Thời gian gần đây, công ty là Sen Vàng và Minh Khang liên tục khẳng định quyền sở hữu tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Trước vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định: Cục đã cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm của hai đơn vị Sen Vàng và Minh Khang "đúng theo trình tự pháp luật".
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thông tin về việc tranh chấp tên gọi cuộc thi Hoa hậu giữa hai đơn vị Sen Vàng và Minh Khang.
"Năm 2022, Cục nhận được hồ sơ đăng ký và đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Công ty Minh Khang tác phẩm viết Kịch bản chương trình cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2023 theo trình tự thủ tục hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong khi đó, công ty Sen vàng có nộp hồ sơ để đăng ký hai tác phẩm, và chúng tôi đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Kịch bản cuộc thi nhan sắc Miss Grand Vietnam-Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 8/4/2022, và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng logo Miss Grand Vietnam-Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 10/5”, bà Kim Oanh cho biết.
Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nói thêm: "Sau khi chúng tôi cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sen Vàng và đang tổ chức việc xem xét xin ý kiến các cơ quan liên quan để tổ chức các cuộc thi theo quy định của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì Công ty Minh Khang có xin đổi lại tên. Đó không còn là kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2023 nữa mà thành kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam. Lúc đó, phía Công ty Sen Vàng đã có văn bản phát ra cùng với văn bản của tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề bản quyền. Do đó, chúng tôi đã dừng việc cấp đổi của Công ty Minh Khang lại".
Giải thích về việc dừng cấp đổi này, bà Oanh nói rằng, năm 2022, Việt Nam là thành viên Hiệp ước WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả. Do đó, buộc phải tuân thủ tất cả các quy định, điều ước quốc tế trên cơ sở hồ sơ cung cấp ban đầu theo quy định tại Điều 49, Luật Sở hữu trí tuệ quy định về: Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
Trước thực trạng tranh chấp tên gọi các cuộc thi nhan sắc như hiện nay, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho rằng: "Tên gọi các tác phẩm mặc dù không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác".
Bà Kim Oanh cho biết để kịp thời ngăn chặn thực trạng này: “Trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ để ban hành thực thi luật đã có một điều bổ sung trong quy định về tên gọi của các tác phẩm. Đó là quy định đối với việc đặt tên cho tác phẩm thì không được vi phạm khoản 2 điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan''..
Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, đây là nội dung được bổ sung cho chặt chẽ trong quy định của pháp luật nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Năm 2022, hai công ty là Sen Vàng và Minh Khang liên tục khẳng định quyền sở hữu tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Phía Sen Vàng nắm giữ bản quyền cuộc thi Miss Grand International thường được gọi bằng tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình. Còn phía công ty Minh Khang là đơn vị khai sinh ra cuộc thi Miss Peace Việt Nam, dịch sát nghĩa tên tiếng Việt của cuộc thi là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Chính vì có cùng tên gọi tiếng Việt nên 2 bên công ty đều muốn mình là chủ sở hữu duy nhất của tên gọi này. Cả Minh Khang và Sen Vàng đã tốn nhiều thời gian để tiến hành chuẩn bị các bằng chứng pháp lý chứng minh sở hữu của mình.