MC: Mì ăn liền hay còn được gọi với cái tên bình dân hơn là mì gói, mì tôm là món ăn được nhiều người lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày bởi sự tiện lợi mà món ăn này mang lại. Người ta có thể tìm mua mì ăn liền ở bất kì đâu, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa... Và cũng có thể thưởng thức ở bất kì nơi nào, từ việc lựa chọn là bữa ăn nhanh hằng ngày, hay ở các quán ăn bình dân, thậm chí là các nhà hàng cao cấp.
Theo báo cáo mới đây của WINA (Hiệp hội mì ăn liền thế giới) Việt Nam có mức tiêu thụ mì ăn liền trên bình quân đầu người đứng đầu thế giới. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 85 gói mì mỗi năm, trong khi mức trung bình của một người Hàn Quốc là 77 phần.
Năm 2022, sản lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam khoảng 8,5 tỷ gói. Thống kê từ năm 2020 đến nay Việt Nam luôn xếp vào top 3 Quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới.
Mặc dù mì ăn liền được xem là món ăn được nhiều người lựa chọn, với sự đa dạng, tiện lợi, thế nhưng, thời gian qua, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mì ăn liền có nhiều tác hại không ngờ như: nóng, khó tiêu, gây béo phì, hại gan, dùng dầu chiên đi chiên lại... Điều này đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang, bởi món ăn hằng ngày, được yêu thích, lại bị gắn mác với những tác hại không ngờ tới.
Vậy mì ăn liền có thật sự có tác hại như những lời đồn thổi, và liệu món ăn này có phải là một sự lựa chọn an toàn trong khẩu phần ăn của mỗi người, mỗi gia đình hay không?
Chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức với những chia sẻ của Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu hiện nay: PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia; PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia và chị Kiều Vui - phụ huynh Trạng Tý Muối Dubai sẽ cùng đi tìm sự thật về Mì ăn liền và đưa ra lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh, người tiêu dùng có cái nhìn thấu đáo hơn về mì ăn liền.
Xin cảm ơn PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm và Chị Kiều Vui (phụ huynh Trạng Tý Muối Dubai) - các vị khách mời đã dành thời gian tham dự chương trình ngày hôm nay.
Khách mời tham gia chương trình Tọa đàm (Ảnh: Khổng Chí)
Sau đây là phần trao đổi của các chuyên gia và khách mời trong chương trình:
- Qua phóng sự và những số liệu mà chúng tôi tổng hợp, theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, dưới góc độ là chuyên gia dinh dưỡng, bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng sử dụng mì ăn liền hiện nay tại Việt Nam? Quan điểm của bà như thế nào về việc sử dụng mì ăn liền?
Hiện nay, mì ăn liền là thực phẩm được nhiều người ưa thích sử dụng. Có nhiều gia đình không thích cho con sử dụng mì ăn liền, nhưng cũng có gia đình đã biết cách chế biến gói mì để bữa ăn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng hơn.
Theo quan điểm của tôi, mì gói hoàn toàn có thể đưa vào bữa ăn trong gia đình, có thể thay thế bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Vấn đề là chúng ta cần chọn loại mì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ nguyên liệu đến cơ sở chế biến có uy tín. Các khâu từ chọn lựa đến sản xuất, đóng gói đều đứng về khía cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, kiến thức từ người tiêu dùng cũng quan trọng. Khi chúng ta đã lựa chọn được gói mì tốt rồi, thì còn phải biết chế biến cho dinh dưỡng hơn.
Trong gia đình chúng ta có sẵn các loại rau, gia vị như xà lách, hành tây… cũng sẽ giúp chế biến nhanh 1 bát mì ăn liền. Rồi chúng ta có thể cho thêm quả trứng, mấy miếng giò để được 1 bát mì cân đối, đủ các nhóm thực phẩm từ chất bột đường, chất béo, protein, rau xanh, quả chín. Nếu ăn xong mà không vội thì có thể ăn thêm 1 quả chín gì đó, giúp bữa ăn thêm cân đối.
PGS.TS. BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).
- Thưa PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, nhiều người vẫn có tâm lý lo lắng khi cho rằng mì ăn liền đi kèm với nhiều tác hại không mong muốn cho sức khỏe như nóng, khó tiêu, béo phì, hại gan... Vậy ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
Thực tế cũng như PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm đã trao đổi, có những xu hướng ăn uống trên thị trường từ thời điểm có sự hội nhập, hòa nhập và có nhiều xu hướng ăn uống khác nhau như thực phẩm ăn nhanh, mì gói…
Trước việc xuất hiện những xu hướng thực phẩm như vậy, chúng ta cũng không thể cấm trẻ con không nên ăn mà chúng ta lựa chọn ăn sao cho an toàn cũng như chế biến hợp lý để có bữa ăn lành mạnh.
