong trào Hezbollah ở Lebanon, Lực lượng Houthi của Yemen và lực lượng dân quân Hồi giáo ở Iraq và Syria đã sử dụng mọi vũ khí họ có để gây sức ép nhằm buộc Israel ngừng chiến.
“Chúng tôi đang bị tấn công từ mọi hướng”, ông Pnina Sharvit Baruch - cựu quan chức IDF cho biết, “cuộc sống của chúng tôi đã đảo lộn hoàn toàn và mọi thứ đều rất mong manh”.
Một năm sau xung đột, dư luận Israel dường như không còn ủng hộ chiến tranh. Khoảng 56% số người Israel được hỏi ủng hộ việc rút quân khỏi Gaza nếu hành động này giúp mở đường để tất cả con tin được thả tự do.
Trong số 251 người bị Hamas bắt cóc ngày 7/10/2023, 154 người đã được thả tự do hoặc cứu thoát, 97 người vẫn nằm trong tay Hamas bao gồm 33 người được cho là đã chết. Ngoài phần lớn những người được cho là đã bị Hamas giết, Israel đã vô tình giết chết một số con tin trong các cuộc không kích.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải đối mặt với các cuộc biểu tình ngay trong nước này vì từ chối đàm phán một thỏa thuận con tin. Ông nói Hamas phải bị tiêu diệt dù mục tiêu này tới nay vẫn chưa thể thực hiện.
Những người chỉ trích Netanyahu cho rằng ông chịu ảnh hưởng quá lớn từ các thành viên cực hữu trong chính phủ của mình. Ông cũng bị cáo buộc lợi dụng cuộc khủng hoảng để ngăn chặn các nỗ lực lật đổ ông và tiếp tục phiên tòa xét xử ông về tội tham nhũng.
Trong các tuyên bố về xung đột, Thủ tướng Netanyahu nhiều lần bác bỏ các chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh hành động của ông là cách tốt nhất để đưa con tin về nhà và giữ cho người Israel an toàn lâu dài.
Tuy nhiên Thủ tướng Netanyahu lại cho phép tấn công không giới hạn vào các mục tiêu được cho là của Hamas trên khắp dải Gaza, bất chấp an nguy của hàng trăm con tin. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas, bom và tên lửa của Israel bắt đầu rơi như mưa xuống Gaza.
Xung đột đã đẩy khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đến mức vượt qua mọi sức chịu đựng của con người. (Ảnh: Anadolu)
Địa ngục ở dải Gaza
“Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ quên được tiếng bom nổ”, ông Musheir El-Farra, 62 tuổi, một nhà làm phim và nhà hoạt động Palestine sống ở Khan Younis, phía nam Gaza trước khi xung đột nổ ra.
Sau một năm xung đột, hơn 190 thành viên thuộc gia đình cũng như họ hàng của ông El-Farra đã thiệt mạng sau các cuộc đánh bom không ngừng nghỉ của Israel.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 60% số tòa nhà và 65% đất nông nghiệp của Gaza bị hư hại hoặc phá hủy. Toàn bộ các khu phố, trường học, cơ sở y tế, nhà thờ Hồi giáo, cơ sở kinh doanh và nhà cửa bị san phẳng.
Còn Bộ Y tế Palestine cho biết, các hoạt động của Israel đã giết chết ít nhất 41.788 người, trong đó có hơn 16.000 trẻ em, với 95.000 người bị thương.
“Mỗi ngày đều có ném bom và các vụ thảm sát mới”, Yousef Mema, 30 tuổi, một y tá chăm sóc đặc biệt người Palestine sống và làm việc tại Khan Younis cho biết.
“Bất kỳ ai cũng có thể bị giết hoặc bị đánh bom bất cứ lúc nào”, Mema nói thêm.
Về phần mình Israel cho rằng Hamas sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”. Họ tuyên bố đã làm mọi thứ có thể, bao gồm cả việc gọi điện đến các hộ gia đình để cảnh báo về các cuộc tấn công sắp xảy ra. Nhưng cuối cùng lực lượng này lại tuyên bố Hamas phải chịu trách nhiệm về những thương vong.
Xung đột đẩy khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đến mức vượt qua mọi sức chịu đựng của con người. Hơn 1 triệu người bị dồn về phía nam vùng lãnh thổ này nhưng không được hỗ trợ nhu yếu phẩm lẫn y tế do biên giới với Ai Cập bị Israel phong tỏa.
Hiện nay nạn đói đang giày xéo những gì còn sót lại ở Gaza, với khoảng nửa triệu người đang phải đối mặt với thiếu lương thực ở mức cơ bản nhất, Liên hợp quốc cho biết. Và có tình trạng thiếu hụt vật tư y tế như insulin và máu, cũng như nước.
Các tổ chức cứu trợ quốc tế cho biết, Israel vẫn đang ngăn cản nhiều xe cứu trợ vào khu vực xung đột. Hành động này làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.
Nhưng dải Gaza không phải là vùng đất duy nhất phải chịu đau khổ. Bờ Tây bị chiếm đóng đã chứng kiến năm đẫm máu nhất về bạo lực chống lại người Palestine từ những người định cư Do Thái cực hữu.