Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết vài năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp đang dần trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy vậy, việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp “ba không” đang để lại nhiều hệ lụy, nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản”, ông Thịnh nói.
Vụ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp liên quan Tân Hoàng Minh cho thấy còn "lỗ hổng" pháp lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Vẫn theo chuyên gia, trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng, tăng 66,3%, và chiếm 44% tổng lượng phát hành. Tiếp đến, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73%.
Ngoài ra, các nhóm ngành năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành từ 28.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành; trong đó lượng phát hành của các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm phát triển hạ tầng tăng cao so với năm 2020 (lần lượt tăng 152% và 225%).
Tăng trưởng của thị trường trái phiếu là tín hiệu khả quan, cho thấy đây có thể là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo chiếm trên 49% rất đáng lo ngại. Khi nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp đồng nghĩa họ phải chịu rủi ro với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt hoặc phá sản, các nhà đầu tư sẽ mất vốn và gây tác động đến thị trường trái phiếu, nền kinh tế.
“Khi mà rủi ro xảy ra, sau này những trái chủ không dám mua trái phiếu nữa thì thị trường không có đất phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư đòi trả lại trái phiếu của các doanh nghiệp khác, gây xáo trộn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính tiền tệ và có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế rất lớn trong thời gian tới đây”, ông Thịnh nói thêm.
Tương tự, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng phát hành trái phiếu nhưng không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán cho thấy chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức báo động.
Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa đảm bảo yếu tố minh bạch và thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi. Ngoài ra để bán được trái phiếu, các doanh nghiệp phát hành thường đưa ra lãi suất từ 12 - 14%. Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế, bởi nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến mất khả năng chi trả, hậu quả khi đó thật khó lường.
“Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nhưng vẫn rầm rộ phát hành trái phiếu, hầu hết là trái phiếu “ba không”. Đáng nói, dù doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát số tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng đúng mục đích không… Do đó việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u nhọt mới của nền kinh tế”, ông Long cảnh báo.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh nhưng những vấn đề bất cập của thị trường này cũng đã hé lộ. Cụ thể, ông Hiếu cho biết, nếu như ở các nước phát triển, chỉ ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Thì, tại Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư.
Bên cạnh đó, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành, tức ngân hàng là cánh tay nối dài của nhà phát hành.
“Ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành không thể trả nợ”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Gỡ ngòi nổ quả “bom” trái phiếu
Trước tốc độ tăng trưởng “tên lửa” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo các chuyên gia, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu minh bạch hóa thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú ý tình hình tài chính của tổ chức phát hành, các trái chủ, mục đích và quá trình sử dụng vốn trái phiếu…
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc phát hành. Tránh việc phát hành quá dễ dàng các loại trái phiếu không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh, tạo điều kiện để những “con sâu trái phiếu” làm rầu thị trường.
“Từ các vụ việc gần đây, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay hơn để minh bạch thị trường trái phiếu. Việc dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn. Doanh nghiệp có tài sản, có uy tín, làm ăn minh bạch, đàng hoàng được khơi mở dòng vốn. Nhà đầu tư có điều kiện để tiếp tục đầu tư tài sản sinh lợi vào một trong những kênh đầu tư sinh lợi an toàn”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Bởi một trong những nguyên tắc quan trọng là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Nếu vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm đếm mức phải hình sự thì chuyển cơ quan điều tra và có thể xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, chặn ngay tình trạng ngân hàng thương mại bắt tay doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu vô tội vạ. Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể có cả mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
“Thị trường trái phiếu đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Nhưng về độ bền vững thì chưa có, có thể gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Do vậy việc siết chặt quản lý là điều cần thiết”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Lỗ hổng pháp lý
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW), cho rằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhan nhản thời gian qua cho thấy có "lỗ hổng" về pháp lý mà rủi ro bị đẩy về phía khách hàng.
Theo đó, hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý nào quy định cụ thể về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định. Nhưng theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
Từ đó có thể thấy rằng Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao.
Ông Hà cho rằng cần bổ sung, sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Đồng thời, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.