Tuy nhiên, với mì gói thì việc đọc nhãn mác cũng có thể thấy rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Ví dụ như mì gói có loại sản xuất từ lúa mì, lúa mạch… Như ở Nhật thì mì gói còn sản xuất từ gạo, nhóm ngũ cốc. Do vậy chúng ta phải có thêm các thực phẩm khác như nhóm vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả, thêm nhóm đạm vào thì mới có 1 bát mì đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, đối với bất kì một xu hướng nào, chúng ta cũng không nên cực đoan từ góc độ này hay góc độ khác. Nếu như chúng ta luôn luôn khuyến khích các bạn nhỏ ăn, chúng ta cũng biết nhược điểm của chế độ ăn nhanh của các nước đang phát triển sẽ thiếu đi sự đa dạng.
Vì vậy, ngay cả các bữa sáng, chúng ta cũng phải phân bố một cách đồng đều các món bún, miến, phở mỗi ngày. Chúng ta cũng khuyến khích mỗi ngày một món thay đổi, cũng có những bữa là mì. Chúng ta không cấm cản đến nỗi các bạn thèm quá và đến lúc ăn được thì lại không khống chế được.
Những gói mì ấy ăn vào buổi chiều tan trường, khi ấy cơ thể không cần quá nhiều năng lượng nữa, trong khi bữa ăn thay thế hẳn cho bữa sáng mà lại ăn vào buổi không cần năng lượng thì cũng đem đến nguồn năng lượng rất nhiều.
Nhiều bạn thức khuya, thức đến 1-2h đêm mà lúc đó đói lại úp bát mì để ăn thì cũng quá nhiều năng lượng cho bữa đêm.
Hiện nay, các bạn cũng có xu hướng thích ăn các món ăn nhanh, các món ăn theo xu thế mới mà quên mất các món ăn truyền thống rất giàu dinh dưỡng và ngon.
Chắc hẳn những ai đi học xa nhà ở nước ngoài thì sẽ rất nhớ các món bún, miến, phở, nhưng chúng ta vẫn luôn luôn phải thích ứng với các nền văn hóa. Chúng ta hòa nhập nhưng vẫn phải giữ truyền thống văn hóa, khi đó chúng ta sẽ có một chế độ dinh dưỡng tốt hơn.
PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)
- Hiện nay có nhiều lời đồn về lợi ích và tác hại khi sử dụng mì ăn liền, và ăn mì gây nóng trong người cũng là thắc mắc phổ biến của người dùng. Vậy xin PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm có thể chia sẻ với khán giả những nguyên nhân gây nóng cho cơ thể, và liệu rằng ý kiến ăn mì gây nóng có đúng không?
Nóng trong người thường được hiểu như khi trẻ bị táo bón, mẹ sẽ bảo là do ăn món này, món kia nên bị nóng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu bản chất rằng, các khẩu phần ăn, đặc biệt là của học sinh, sinh viên thường lười ăn rau xanh và quả chín, dẫn đến thiếu chất xơ. Chính đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng táo bón thường xuyên.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do uống ít nước. Ở tuổi học sinh, các cháu chạy, chơi, vận động ra mồ hôi rất nhiều nhưng không có ý thức uống đủ nước. Đối với độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, cũng phải cần bổ sung đủ nước, từ 1 - 2 lít nước mỗi ngày. Khi cơ thể thiếu nước thì sẽ tăng hấp thu nước ở đường ruột, dẫn đến táo bón.
Có một thực trạng là nhiều người ăn những loại quả có vị chát như hồng xiêm chưa chín, mận còn xanh, ổi chát, sung… điều này cũng có thể gây táo bón ở người trưởng thành.
Một tình trạng nữa là thiếu vitamin D. Theo các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, 50% người Việt Nam thiếu vitamin D. Chính điều này làm cho canxi trong khẩu phần ăn không được hấp thu. Đặc biệt như khi các em nhỏ uống sữa rất nhiều, nhưng trong đó có ít vitamin D thì canxi không được hấp thu, đọng trong lồng ruột và gây ra táo bón.
Ngoài ra, ở Việt Nam, quy trình vệ sinh ở nhà trường không sạch sẽ, các cháu mót đi ngoài nhưng sợ, nhịn, tạo thành thói quen dẫn đến táo bón.
Ở các bạn học sinh, sinh viên thường vận động quá ít, mà thời gian tĩnh tại nhiều như xem tivi, chơi điện tử, học bài… cũng là nguyên nhân góp phần gây thêm tình trạng táo bón. Do vậy, nguyên nhân gây táo bón thì rất nhiều, chúng ta cứ “đổ oan” cho mì gói thì cũng không đúng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).
