Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT, Bộ TT-TT) phát hiện 3 website vi phạm bản quyền kênh chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là radiovietnamonline.com; onlineradiobox.com và tivihot.net vi phạm bản quyền của VOV.
Theo đó, Cục PT-TH&TTĐT sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet trong nước (các ISP) chặn truy cập 3 websites nêu trên tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông tích cực đưa ra các biện pháp bảo vệ bản quyền nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam trên môi trường Internet.
Nhiều chương trình phát thanh của VOV bị xâm phạm bản quyền.
Qua khảo sát, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông (VOV) nhận thấy nội dung chương trình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là các chương trình phát sóng trên Kênh VOV2 (Đọc truyện đêm khuya, Chuyện thầm kín, Cửa sổ tình yêu, Đàn bà 30+, Diễn đàn VOV2, Diễn đàn giáo dục VOV2,...); các chương trình của Kênh VOVGT: Thế giới giao thông, Sự kiện và Góc nhìn, Nhật ký đô thị,...; chương trình của Kênh VOV1 như Sự kiện và Bình luận, Tin tức,...; kênh VOV5: That is life; food Delight, Discovery Viet nam,...
Đặc biệt trên YouTube, có các kênh sử dụng nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam có lượng view (lượt xem/nghe) và lượng subcribers rất lớn như: kênh Pad TV trên you tube có lượng view là 4,4 triệu; kênh youtube Vov Media (không phải app vovmedia của Trung tâm kĩ thuật) có lượng view là 4,3 triệu (lượt xem/nghe); kênh youtube – cửa sổ tình yêu, Chuyện gia đình có 4.2 triệu lượt view; Chuyện thầm kín 4,6 triệu lượt view (lượt xem/nghe).
Sau khi rà soát và thảo luận cùng đối tác Google và Facebook, hơn 100 kênh và fanpage sử dụng trái phép nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam không còn tồn tại. Các kênh lớn nhất trên YouTube đang là các kênh chính thức của Đài Tiếng nói Việt Nam như VOV.VN, VOVTV, VOV Live, VOV1, VOV2.
Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông của VOV đang tích cực rà soát, sàng lọc để tìm kiếm các trường hợp vi phạm để lên phương án xử lý trên các nền tảng Facebook và YouTube.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông cũng phát hiện ra rất nhiều website, nhiều ứng dụng OTT trên các kho ứng dụng di động Google Play và Apple App Store hiện đang sử dụng tài nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam dưới nhiều hình thức: livestream trực tuyến các kênh phát thanh của Đài, thu, cắt, biên tập và tái sử dụng các nội dung chương trình của Đài, ví dụ như Đọc truyện đêm khuya, Kể chuyện cảnh giác…
Trên kho ứng dụng Google Play, phát hiện 14 ứng dụng lớn đang phát thanh trực tuyến các kênh của VOV. Ví dụ, ứng dụng Radio Vietnam – Listen and record radio online, ứng dụng Radio Vietnam Online - listening radio thu hút từ 500.000 đến 1 triệu lượt tải về. Các ứng dụng khác đang phần từ 10.000 đến 100.000 lượt tải.
Trên kho ứng dụng của Apple App Store cũng phát hiện nhiều ứng dụng nổi bật như Radio Viet Nam Online, Đọc truyện đêm khuya, 9Radio - Radio VOV, VOH, Radio Việt Nam… và đều là ứng dụng của các cá nhân, tổ chức bên ngoài đang sử dụng tài nguyên của VOV mà không được cấp phép.
Vì quá trình xử lý các vi phạm kể trên phức tạp hơn so với xử lý trên các mạng xã hội, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông chủ động thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ các chương trình của VOV.
Tháng 10/2020, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông tham dự cuộc họp làm việc giữa lãnh đạo VOV và đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông với nội dung liên quan đến tình trạng vi phạm bản quyền nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam trên nền tảng Internet.
Ngày 13/11/2020, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông gửi công văn đến 31 đơn vị, cá nhân, đề nghị các đơn vị, cá nhân kể trên chấm dứt các hành vi vi phạm bản quyền nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày 15/04/2021, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông phối hợp làm báo cáo rà soát tình hình khắc phục vi phạm của 31 đơn vị, cá nhân kể trên để thông tin cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, để Cục lên phương án phối hợp xử lý tiếp theo.