Hội thảo hướng nghiệp chủ đề “Khi bạn là chuyên gia trong lĩnh vực của mình”, dành cho sinh viên các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Truyền thông Đa phương tiện, Thương mại điện tử, do Trường Đại học Phương Đông phối hợp cùng tổ chức giáo dục Mindchain Academy tổ chức diễn ra vào 19/11, với sự tham gia của các doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự thuộc các ngành học này.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Dân – Trưởng khoa CNTT&TT của Đại học Phương Đông nhấn mạnh, mục đích của buổi Hội thảo chính là muốn các sinh viên có được sự định hướng rõ ràng, xuyên suốt quá trình từ học cho tới khi tốt nghiệp và đi làm, gia nhập thị trường lao động chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Minh Dân – Trưởng khoa CNTT&TT của Đại học Phương Đông tại hội thảo.
“Công nghệ là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, dừng lại tức là tụt hậu, đòi hỏi sinh viên phải có nhiều thực hành, va chạm thực tế để có cơ hội trở thành những chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể”, thầy Dân nói.
CNTT đã hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Hiện các doanh nghiệp đang trong cuộc đua chuyển đổi số dẫn đến nhiều vị trí công việc, nhiều ngành học mới ra đời, như Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo ứng dụng…
Đây là những nhóm ngành học mới, nên sự phối phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để cung cấp đầy đủ các kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao cho sinh viên là vô cùng cần thiết.
Trong đó, Truyền thông Đa phương tiện (TTĐPT) là ngành học ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình …), kinh doanh (marketing, thương mại điện tử …), giáo dục (đào tạo trực tuyến, thực tại ảo …), giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc …). Việc đến với TTĐPT được ví von là “học một ngành rành nhiều nghề”.
Vì vậy, TTĐPT là ngành có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, nhiều vị trí công việc thú vị. Thực tế cho thấy, đến nay đây vẫn là lĩnh vực tuyển dụng mà cung không đủ cầu. Hiện, nhu cầu công việc của ngành học này khá đa dạng, gồm: Chuyên viên Truyền thông doanh nghiệp, Chuyên viên sáng tạo nội dung, Quản trị các kênh truyền thông trực tuyến, Biên tập viên quảng cáo, Giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, Nghiên cứu, giảng dạy về Truyền thông đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo…
Bà Nguyễn Thanh Trà - Giám đốc truyền thông CTCP Chứng khoán DNSE, Trưởng phòng PR & Sáng tạo nội dung CTCP Vinhomes - cho biết, điểm mấu chốt của TTĐPT là năng lực sáng tạo.
"Hầu hết các đơn vị tuyển dụng chế độ đãi ngộ, môi trường để phát triển bản thân cho các nhà sáng tạo, các nhà phát triển nội dung đa phương tiện đều khá tốt… so với mặt bằng chung", bà Trà cho biết.
Bà Nguyễn Thanh Trà tại hội thảo.
Bên cạnh đó, Thương mại điện tử (TMĐT) là ngành học mới, đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức về lĩnh vực kinh tế và nền tảng về công nghệ thông tin, với kỹ năng chuyên sâu về thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, ngành TMĐT đã và đang là một ngành nghề cực kỳ tiềm năng, hứa hẹn sự bùng nổ hơn nữa trong tương lai.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Admin cộng đồng người bán Shopee 320k member cho biết: “Để được tuyển dụng, kiến thức CNTT và TMĐT là chưa đủ, lao động trẻ còn cần sự nhiệt huyết và năng động. Người nhạy bén sẽ luôn nhìn ra cơ hội trên thị trường mua bán trực tuyến còn rất nhiều, chỉ là Bạn sẽ nắm bắt ra sao. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng ngay các bạn sau khi ra trường”.
Ngoài ra, chuyên gia kiểm thử (Tester) Hoàng Thị Hồng Hạnh đến từ Tinhvan Group, một cựu sinh viên của trường cũng chia sẻ về thực tế công việc nghề Tester:
“Kiểm thử là nghề của những người cực kỳ kiên nhẫn và tỉ mỉ, với sự tưởng thưởng không chỉ là đãi ngộ từ doanh nghiệp mà còn là niềm phấn khích, sự tự hào khi “bắt” được lỗi code”, chị Hạnh cho biết.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Trần Mạnh Trường, Viện CNTT (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) cũng mang đến một “bí kíp” là các sinh viên nên sớm tham gia vào các dự án thực tế để vừa thực hành vừa nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với những người giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn.
Theo báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022, với sự đóng góp chính từ TMĐT (tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái).
Như vậy, ngành TMĐT đã và đang là một ngành nghề cực kỳ tiềm năng, hứa hẹn sự bùng nổ hơn nữa trong tương lai.