Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM xử lý tiếng ồn karaoke tự phát: Người bán loa kéo đứng ngồi không yên

(VTC News) -

Trước chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM xử lý tiếng ồn karaoke tự phát, nhiều tiểu thương bán loa kéo tại chợ điện tử Nhật Tảo (Quận 10) lo lắng, đứng ngồi không yên.

Người bán loa đứng ngồi không yên

Ngày 7/3, ghi nhận của PV VTC News ở chợ điện tử Nhật Tảo (Quận 10, TP.HCM), dù đang giữa trưa nhưng cảnh mua bán đồ điện tử, nhất là mặt hàng loa kéo vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Người dân đến chọn mua micro và loa kéo tại chợ Nhật Tảo. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Khảo sát nhanh tại một số cửa hàng bán loa kéo cho thấy, các mặt hàng loa kéo có giá dao động từ 150 nghìn đồng đến 10 triệu đồng, tuỳ nguồn gốc và thương hiệu.

Ông Bảo (chủ cửa hàng Bảo Thu ở chợ Nhật Tảo) cho biết, so với những năm trước, loa kéo năm nay bán giá rẻ hơn nhiều. Dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng lượng khách ghé mua vẫn đông.

"Tại cửa hàng gia đình tôi loa kéo có nhiều loại giá khác nhau, rẻ nhất 150 nghìn đồng, giá trung bình 700 nghìn đồng, còn loa kéo lớn dùng cho tiệc văn phòng thì lên đến hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây loa kéo có giá từ 150 – 700 nghìn đồng bán đắt khách nhất", ông Bảo cho hay.

 Chủ cửa hàng Bảo Thu đang kiểm tra loa trước khi giao cho khách. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Nói về việc TP.HCM bắt đầu xử lý tiếng ồn karaoke tự phát, ông Bảo tỏ ra lo lắng vì hàng nhập về nhiều, tiền vốn bỏ ra nhiều mà chính sách này sẽ khiến loa kéo ế hàng, vắng khách mua.

"Hầu hết mặt hàng này đã được nhập về từ trước Tết rất nhiều, thế nhưng trong Tết không thể bán hết hàng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện tại cửa hàng tôi vẫn bán được, dù lượng khách mua không đông và chi mạnh tay như trước. Thành phố mà xử lý mạnh tay thì cầm chắc là bán ế rồi chú ạ", ông Bảo lo lắng nói.

Loa kéo được bán nhiều tại các chợ điện tử Nhật Tảo. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Cũng giống ông Bảo, ông Hùng (Chủ cửa hàng Nam Phong) nói trong lo lắng: "Trước chỉ đạo xử lý tiếng ồn karaoke tự phát của Chủ tịch thành phố, khiến những tiểu thương bán loa kéo như chúng tôi rất lo lắng. Hiện tại khách vẫn ghé mua khá nhiều, tuy nhiên sắp tới không biết còn bán được không".

Nên quy định rõ khung giờ nào được hát karaoke

Khi được hỏi có chấp hành chủ trường "dẹp loạn" tiếng ồn karaoke tự phát của thành phố không, nhiều tiểu thương bán loa kéo ở chợ điện tử Nhật Tảo khẳng định sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định, "nhưng nên có hướng dẫn cụ thể về việc hát karaoke và khung giờ hát". Vì theo các tiểu thương, chỉ có quy định rõ ràng, cụ thể mới khiến họ "tâm phục, khẩu phục" và không phải "dẹp tiệm".

Nhiều người đi xe máy vội tấp vào cửa hàng trong chợ Nhật Tảo hỏi mua loa kéo. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Ông Hưng (chủ cửa hàng Hàng Phát), cho rằng chỉ đạo xử lý tiếng ồn karaoke tự phát của thành phố là đúng, vì chẳng ai thích bị làm phiên. Nhưng ngược lại người dân cũng có quyền vui chơi, giải trí, miễn là không vi phạm quy định.

"Hiện quy định về tiếng ồn và xử lý tiếng ồn chưa rõ ràng, chúng tôi cũng không nắm được các khung giờ nào bị cấm, trong khi nhu cầu vui chơi giải trí vẫn có. Tôi nghĩ nếu quy định rõ thì sẽ đỡ khúc mắc, người muốn hát vẫn được hát mà không phiên ai, người bán loa kéo như chúng tôi cũng mát lòng, vui vẻ làm ăn", ông Hưng nói. 

Cũng theo ông Hưng, khách mua loa kéo ở cửa hàng ông không chỉ để hát karaoke, mà còn phục vụ công việc hàng ngày như giảng dạy, hướng dẫn viên du lịch, dạy thể dục… Đây là các nhu cầu chính đáng, nên thành phố cần cân nhắc.

 Chủ cửa hàng đang tư vấn cho khách đến mua thiết bị âm thanh. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Cùng suy nghĩ đó, chị Phượng (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận) đang mua loa ở chợ Nhật Tảo cho biết, do phòng trọ hẹp không đủ không gian lắp giàn karaoke, và kinh tế không cho phép, nên chị tới chợ mua loa kéo giá 2 triệu đồng về hát.

"Thành phố cấm cũng phải có giờ, phải rõ ràng, vì nhu cầu giải trí là nhu cầu cơ bản, hợp pháp mà. Chúng tôi vẫn muốn được hát karaoke tại nhà. Thành phố nên làm thế nào để cân bằng nhất thì người lao động như chúng tôi mới không thiệt thòi", chị Phượng nói.

Trước đó, ngày 26/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn, chỉ đạo các Ủy viên UBND TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, TP về việc tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn.

Đến ngày 4/3, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM có văn bản gửi UBND TP về xử lý vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở TN&MT, việc gây tiếng ồn từ xe đẩy, bán hàng rong, hát karaoke… tại các quán nhậu ngoài trời, trên vỉa hè mang tính thời điểm, không liên tục, ngoài giờ hành chính nên Sở TN&MT hay UBND quận, huyện khó kịp thời kiểm tra xử lý vi phạm.

Trước mắt, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP giao Sở Khoa học - Công nghệ công bố, giới thiệu các phần mềm điện thoại di động hoặc các phương tiện cầm tay đang lưu hành hợp chuẩn để trang bị cho các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cho ban điều hành khu phố, tổ dân phố để thực hiện quy ước tổ dân phố.

KHUẤT NGUYÊN

Tin mới