- Có thể thấy là trong thời gian giãn cách xã hội, mì ăn liền được xem là lựa chọn phổ biến của rất nhiều người, bởi trong lúc này mà có được 1 thùng mì trong nhà thì cũng may mắn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngại ăn mì ăn liền vì có thông tin cho rằng mì ăn liền là nguyên nhân gây nóng, béo phì, không tốt cho cơ thể. Với tư cách là một người mẹ, chị Kiều Vui có thường xuyên cho Gia Bảo (biệt danh Muối Dubai) ăn mì không? Và chị có lo lắng về điều này?
Là một người mẹ, tôi cũng như các vị phụ huynh khác rất quan tâm đến sức khỏe của các con. Chế độ ăn, dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và ngoại hình, nhất là với Muối vì Muối là một bạn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, do vậy ăn uống cái gì là mẹ cũng rất sâu sát.
Như mọi người cũng biết mì gói là một món ăn rất quen thuộc với chúng ta. Đặc biệt trong những giai đoạn như dịch bệnh, thiên tai, mì gói được coi là món “lương khô” đối với tất cả mọi nhà.
Đối với con trẻ, kể cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp, mì gói được sử dụng thường xuyên trong những tình huống vội, gấp. Đó đã là thói quen của người Việt. Để thay đổi, chúng ta phải từng bước thay đổi một thói quen xấu thành thói quen tốt, thay vì loại bỏ hoàn toàn thói quen đó.
Ở góc độ một người mẹ, tôi nghĩ rằng mì gói là món ăn ưa thích của rất nhiều trẻ em. Muối Dubai cũng sử dụng mì gói rất nhiều, đặc biệt là những lúc con đi quay, ở vùng sâu vùng xa. Mọi người cũng biết rằng ở đây không sẵn những thực phẩm như đồ ăn nhanh hay “công nghệ” để ship đồ cho con. Do vậy, chúng ta sẽ tranh thủ sử dụng những thực phẩm đã quen thuộc như mì gói.
Bản thân mẹ Muối cũng quan niệm như các PGS.TS đã chia sẻ, rằng cái gì quá cũng không tốt, nhưng nếu như mình biết và hiểu được đúng cách sử dụng cũng như chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng thì đấy không phải là vấn đề lớn với các con hay với các bậc phụ huynh khi sử dụng các sản phẩm đó.
Nếu như thực sự nó độc hại và không tốt thì người ta đã cấm sản xuất và cấm sử dụng, chứ không phải ngày càng có nhiều hãng mì gói, nhiều công nghệ sản xuất cũng như các sản phẩm đa dạng phục vụ cho người tiêu dùng như bây giờ.
Do đó, theo quan điểm của một người phụ huynh, tôi cho rằng không thần thánh hóa tác dụng của mì gói, nhưng cũng phải đánh giá cao tính tiện lợi và hữu ích của sản phẩm này trong đời sống. Chúng ta cần hiểu cho đúng về cách sử dụng, cũng lựa chọn các sản phẩm chất lượng, đảm bảo uy tín như các PGS, TS chia sẻ.
Chị Kiều Vui (phụ huynh Trạng Tý - Muối Dubai).
- Khi thực hiện phóng sự ghi nhận ý kiến của người tiêu dùng, một số người cho rằng, họ không sử dụng mì ăn liền và cấm con cái ăn mì vì nếu sử dụng mì ăn liền rất nóng, không tốt, thiếu dưỡng chất... có nguy cơ mắc bệnh béo phì và thừa cân. Quan điểm này có đúng không thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Nhung? Và trong thành phần của mì ăn liền thì có loại nguyên liệu nào có hại cho sức khỏe con người hay không?
Thực tế là chúng ta không cấm được trẻ em. Chúng ta cũng biết rằng kẹo và nước ngọt không tốt cho sức khỏe. Có những em bé bị bố mẹ cấm đến 5 tuổi, chưa bao giờ được ăn một cái kẹo hay nước ngọt. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, với đường tự do thì có những khuyến cáo, ví dụ như theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới là có thể dùng dưới 12g/ngày. Như vậy, đối với một cái kẹo nhỏ thì không đến mức quá nghiêm trọng như vậy.
Nhiều khi chúng ta hơi cực đoan, dẫn đến việc ngược lại là bỗng một ngày đứa trẻ phát hiện ra là cái kẹo này rất ngon, và khi lên đến bậc tiểu học, THCS, THPT thì lúc đó có những bạn đã không thể kiểm soát được. Vậy, tốt nhất là chúng ta chung sống với tất cả môi trường xung quanh, hướng dẫn con lựa chọn. Ngay cả với những bài học dinh dưỡng, chúng tôi cũng đều hướng dẫn các con đọc nhãn mác, lựa chọn thức ăn khi ở bên ngoài.
