Khuya 18/1, lãnh đạo Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an, đóng tại quận 5, TP.HCM) xác nhận đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng.
3 bệnh nhân nhiễm Omicron này được phát hiện qua sự cảnh giác của các kỹ thuật viên Phòng xét nghiệm Sinh học phân tử Bệnh viện 30/4.
Ảnh minh hoạ.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện 30/4 đã có buổi làm việc với các chuyên gia dịch tễ và y tế dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về các ca bệnh trên.
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện 30/4, cán bộ phòng xét nghiệm của Bệnh viện nhận được một số mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm PCR hôm 15/1. Kết quả xét nghiệm PCR với những mẫu bệnh phẩm này đều dương tính với SAR-CoV-2.
Nghi ngờ có bất thường, kỹ thuật viên đã báo cáo lại lãnh đạo Bệnh viện.
Ngày 16/1, các mẫu được tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để giải trình tự gene. Chiều 18/1, kết quả khẳng định 3 bộ gene lấy từ 3 mẫu bệnh phẩm đều thuộc biến chủng Omicron (BA.1).
Theo báo cáo, 3 người nhiễm biến chủng Omicron sống tại huyện Bình Chánh, quận 11 và quận Gò Vấp.
Ngày 15/1, 3 người này có triệu chứng đau họng và chảy nước mũi nên đến khám tại một phòng mạch tư, được lấy mẫu xét nghiệm (phết họng) gửi Bệnh viện 30/4 nhờ làm xét nghiệm PCR.
Các trường hợp bệnh nhân trên cũng đã được báo cáo tới Sở Y tế TP.HCM. Các ca tiếp xúc gần đang được khoanh vùng, điều tra để nắm và giám sát.
Trước đó, ngày 14/12/2021, UBND TP.HCM ban hành khẩn kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron, cụ thể:
1. Tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải. Hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm.
Đối với những chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia xuất hiện biến chủng mới thì bắt buộc cách ly tập trung. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.
2. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Theo đó, TP.HCM tổ chức tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, doanh nghiệp nhằm phát hiện sớm bất thường.
3. Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron. TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp dương tính như người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc COVID-19.
Trường hợp thuộc 2 nhóm nêu trên dương tính sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị và thực hiện giải trình tự gene.
4. Tăng cường cập nhật thông tin trên thế giới về biến chủng Omicron để đánh giá đúng mức sự nguy hiểm; chuẩn bị biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.
5. Triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại.
6. Kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến huyện, xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc cấp độ nguy hiểm của dịch do biến chủng Omicron gây ra.
Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây và người tiếp xúc gần để dập dịch. Tùy theo mức độ nguy hiểm sẽ kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát tương ứng.
7. Tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các trạm y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng.
8. Xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.
TP duy trì các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Ngoài ra, mỗi địa bàn cấp huyện sẽ phát triển thêm các bệnh viện dã chiến 2 tầng hoặc cơ sở thu dung, điều trị.