Câu chuyện mà cô gái người Giang Tây, Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, bình luận gay gắt. Người phụ nữ này lấy chồng được 8 năm. Mỗi tháng khi chồng đưa lương cho mình, cô đều phải chi gần hết số tiền đó để giúp bố mẹ chồng trả nợ, cứ thế đến nay vẫn chưa trả hết.
Nàng dâu này thấy khó hiểu vì bố mẹ chồng cô sống rất tằn tiện, làm sao có thể nợ nần nhiều đến nỗi còng lưng trả nhiều năm không xong. Tuy nhiên, gia đình chồng đều tránh né không muốn nói lý do.
Cuối cùng mới đây, dưới sự tra hỏi của vợ, người chồng mới nói thật rằng nguồn gốc khoản nợ đó chính là tiền sính lễ nộp cho bố mẹ cô 8 năm trước, khi họ làm đám cưới. Bố mẹ cô dâu muốn nhận được 680 nghìn nhân dân tệ (gần 2,3 tỷ đồng).
Người phụ nữ này làm việc cật lực suốt 8 năm sau khi kết hôn vẫn không trả hết món nợ của bố mẹ chồng, hóa ra đó là khoản tiền sính lễ để cưới cô. (Ảnh: Douyin)
Giang Tây là nơi có mức thách cưới cao nhất Trung Quốc. Tình trạng mất cân bằng giới tính khiến các cô gái trở nên "quý hiếm", nhiều gia đình đưa ra mức thách cưới cao hơn nhiều so với phong tục địa phương.
Trong trường hợp trên, bố mẹ cô gái cho rằng con số 300 nghìn nhân dân tệ - mức sính lễ trung bình ở địa phương - có vẻ không may mắn nên đã yêu cầu nhà trai chi 680 nghìn nhân dân tệ - con số "lộc phát", nghe có vẻ tốt lành hơn.
Bố mẹ chú rể thấy đôi trẻ yêu nhau sâu đậm, không nỡ khiến họ phải chia tay nên cố gắng vay tiền họ hàng, bạn bè để nộp đủ cho nhà gái. Còn cô dâu vốn tưởng bố mẹ chồng lo khoản đó nên không để ý nhiều. Không ngờ sau khi về làm dâu, vợ chồng cô phải cùng họ xoay xở trả dần.
Khi cưới vợ cho con, các gia đình Trung Quốc thường gặp áp lực lớn về tiền sính lễ.
Khi biết sự thật, người phụ nữ thất vọng và khá suy sụp. Cô rất hối hận vì trước đây không ngăn bố mẹ đẻ nhận số tiền đó, khiến cho chất lượng cuộc sống sau khi kết hôn không được tốt lắm, làm ra bao nhiêu cũng chỉ để trả nợ.
"Giá bố mẹ bằng lòng cho tôi một nửa số tiền ấy làm của hồi môn thì chồng tôi đã không phải làm việc vất vả như vậy. Tôi không thể hiểu được quyết định của bố mẹ mình, về cơ bản đó là hành động bán con gái", người phụ nữ chia sẻ. Cô do dự về việc có nên về nhà hỏi bố mẹ, sợ nếu hỏi thì xảy ra xung đột, còn nếu không hỏi rõ thì cảm thấy khó đối mặt với gia đình mình.
Những câu chuyện về nạn thách cưới luôn được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội và chuyện của cô gái này cũng vậy. Nhiều cư dân mạng khuyên cô đối xử tốt với gia đình chồng: "680 nghìn tệ là số tiền lớn; nhưng bố mẹ chồng cô ấy đã đồng ý vô điều kiện rồi bí mật vay tiền"; "Họ không hề cò kè mặc cả, chấp nhận vì không muốn rẽ duyên con cái"...
Rất nhiều ý kiến chỉ trích bố mẹ cô gái và lên án nạn thách cưới quá cao: "Cha mẹ đòi sính lễ với giá trên trời thực sự không xứng đáng làm cha mẹ"; "Đây là việc bán con gái"; "Tham lam thách cưới số tiền lớn, cuối cùng con gái họ phải è cổ ra làm việc để trả; họ có hiểu điều đó không?"...