Chị Nguyễn Thu Nga (Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ trước hướng dẫn của Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh lớp 1, 2 thực hiện kiểm tra học kỳ trực tiếp tại lớp. Từ đầu năm học các con không thể tới trường do dịch COVID-19, vậy sao lại yêu cầu kiểm tra trực tiếp. Trong khi đó dịch bệnh ở Hà Nội ngày càng căng thẳng cả nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Để các con tới trường học làm bài kiểm tra lúc này không đảm bảo an toàn.
Chị cho rằng nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tức là cho trẻ đến trường ôn tập rồi mới kiểm tra trực tiếp, sẽ gây tâm lý lạ lẫm, lúng túng, bỡ ngỡ cho những đứa trẻ chưa từng đến trường. Nhưng nếu trường không tổ chức ôn tập, chỉ cho trẻ lên lớp để thi thì việc này hoàn toàn vô lý khi suốt thời gian qua, học sinh hai lớp đầu cấp tiểu học đều học trực tuyến.
(Ảnh minh hoạ: H.C)
Chị Hoàng Thùy Châm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn với yêu cầu kiểm tra học kỳ trực tuyến tại trường. Bởi cậu con trai lớp 2 của chị vừa hoàn thành bài kiểm tra môn Toán trực tuyến sáng nay. Ngày mai sẽ kiểm tra Tiếng Việt và tiếng Anh. Nếu áp dụng quy định này thì đồng nghĩa bài kiểm tra trực tuyến của con sáng nay không được tính và phải tới trường để làm lại.
Chị cho rằng, việc cho trẻ đến trường trong giai đoạn này ôn tập và thi trực tiếp là không hợp lý, nhất là với những trẻ lớp 1 và 2, khi từ đầu năm đến giờ các bé học online.
"Hy vọng nhà trường và Sở GD&ĐT Hà Nội sớm hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra học kỳ để không làm gián đoạn việc học của các con và phụ huynh chuẩn bị tâm lý đồng hành cùng con làm tốt bài kiểm tra cuối kỳ", chị Châm chia sẻ.
Anh Huỳnh Tiến Sang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hoang mang trước quy định của Bộ GD&ĐT. Anh cho rằng, việc tổ chức ôn tập và thi trực tiếp cho học sinh lớp 1 không khả thi vì trước đây, số lượng phụ huynh thực hiện khảo sát đồng tình cho con đi học trở lại chỉ chiếm gần 30%.
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, các trường nên tổ chức kiểm tra học kỳ trực tuyến thay vì ôn tập, thi trực tiếp. Phụ huynh sẽ hỗ trợ chụp lại bài vì thực tế, kiến thức của lớp 1 và lớp 2 chỉ là viết chữ, làm phép toán đơn giản.
"Học trực tuyến vốn đã không chất lượng bằng học trực tiếp. Nến khi kiểm tra cũng không nên đòi hỏi các con phải đạt kết quả quá cao", anh Sang nói.
Chị Lê Thuý Hậu (quận 4, TP.HCM) cũng cho rằng, để trẻ đến trường lúc này là bất hợp lý. Chị không lo lắng về mặt kiến thức vì lịch học online dày đặc và các bài tập về nhà luôn được con hoàn thành tốt. Điều đáng lo là dịch bệnh vì các con chưa được tiêm vaccine, không thể tự bảo vệ bản thân.
Cô Nguyễn Thị Mai Hương (trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, ngay khi có thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh trong lớp cũng xôn xao hỏi, nhưng hiện trường chưa nhận được chỉ đạo, hướng dẫn từ Sở GD&ĐT thành phố về hình thức kiểm tra học kỳ.
Theo khung kế hoạch năm học chung của các trường công lập, học sinh sẽ kết thúc học kỳ I vào ngày 13/1/2022, tức còn khoảng 1 tháng để hoàn thành chương trình, ôn tập và kiểm tra học kỳ. Cô hy vọng học sinh sẽ hoàn thành bài kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp như quy định. Điều này vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa đồng nhất giữa chất lượng học và kiểm tra.
Địa phương tổ chức kiểm tra thế nào?
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở chưa có phương án hướng dẫn các trường tổ chức kiểm tra học kỳ 1. Tuy nhiên tinh thần là đảm bảo an toàn chống dịch cho học sinh, trong trường hợp bất khả kháng thì sẽ để các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến.
Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện Sở chưa chốt phương án cụ thể, tuy nhiên sẽ làm đúng theo hướng dẫn của Bộ để tổ chức kiểm tra đánh giá. Theo đó, thành phố sẽ ưu tiên cho học sinh lớp 1, 2 đến trường học trực tiếp, sau khi học trực tiếp thì mới tính đến việc thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp tại trường.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) lý giải, Bộ đưa ra công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thời điểm này để các địa phương chủ động lên phương án theo tinh thần bình thường mới.
Với lớp 1, 2, Bộ GD&ĐT yêu cầu bài kiểm tra được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Các trường tổ chức kiểm tra vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Cùng với đó, Bộ cũng hướng dẫn nếu học sinh không thể đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp, thì các trường có thể cho làm bài bằng hình thức trực tuyến. Việc kiểm tra phải bảo đảm đánh giá đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
"Ví dụ như Hà Nội và TP.HCM dịch đang phức tạp có thể triển khai kiểm tra trực tuyến. Các địa phương tự quyết định, linh hoạt theo tình hình dịch", ông Tài nhấn mạnh.