Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm sau 6 năm thí điểm

(VTC News) -

Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP, TP.HCM đề nghị Thủ tướng cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Sáng nay (15/7), UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Với các hoạt động trong thời gian qua, TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Tăng cường vừa tập huấn, vừa kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố

6 năm qua, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. So sánh với giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (2014 - 2016) cho thấy, số vụ ngộ độc giai đoạn 2017 - 2022 giảm 10 vụ (55,6% số vụ), số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014 - 2016.

Ban đã xây dựng, triển khai chuỗi thực phẩm an toàn liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành. Và các tiêu chí thực phẩm an toàn như: VietGAP, GlobalGAP… càng ngày càng gia tăng; hệ thống phân phối truyền thống lẫn hiện đại ngày càng được cải thiện.

Về chống thực phẩm bẩn, tăng cường công tác thanh kiểm tra tăng lên rất nhiều so với thời gian trước. 6 năm qua, đã thanh kiểm tra gần 327.600 cơ sở, phát hiện gần 37.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 11,3%). Qua đó xử phạt hơn 7.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỷ đồng. Mức phạt trung bình 21,18 triệu đồng/cơ sở, gấp hơn 4 lần so với trước đây khi chưa thành lập Ban. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban hoạt động như một sở, nhưng bị vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng trong thực tế.

Ví dụ như chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra Sở…. Ban đề xuất cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.

"Việc thành lập Ban không phải là "cây đũa thần" để giải quyết mọi vấn đề, nhưng ít ra nó đã thống nhất lực lượng để triển khai tốt nhiệm vụ. Bây giờ chính sách dù có hay đến mấy nhưng khi triển khai nhiệm vụ nếu các lực lượng manh mún lẻ tẻ, khó phối hợp với nhau thì rất khó. Chúng ta đã có chính sách thử nghiệm, thời gian thí điểm, những kinh nghiệm tích lũy được cho thấy đã đến lúc chính thức mô hình này", bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Kim Dung (VOV-TP.HCM)

Tin mới