Theo ông Hưng, từ đợt dịch đầu tiên, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số lượng này phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch khi số ca nhiễm chưa tăng cao như hiện nay.
Nhưng từ đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm tăng cao, TP đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong. "Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị chậm hơn so với nhu cầu", ông Hưng thừa nhận.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng. (Ảnh: TTBC)
Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, yêu cầu đặt ra là tất cả trường hợp dương tính với SARS-CoV2 được xác định qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR được xử lý như F0. Ngành y tế tập trung truy vết càng nhanh càng tốt, và đưa bệnh nhân đến cơ sở cách ly, điều trị.
"Một số F0 dù chuyển bệnh nhân có chậm đi nữa nhưng bệnh nhân có triệu chứng thì phải ưu tiên giải quyết, không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có xét nghiệm dù là xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR khẳng định", ông Hưng nói.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế, hiện nay TP có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến. 24 bệnh viện này có công suất là 44.890 giường, đang điều trị cho 16.757 bệnh nhân.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ 27/4 đến trưa 13/7, trong số các ca mắc COVD-19, thành phố ghi nhận 224 người có triệu chứng nặng.
Ông Tâm cho biết thêm, từ 6h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7, TP.HCM ghi nhận 1.602 ca mắc mới. Trong đó, 579 ca ở khu phong tỏa, 778 bệnh nhận trong khu cách ly, 8 ca phơi nhiễm nghề nghiệp, 3 ca được phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng, 138 ca được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện và 96 bệnh nhân đang điều tra bổ sung.