Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tràn lan 'truyền thông bẩn' sản phẩm sữa trên không gian mạng: Vì sao khó dẹp?

(VTC News) -

Gần đây, những quảng cáo cực đoan, nhân danh bác sĩ, dược sĩ khuyên dùng các sản phẩm sữa khiến người tiêu dùng hoang mang còn cơ quan quản lý không dễ kiểm soát.

Tại tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và "vấn nạn truyền thông bẩn", tổ chức tại Báo Công thương sáng 9/11, các chuyên gia đã bàn luận về vấn nạn “truyền thông bẩn” trên thị trường sữa.

Các diễn giả tham gia tọa đàm. (Ảnh: Báo Công Thương)

Hiện nay, thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, chính sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…

Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các "bác sĩ", "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội.

Tất cả những điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.

Kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng vô cùng phức tạp

Bàn luận về thực trạng này, TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - thông tin, theo quy định, các nhóm sữa cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ theo quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất và chỉ cần một bản hồ sơ đăng tải trên website là gần như hoàn thành việc tự công bố sản phẩm.

TS Trần Việt Nga cho biết, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần có nghĩa vụ thực hiện theo đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó hậu kiểm. Nghị định 15 đã quy định rất rõ các ngành hàng, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, tiếp nhận bản tự công bố sau đó phân cấp, phân quyền sau đó thanh tra, kiểm tra.

"Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép doanh nghiệp tự công bố. Điều này dẫn đến việc tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của nhà nước", TS Trần Thị Nga nói.

TS khẳng định, dù quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là những hành vi pháp luật đã nghiêm cấm. Trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 cũng nêu rõ về vấn đề này.

Theo TS Nga, đối với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm - tạm gọi là quản lý chặt hơn. Trước khi quảng cáo, nhóm này phải được xác nhận nội dung quảng cáo, tức là muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát. Nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo.

Đơn vị phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt.

Song, 90% sản phẩm khác thuộc nhóm tự công bố và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các sản phẩm quảng cáo của mình. Do đó, đây vừa là điều kiện vừa là lỗ hổng để doanh nghiệp lợi dụng đểquảng cáo chưa đúng sự thật với sản phẩm sữa.

TS Trần Việt Nga khẳng định: "Việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải, kể cả chúng tôi. Khi phát hiện quảng cáo vi phạm, chúng tôi phải gửi ngay thông tin cho Bộ TT&TT, Bộ Công thương để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó để yêu cầu gỡ bỏ thông tin quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế, điều này vô cùng khó khăn, bởi nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta rất khó tìm đơn vị chính chủ.

Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không do họ thực hiện quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 đứng giữathực hiện. Điều này cũng có một vài trường hợp Bộ Công an đã bắt giữ và xác minh việc đó".

"Pháp luật có đầy đủ quy định về các mức xử phạt nhưng theo tôi, với sự phát triển không gian mạng như hiện nay, việc kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn vô cùng khó khăn", TS Trần Việt Nga cho hay.

TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Phải dọn sạch truyền thông bẩn

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.

"Đặc biệt, chúng ta biết là hiện nay Chính phủ đã chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, điều này rất tiện cho doanh nghiệp, nên công tác hậu kiểm chúng ta làm cũng cần phải tăng cường hơn. Bởi thực thế, có sự lợi dụng thì doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không vấn đề gì, còn đối với các doanh nghiệp có vấn đề thì tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải vào cuộc", ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, đó chính là "truyền thông bẩn", mà đã là "truyền thông bẩn", đó là rác rưởi thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội.

Thứ nhất, lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.

Thứ hai, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.

Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sự Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - thông tin, hiện nay, chế tài về cạnh tranh đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự, trong Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, hình phạt này áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại.

Chế tài và pháp luật đều đã có quy định, nhưng hiện tượng vi phạm, theo ông Cường do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém, hạn chế vì lợi ích cá nhân, ganh ghét đối với các đối thủ lĩnh vực. Chính vì vậy họ đã bất chấp để đưa ra truyền thông bẩn, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để hạ gục đối thủ.

"Đó là hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh và ý thức chấp hành pháp luật. Vấn đề thứ hai, là sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay", ông Cường nói.

Vấn đề thứ hai là sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay. Quảng cáo ở trên các nền tảng mạng xã hội đôi khi mang lại rất nhiều hiệu quả trực tiếp. Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi.

Vấn đề thứ ba, các cái đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng cố ý thực hiện hành vi phạm.

Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật...

Thời gian đây, hành vi vi phạm trên không gian mạng phát triển rất nhanh, có thể kể đến hành vi lừa đảo, những hành vi vi phạm về quảng cáo. Nguyên nhân chủ yếu nhất do sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến việc quản lý còn nhiều khó khăn.

"Từ những vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, cũng như là các thông tin liên quan đến việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh để xử lý kịp thời", ông Cường đề xuất.

Ngọc Vy

Tin mới