Với mì gói cũng vậy. Thực tế đây cũng là một thực phẩm đã được công bố, có quy trình sản xuất. Khi mà các cục, chi cục ATTP cấp giấy phép sản xuất thì có nghĩa đây là một sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, có những sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, không có nhãn mác, quy trình chưa chuẩn… thì khi ấy chúng ta phải lựa chọn.
Bây giờ, các bạn đang có xu hướng thích ăn những thực phẩm rất cay. Một số món mì nhập khẩu rất cay. Những vị cay đấy có thể ảnh hưởng tới dạ dày và gây nóng. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn một cách phù hợp. Còn để cấm các bạn nhỏ tuyệt đối thì rất khó.
Chúng tôi cũng triển khai một nghiên cứu, tìm hiểu về các loại thực phẩm mà các bạn nhỏ yêu thích và mua ở xung quanh cổng trường, thì mì gói cũng là một thực phẩm được mua rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ăn vào buổi chiều tối, như vậy có thể cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nữa. Bởi lúc đó, nước không còn hợp vệ sinh, cốc cũng đã bốc ra rồi, chưa rửa tay hay đũa cũng mất vệ sinh cả ngày…
Cho nên, với tất cả xu hướng thực phẩm, về cơ bản, chúng tôi đã hướng dẫn cho các con biết lựa chọn và thay đổi, biết ăn và sử dụng một cách vừa phải để không gây hại cho sức khỏe mà vẫn được thưởng thức các món ăn yêu thích. Còn nếu rằng ngày nào cũng ăn mì gói thì chúng tôi không khuyến khích.
PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).
MC: Qua phần chia sẻ của các chuyên gia, chúng ta đã phần nào hiểu hơn về mì ăn liền và những nỗi "oan" mà món ăn này phải chịu trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý là các món ăn hay thực phẩm mà dùng không đúng cách cũng sẽ đi kèm với những tác hiệu không mong muốn.
Và người tiêu dùng cần phải nắm rõ nguyên tắc chung là cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Thực tế không có riêng một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể. Bởi lẽ, khi ăn quá nhiều/hoặc quá ít một loại thực phẩm sẽ khiến cơ thể dư một số chất dinh dưỡng và thiếu những dưỡng chất khác do không có cơ hội ăn món khác. Việc lạm dụng bất cứ món ăn hay thực phẩm nào đó đều tạo ra những tác động không tốt cho sức khỏe con người.
Vì vậy, khi chế biến cần nắm những kiến thức cơ bản về thành phần các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng như nhu cầu dinh dưỡng của bản thân để có chế độ ăn phù hợp.
MC Vân Trang (Ảnh: Khổng Chí).
- Trẻ thích ăn thức ăn nhanh, đặc biệt là mì ăn liền và nước uống có gas, nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều lo sợ sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Theo Chị Kiều Vui, chị thường khuyến khích con nên ăn uống như thế nào cho đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe?
Tôi có con học ở trường quốc tế nên khi ở trường hay ở nhà thì đã có sự giám sát rất chặt chẽ đến khẩu phần ăn của con. Đối với tôi, những thực phẩm như thức ăn nhanh, sản phẩm không có lợi cho sức khỏe thì cũng sẽ hạn chế cho con sử dụng nhưng tôi không cấm con. Bởi nếu càng cấm thì con lại sẽ thèm ăn những món đó.
Do đó, thông qua sự hiểu biết của người mẹ, tôi sẽ chọn những sản phẩm lành mạnh, an toàn để cho con vừa có thể thưởng thức các món ăn mà con yêu thích, đồng thời có thể đảm bảo được sức khỏe.
Tôi cho rằng, khẩu phần ăn của con luôn được chú trọng việc con nên ăn gì. Ngoài mì ăn liền thì tôi còn bổ sung thêm các loại thành phần khác trong món ăn của con nữa, để cho món mì không chỉ có duy nhất mì như thế hệ chúng ta trước đây vẫn thường ăn mì là chỉ có “tôm minh họa".
Hiện nay, các nhãn hàng đã bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và các thành phần dinh dưỡng khác nữa, do đó tôi thấy các gói mì ăn liền cũng đáp ứng được phần nào các hạn chế trước đây.
Khi ăn mì, gia đình tôi sẽ bổ sung thêm các loại thực phẩm như rau, nấm, thịt, các loại thực phẩm khác để giúp món ăn trở nên đa dạng các thành phần dinh dưỡng để làm sao bát mì đạt chất lượng, đảm bảo bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho con.
