Ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 2, từ sau Tết, số lượng trẻ mắc bệnh ho gà điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) bắt đầu tăng. Tháng 2 bệnh viện tiếp nhận 6 trẻ, đến tháng 3 và tháng 4 trung bình 15-16 ca, dự đoán tăng trong thời gian tới.
Sau khi nhập viện, số trẻ này được xác định trong dịch tiết hầu họng có nhiễm vi khuẩn Bordetella pertussis ngày càng nhiều. Trong số các ca ho gà, có khoảng 14% có biểu hiện biến chứng tổn thương phổi kèm theo.
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp do vi khuẩn Bordetella pertussis. Bệnh đặc trưng bởi cơn ho dữ dội, có thể kèm đỏ mặt, đôi khi tím môi và thường có tiếng rít cuối cơn ho.
Ho gà rất dễ lây, gây bệnh gần như 100% các cá thể nhạy cảm có tiếp xúc giọt bắn chứa vi khuẩn. Đây là bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia khi bé được 2-3-4 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng.
Bệnh nhi mắc bệnh ho gà có dấu hiệu cơn ho dữ dội, có thể kèm đỏ mặt, đôi khi tím môi. (Ảnh minh họa)
Hiện văc-xin ngừa ho gà có tác dụng rất tốt, song nhiều bệnh nhi vẫn chưa được chích ngừa dù đã đủ tuổi. Không ít trẻ mắc bệnh do lây lan từ người chăm sóc, phần lớn là cha mẹ.
Phòng ho gà bằng cách tiêm văcxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Mũi đầu chích khi bé được 2-3-4 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Phụ huynh cần theo dõi và thực hiện đúng theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tránh để trẻ tiếp xúc với người bị ho. Khi phát hiện có người ho kéo dài trên hai tuần nên nghi ngờ ho gà để đưa đi thăm khám, điều trị kịp thời.
Hiện tại, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM thực hiện chương trình giám sát ho gà và gửi bệnh phẩm (dịch tiết hầu họng) sang viện để kiểm định.
Video: Suýt chết vì thói quen cắn móng tay