Đó là phản ảnh của người dân ở 2 thôn Cẩm Bình và Châu Giang (xã H’Neng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) gửi tới Báo điện tử VTC News.
Hồ xử lý nước thải của trang trại nuôi heo cơ sở Hoàng Oanh.
Theo người dân, sau khi được người dân gửi đơn phản ánh, cơ quan chức năng kiểm tra nhiều lần xuống trang trại nuôi heo theo chuẩn CP này kiểm tra. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không hề thay đổi.
Bà Ngô Thị Thanh Huyền (trú thôn Châu Giang) cho biết, dòng nước thải đen kịt thường xuyên xả trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm.
"Gia đình tôi sống sát bên trại heo này, cả gia đình nhiều lần không ăn cơm nổi bởi mùi hôi thối của trại heo, nhất là vào mùa nắng. Ngoài ra, trại heo trang bị khoảng 20 quạt gió thổi mùi hôi bay vào nhà người dân sống xung quanh. Môi trường ô nhiễm nặng nề, nhiều người mắc bệnh hô hấp", bà Huyền bức xúc nói.
Bà Huyền nói thêm, cách đây hơn 5 năm khi chưa xuất hiện trại heo này, cuộc sống người dân khu vực được bình yên. Giờ thì mỗi khi trời mưa là nước thải từ các hồ chứa của trang trại này chảy ra ngoài làm nhiều người dân không biết phải sống sao.
Đáng nói, vào mùa mưa, nước thải của trang trại tràn sang cây trồng của người dân gây chết hoa màu.
Người dân xung quanh ngao ngán vì mùi hôi thối bốc ra từ trang trại heo.
Cũng như bà Huyền, ông Vũ Văn Thìn - Trưởng thôn Cẩm Bình cho biết, trại heo Hoàng Oanh đi vào hoạt động từ năm 2013.
"Trại heo xả nước thải gây ô nhiễm khiến người lớn và trẻ em mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Nhiều hộ phải bỏ giếng vì nước giếng thì bị ảnh hưởng, không thể sử dụng được.
Cơ sở nuôi heo này bị người dân phản ảnh nhiều lần đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi cán bộ kiểm tra ra về, trại heo ngưng xả thải một vài ngày, rồi sau đó "đâu lại vào đấy", thậm chí tình trạng còn tệ hơn", ông Thìn ngao ngán nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực trang trại heo của cơ sở Hoàng Oanh, dòng nước thải đen kịt, dù đứng cách xa trang trại nhưng mùi hôi thối vẫn bị ảnh hưởng. Tại khu vực xả thải của trang trại, 3 hồ chứa có màu nước đen, đặc quánh và nồng mùi thối.
Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Trung Nhân - Chủ tịch UBND xã H’Neng, huyện Đak Đoa cho biết, ông đã đi thực tế và báo cáo cụ thể lên cấp trên nhưng vụ việc vẫn chưa xử lý triệt để.
"Cơ quan nhận rất nhiều đơn thư phản ảnh về việc này, chính tôi là người đi thực tế chứng kiến cảnh ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, xã không có chức năng xử lý nên tôi đã báo cáo lên cơ quan cấp trên nhưng vụ việc vẫn chưa xử lý dứt điểm. Thông qua báo chí, tôi cũng mong cơ quan có liên quan vào cuộc xử lý nhằm trả lại môi trường trong sạch cho người dân", ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho biết, đã lập Đoàn kiểm tra cơ sở chăn nuôi heo Hoàng Oanh trước đó.
Nguồn nước thải đen và bốc mùi nồng nặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo bà Quyên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này nuôi 4.000 con, gấp 4 lần so với con số được phép. Nước thải từ quá trình chăn nuôi được thải ra 3 hồ xử lý tập trung, trong đó có 1 hồ được xử lý bằng hệ thống Biogas, 2 hồ không được lót đáy.
Đoàn liên ngành cho rằng quá trình hoạt động chăn nuôi heo của cơ sở có phát hiện mùi hôi thối làm ảnh hường đến môi trường dân cư xung quanh nên đã yêu cầu chủ cơ sở thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, chỉ nuôi dưới 1.000 con; khẩn trương tiến hành cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt theo quy chuẩn hiện hành; xử lý mùi hôi gây ô nhiễm môi trường dân cư xung quanh trong quá trình hoạt động chăn nuôi heo; trước khi tái đàn mới, cơ sở phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải.
Ngoài ra, Đoàn liên ngành cũng đề nghị UBND huyện Đak Đoa, xã H'neng tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện cam kết của chủ cơ sở chăn nuôi để thông tin kịp thời về Sở TN-MT biết, chỉ đạo.
Được biết, cơ sở chăn nuôi heo Hoàng Oanh đi vào hoạt động từ năm 2013, có tổng diện tích khoảng 10.000m2, khoảng cách từ cơ sở đến khu dân cư gần nhất khoảng 400m; đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND huyện Đak Đoa xác nhận tại thông báo số 180/TB-UBND ngày 14/11/2012 với quy mô 950 con/đợt.
Video: Doanh nghiệp đầu độc kênh xanh, chính quyền loay hoay xử lý