Chị Kiều Vui - phụ huynh Trạng Tý - Muối Dubai (Ảnh: Khổng Chí).
- Nhiều người tiêu dùng lo ngại trước lời đồn là sử dụng mì ăn liền sẽ đi kèm tác hại, và ưu tiên lựa chọn mì không chiên để sử dụng. Với tư cách là bà nội trợ của gia đình, chị Kiều Vui thường đưa ra tiêu chí lựa chọn loại mì ăn liền như thế nào và chị có thể "bật mí" cách chế biến được không?
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân về việc lựa chọn mì ăn liền. Tôi thường chọn các loại mì có thương hiệu lớn, có uy tín, ví dụ như các thương hiệu đã được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng. Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái thì tôi thường chọn mua tại các siêu thị lớn, những đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo uy tín đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tôi sẽ chọn các loại mì phù hợp với sở thích của con, ví dụ như con thích ăn mì vị thịt bò, thịt gà thì mẹ sẽ chọn loại mà con thích.
Khi chế biến, do mẹ biết con có tính cách khá hiếu động nên con cần rất nhiều năng lượng cho quá trình vận động, nên khi chế biến các món như mì ăn liền thì tôi sẽ cho thêm gia vị, các thành phần khác như rau, củ quả, các thành phần chứa chất đạm để con ăn đủ chất.
Mẹ Muối có thói quen thường xuyên xem các quảng cáo trên TV. Khi các sản phẩm mới ra mắt thì thường sẽ được cập nhật về mặt công nghệ, hoặc là các sản phẩm uy tín nhất, tốt nhất của các nhãn hàng đó.
Với những sản phẩm mới sẽ công nghệ mới, những thành phần mới nhất, tốt nhất đến với người tiêu dùng. Do đó, tôi sẽ xem nhiều các quảng cáo về mì ăn liền, để làm sao có thể lựa chọn các sản phẩm vừa uy tín, vừa đảm bảo chất lượng.
Khi trên TV quảng cáo mì gói, mình cũng sẽ tìm hiểu xem sản phẩm đó là gì. Sau khi mình chắc chắn là sản phẩm đó phù hợp với con mình, và thực sự tốt so với cả một danh sách dài các sản phẩm mì ăn liền đang có trên thị trường thì mình sẽ tin tưởng mà dùng thôi.
Mình sẽ dùng đi dùng lại các sản phẩm đó để làm sao đa dạng món ăn cho con chứ không phải mỗi ngày lại mua một loại mì khác nhau về nấu. Cũng là từ gói mì đó tôi sẽ chế biến nhiều món khác nhau cho con. Có những hôm thì sẽ chỉ nấu với nước đun sôi, nhưng có những hôm thì sẽ xào, nấu hoặc trộn thêm với một món gì đó khác để thay đổi màu sắc và mùi vị của món ăn để cho con ăn mà không bị nhàm chán.
Như tôi cũng chia sẻ là việc giám sát con sẽ ăn bao nhiêu bữa trong vòng 1 tuần hoặc 1 tháng là rất quan trọng. Tôi thường chọn các sản phẩm mì gói có thương hiệu lớn, uy tín, chế biến theo nhiều cách khác nhau nhưng một tuần cũng chỉ giới hạn vài bữa mì thôi, đồng thời ăn thêm các món khác theo đúng với quy chuẩn của nhà trường về dinh dưỡng.
Điều này giúp tôi kiểm soát được cân nặng của con, kiểm soát được các thành phần trong khẩu phần ăn của con để đảm bảo sức khỏe cho con.
- Ăn nhiều mì tôm hoặc ăn liên tục trong thời gian dài có tốt không là điều nhiều người thường thắc mắc. Đặc biệt là trong mùa giãn cách trước đây, chúng ta thường hay dự trữ mì tôm để phòng trường hợp không thể đi chợ hay những lúc có việc phải thức khuya. Vậy PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm có lời khuyên nào cho khán giả cũng như có những giải pháp nào để giúp khán giả đảm bảo dinh dưỡng nếu rơi vào trường hợp này?
Chúng ta rất may là đã đi qua thời kỳ COVID-19. Tôi thấy rằng trong thời kỳ COVID-19 xảy ra, đã có tình trạng nhiều cửa hàng hết cả mì ăn liền để bán. Có người còn mua đến 5-6 thùng về chia cho các thành viên trong gia đình.
Khi tôi đi công tác cũng gặp nhiều người mang theo mì rất nhiều. Trong những tình huống chẳng may chúng ta phải ăn mì ăn liền nhiều, cũng không có nhiều những thực phẩm đa dạng để ăn.
