Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ suy dinh dưỡng có nên ăn thịt cóc?

(VTC News) -

Trẻ suy dinh dưỡng có nên ăn thịt cóc là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ.

Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trước kia, điều kiện môi trường đất đai rộng, cóc sống ở môi trường tự nhiên khá dồi dào nên một số gia đình sử dụng thịt cóc làm thực phẩm.

Ngày nay, điều kiện kinh tế ngày một nâng cao, nguồn thực phẩm hiện nay rất đa dạng phong phú, bữa ăn của các gia đình có nhiều lựa chọn về thực phẩm giàu dinh dưỡng với mức giá phù hợp và an toàn. Theo chuyên gia, tốt nhất không nên mạo hiểm với thịt cóc.

Thịt cóc là nguồn thực phẩm tốt khi biết cách sử dụng. Trong 100 gram cóc chứa 18,6 gram đạm, ngoài ra còn một số yếu tố vi lượng đặc biệt là kẽm rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

Thịt cóc là nguồn thực phẩm tốt khi biết cách sử dụng. (Ảnh minh hoạ)

Theo quan niệm của đông y, thịt cóc tác dụng bổ tỳ giúp cho trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Tuy vậy khi sử dụng thịt cóc cần hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vì một số bộ phận của cóc như gan, da, trứng chứa độc tố có thể gây chết người. Thực tế từng có nhiều vụ ngộ độc dẫn đến tử vong cho trẻ xảy ra.

Trong quá trình chế biến nếu không cẩn thận độc tố nhiễm vào thịt cóc, tùy theo mức độ nhiễm độc tố mà mức độ ảnh hưởng sức khỏe khác nhau. Nhiễm ít, trẻ có biểu hiện ngộ độc nhẹ, nhiều có thể gây tử vong.

Các gia đình không nên cho trẻ ăn thịt, ruốc cóc và các loại thực phẩm chế biến từ thịt cóc của những người bán hàng rong vì nguy cơ bị ngộ độc rất cao do không kiểm soát được quá trình chế biến của họ. Ngoài sự lựa chọn thịt cóc, nên cho trẻ ăn thịt gà, ếch, tôm, cua. Thực phẩm này chứa dinh dưỡng cũng bổ không kém thịt cóc mà giá thành lại rẻ và an toàn cho trẻ.

Những người làm ruốc cóc để bán luôn khẳng định có kinh nghiệm lâu năm, nên thịt cóc không còn dính độc tố. Trên thực tế trong quá trình chế biến, nếu không cẩn trọng và chỉ sơ suất là những chất độc trong da, nốt sần sau tai, trứng và gan cóc nhiễm vào thịt.

Khi làm cóc tại nhà, các bà mẹ cũng nên cẩn thận để tránh nhiễm độc. Cụ thể, khi làm cóc, nên chặt đầu ở vị trí phía dưới hai u tuyến nhựa sau tai, bỏ bàn chân và toàn bộ phủ tạng cóc. Chú ý không để nhựa cóc văng vào mắt.

Khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thịt cóc, tốt nhất móc họng cho trẻ nôn ra hết thức ăn và nhanh chóng đưa trẻ đến cấp cứu tại cơ sở gần nhất.

Các triệu chứng của ngộ độc thịt cóc là mệt mỏi, lạnh, nhức các chi, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy mất nước, hạ huyết áp, tim đập chậm, có khi chậm hơn hoặc loạn nhịp hoàn toàn.

AN BÌNH

Tin mới