Trong thời kỳ giãn cách, cơ quan ban ngành cũng đã cố gắng cung cấp thực phẩm ở mức giới hạn. Ví dụ như rau xanh, tôi thấy vẫn được cung cấp đủ thông qua việc bố trí những địa chỉ ở các khu phố. Các tổ chức từ thiện cũng cung cấp rau sạch, trứng cũng là mặt hàng dễ cung cấp.
Chúng ta vẫn nên nấu mì và cho thêm các loại thức ăn chứa chất đạm, chẳng hạn như trứng, đậu phụ, thịt lợn, thịt bò, thịt gà… Chúng ta có thể chọn thêm các loại rau củ mà để được lâu như rau cải, rau muống, bí, mướp… đều có thể nấu cùng với mì.
Ngoài ra hiện nay, chúng ta còn có một loại thực phẩm khác nữa là rong biển cũng được bán nhiều ngoài thị trường. Có thể ngâm rong biển cho nở ra, mẹ nấu mì cho con và thêm quả trứng. Nếu mẹ nấu mì cho con mà thêm các thành phần như vậy thì sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng. Chúng ta cần hiểu rằng, mì ăn liền ở đây chỉ là ngũ cốc, thay thế cho cơm hay bánh mì.
Các doanh nghiệp sản xuất mì cũng đã cố gắng cho thêm một ít thịt vào mì, nhưng vì số lượng không đáng kể nên chúng ta có thể cho thêm một số lượng chất đạm (protein) từ các món kể trên như thịt, tôm, trứng, thêm rau xanh nữa. Tùy theo nhóm tuổi thì mỗi bữa ăn chúng ta có thể cho thêm khoảng 100-150g rau xanh. Như vậy thì món ăn sẽ đa dạng hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (Ảnh: Khổng Chí).
- Hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được nhà sản xuất bổ sung rau củ, thịt, các loại vitamin, khoáng chất… nhằm tạo nên “bữa ăn mì gói” đa dạng hơn về thực phẩm, cân đối hơn về giá trị dinh dưỡng, góp phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày của người dân. Xin hỏi PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, chúng ta có cần bổ sung thêm các loại dưỡng chất nào khác nữa không?
Chúng ta cũng biết trong những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, ví dụ dịch COVID-19, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Trong hướng dẫn dinh dưỡng của chúng tôi, đầu tiên phải ăn đủ năng lượng. Nếu trong tình trạng khẩn cấp, không có cái gì, chúng ta phải đảm bảo đủ năng lượng cho việc sống còn. Có thực phẩm nào thì ăn thực phẩm đó.
Tuy nhiên, hiện nay, việc cung ứng, cấp cứu, hỗ trợ cho cộng đồng rất tốt, nên sẽ không gặp phải tình trạng này kéo dài, kể cả khi thiên tai, bão lụt. Nếu chẳng may có rơi vào tình huống đó thì cũng sớm được giải quyết. Còn nếu gặp phải thì có gì cũng phải ăn nấy. Khi ấy, có một chút bánh kẹo trong nhà thì cũng phải sử dụng để đảm bảo cho việc sống còn.
Với mô hình ăn hiện đại, xu hướng của các gia đình trẻ là ăn thức ăn nhanh, giảm bớt các món ăn truyền thống. Một số bạn trẻ hiện nay không biết những món như ốc chuối đậu, cà bung… Do vậy, vẫn cần giáo dục cho các con, rằng xét ở góc độ dinh dưỡng thì truyền thống ăn uống của người Á Đông, đặc biệt là người Việt rất tốt và đa dạng. Ví dụ như một món nộm thì trong đó có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hướng dẫn các bạn nhỏ ăn các món ăn nhanh, ví dụ như mì gói một cách hợp lý. Một gói mì cho bữa sáng không gây ra thừa cân béo phì. Nhưng vào giờ tan trường, buổi đêm do thức khuya lúc 1 - 2h sáng…, khi ấy chúng ta không cần tiêu hao năng lượng nữa mà lại ăn mì gói thì mới gây thừa cân, béo phì.
Do vậy, càng ở trong thời đại thay đổi, chúng ta càng phải giáo dục dinh dưỡng, hướng tới việc ăn uống kết hợp giữa hiện đại và truyền thống sao cho đảm bảo bữa ăn hợp lý.
Không ai có thể ăn mì gói cả 1 tuần, bởi ngay cả những món ăn yêu thích nhất cũng không thể ăn liền trong một tuần. Do đó, chúng tôi khuyến khích luôn luôn đa dạng và thay đổi các bữa ăn cho trẻ em cũng như người trưởng thành. Không có một chất dinh dưỡng nào là đủ mà chúng ta phải ăn phối hợp để chất này bù cho sự thiếu hụt của chất khác, như vậy chúng ta sẽ có chế độ dinh dưỡng toàn diện hơn.
Không nên quá cực đoan hoặc “cách ly” những thực phẩm mà chúng ta nghĩ rằng nó không có lợi cho sức khỏe. Nếu chúng ta cảm thấy gói mì quá dầu mỡ thì có thể không bỏ gói dầu mỡ đó vào, thay vào đó là cho thêm thịt, rau hay quả trứng, sử dụng các loại gia vị hấp dẫn khác để sử dụng.
PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung (Ảnh: Khổng Chí)
- Trong các buổi đi thăm quan, dã ngoại, du lịch thì mì ly, mì cốc dường như là lựa chọn đầu tiên của các bậc phụ huynh bởi tính tiện lợi và sự yêu thích của trẻ. Cũng có loại mì bổ sung được chất đạm như thịt hầm, xúc xích, nhưng lượng rau củ kết hợp lại chưa được cân đối. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm có ý tưởng gì cho các nhà sản xuất về việc này không?
Tôi nghĩ rằng dần dần, các nhà sản xuất cũng hướng cải tiến công nghệ để đa dạng các sản phẩm mì ăn liền, cùng với đó là bổ sung các gói kèm theo như gói cung cấp protein, rau xanh, tăng hàm lượng các dưỡng chất đó, giúp bữa ăn dần dần cân đối hơn. Trước mắt mà chưa có đủ thì chúng ta cũng phải tự cân đối, biết cách ăn, tức là phối hợp đa dạng thực phẩm thì bữa ăn cũng sẽ cân đối.
Ví dụ bên cạnh ăn mì, chúng ta ăn thêm bánh mì, cơm, khoai củ, ngô… có sẵn. Chúng ta ăn xen kẽ, đa dạng thực phẩm lên. Các thực phẩm chế biến cung cấp chất đậm hiện nay cũng rất sẵn, tiện lợi. Mỗi khi bận rộn quá, chúng ta sử dụng mì thay cơm, khi ấy có thể cho thêm quả trứng hoặc một ít thịt bò thái sẵn, thêm một ít rau để tạo thành bữa ăn cân đối.
- Như chúng ta thấy trong phóng sự, hình ảnh những bạn học sinh cầm trên tay ly mì mua ở cổng trường và ăn cùng nhau khi đi học. Chúng ta có thể thấy những ly mì nấu vội và được đựng trong những ly nhựa sử dụng một lần không đảm bảo về vệ sinh an toàn sức khỏe, mì cũng không có rau củ và các dưỡng chất cần thiết. Là một bà mẹ, chị Kiều Vui có đồng tình với quan điểm cấm không được thì mình nên cho con ăn trong khả năng kiểm soát và sử dụng các sản phẩm mì có thương hiệu và đảm bảo an toàn hay không?
Tôi nghĩ là tôi và các vị phụ huynh khác sẽ rất đồng tình với quan điểm rằng chúng ta không nên cấm, nhất là đây là một sản phẩm mà được bán rộng rãi trên toàn thị trường, được cơ quan chức năng kiểm tra sâu sát, kiểm định chất lượng thường xuyên.
Tôi nghĩ rằng quan trọng vẫn là hiểu biết của các vị phụ huynh, của các con trong việc như thế nào hợp lý để vẫn có một bữa ăn rất đặc trưng mà nhiều người Việt Nam yêu thích, mà vẫn đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe.
- Là một chuyên gia về dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung có thể tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em ở nhóm tuổi vị thành niên, lứa tuổi mà các con bắt đầu có những chính kiến riêng của mình từ ăn uống đến sở thích đều thay đổi hoặc lựa chọn không theo lời khuyên của ba mẹ?
Càng ngày, xu hướng xã hội càng thay đổi, các bạn hoàn toàn có thể tiếp cận các thông tin qua các nền tảng số, mạng xã hội. Chúng ta không thể bắt các con ăn theo ý mình và đa phần khi bắt con làm thế thì sẽ thất bại. Cho nên, giải pháp đó là trao đổi, cung cấp đủ thông tin cho các bạn. Chúng tôi nghĩ, ở nhà trường, chế độ giáo dục dinh dưỡng học đường cũng rất quan trọng trong việc có được kiến thức hợp lý.
Ví dụ, trong giáo dục dinh dưỡng học đường, chúng tôi cũng hướng dẫn các bạn nhỏ khi đi ăn thức ăn nhanh ở ngoài, phải chọn các suất ăn nhỏ hơn, chia sẻ với người bên cạnh. Khi ăn mì ăn liền, phải ăn một cách cân đối, không ăn vào giờ tan trường hay trước khi đi ngủ; biết cách đọc nhãn mác và nếu thấy các thực phẩm quá cay, nhiều muối, nhiều dầu mỡ thì phải bỏ bớt phần đó ra.
Tiếp theo là gia đình. Ở lứa tuổi này, khi chúng ta chuẩn bị một nền tảng sức khỏe tốt, đó là hành trang theo chúng ta cả đời. Bố mẹ cũng cần trao đổi, cho con một sự lựa chọn, không ép con ăn những thực phẩm bố mẹ nghĩ là ngon, là tốt mà sẽ có những chủ đề ăn. Ví dụ hôm nay thì ăn món ăn truyền thống, Chủ nhật tuần này thì ăn canh riêu cua, bún chả… chẳng hạn.
Những bữa sau các bạn có thể lựa chọn những món như mì Ý được chế biến lành mạnh. Hoặc buổi sáng nay thì chúng ta ăn các món bún, miến, phở, nhưng một buổi sáng khác bận rộn hơn hoặc thi thoảng vẫn có thể ăn một bát mì với đầy đủ dinh dưỡng và ăn đúng bữa chứ không ăn trước khi đi ngủ.
Như vậy, việc giáo dục dinh dưỡng, duy trì một truyền thống, văn hóa ăn uống ẩm thực trong gia đình, tức là ăn một mâm cơm đầm ấm và chúng ta có thể chia sẻ với nhau sau một ngày làm việc vất vả, cũng như không ăn quá muộn. Ăn uống lành mạnh là một hành trang theo suốt cuộc đời các em.
Chúng tôi đã thử nghiệm chương trình dinh dưỡng trong trường học. Có những bạn chưa bao giờ ăn rau, khi mà được giáo dục thì sẽ tự nguyện nói với bố mẹ rằng: “Bữa này của con vẫn chưa đủ rau nên là mẹ phải cho con một ít rau nữa”. Điều này cũng mang đến những tín hiệu tích cực như các bạn cá tính hơn, có những định hướng rõ ràng hơn, nhưng nếu trao đổi và đạt được sự thấu hiểu thì sẽ tự nguyện làm và sẽ thành công.
Các khách mời tại trường quay Đài truyền hình KTS VTC (Ảnh: Khổng Chí).
- Trong thời đại hiện nay, không chỉ có gói mì được sản xuất trong nước mà còn có những gói mì nhập khẩu với hương vị cao cấp, nguyên liệu cũng khác so với mì được sản xuất ở Việt Nam. Đôi khi khẩu vị của những món mì đó cũng khác so với người Việt như quá cay. Vậy thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, bác sĩ có thể chia sẻ cách dùng như thế nào đối với các loại mì nhập khẩu từ nước ngoài này để phù hợp với người Việt?
Những loại mì nhập khẩu của nước ngoài đa phần không phù hợp khẩu vị, vị giác của người Việt Nam. Do vậy, chúng ta vẫn thiên về các gói gia vị của mì trong nước.
Một số bạn trẻ thích thử, ăn tăng độ cay, thì tôi nghĩ chúng ta có thể thử, nhưng khi cho gói gia vị cay thì chỉ nên cho 1/4, 1/3 thôi chứ đừng cho hết vì sẽ cay quá không ăn được. Những bạn có nguy cơ về dạ dày, khi ăn cay quá sẽ bị kích thích, đau dạ dày. Khi chế biến chúng ta cũng thêm các loại rau khác nhau, uống đủ nước, thêm một món ăn có chất đạm nữa thì bữa ăn sẽ cân đối hơn.
Ngay cả những gói gia vị mặn quá, chúng ta cũng khuyến khích ăn nhạt hơn, chúng ta cũng chỉ cho 1/3 gói gia vị đó thôi để tránh thừa muối. Do vậy, tùy theo các loại mì nhập khẩu mà chúng ta tự cân đối với khả năng ăn của mình cho phù hợp.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm.
MC: Qua phần chia sẻ vừa rồi của các chuyên gia, chúng ta có thể hiểu được không phải ngẫu nhiên mà mì liền lại trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn trong suốt thời gian qua. Và điều cần rút ra được là không có thực phẩm xấu, mà chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách thì sẽ trở thành không tốt cho sức khỏe.
Vì vậy khi chế biến cần nắm những kiến thức cơ bản về thành phần các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng như nhu cầu dinh dưỡng của bản thân để có chế độ ăn phù hợp.
Một lần nữa xin được cảm ơn sự tham gia của hai vị khách mời. Xin kính chào và hẹn gặp lại.
Đại diện lãnh đạo Báo điện tử VTC News thay mặt BTC tặng hoa cho khách mời của chương trình.