Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM 'đặt hàng' ChatGPT là trợ lý ảo cho lãnh đạo thành phố

(VTC News) -

TP.HCM sẽ đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng ChatGPT để xây dựng hệ thống trợ lý ảo cho lãnh đạo TP nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Sáng 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học công nghệ, Thành đoàn và Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”. 

Tọa đàm do Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành đoàn tổ chức.

Ứng dụng trong hành chính công

Tại tọa đàm, các diễn giả, nhà khoa học nhận định, ChatGPT hoàn toàn có thể ứng dụng trong lĩnh vực hành chính công. 

Cụ thể, PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho rằng, ChatGPT là công cụ xử lý ngôn ngữ rất hiệu quả. Dữ liệu của ứng dụng này mới chỉ được cập nhật đến cuối năm 2021. Do đó, các thông tin mà ứng dụng cung cấp không hoàn toàn chính xác, nhất là vấn đề mang tính đặc thù: đất nước, dân tộc, văn hoá, từ ngữ ẩn dụ… Nhưng đây vẫn là công cụ rất hữu dụng với khả năng tổng hợp, phân tích, phân loại dữ liệu, dịch thuật, cung cấp thông tin, đề xuất các hướng dẫn..

PGS.TS Đinh Điền khẳng định, ChatGPT hoàn toàn có thể ứng dụng trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng cách đưa thêm dữ liệu mới.

“Chúng ta hoàn toàn có thể có những đề tài khoa học sử dụng công nghệ này để huấn luyện trên chính ngữ liệu, cơ sở dữ liệu, lúc đó chắc chắn là kết quả chính xác hơn. Ngoài ra, ChatGPT cũng cung cấp một số dịch vụ cho phép huấn luyện trên cơ sở dữ liệu mới, đắp trên dữ liệu cũ. Tức là hiện nay sử dụng dữ liệu của ứng dụng, nhưng khi đưa thêm dữ liệu mới thì nó sẽ học thêm những kiến thức của chúng ta”, PGS.TS Đinh Điền cho biết.

PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM trình bày tham luận tại tọa đàm.

Các diễn giả, nhà khoa học khuyến cáo, ChatGPT cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: tin giả, thông tin sai, lừa đảo hay thất thoát dữ liệu nhạy cảm khi người dùng nhập dữ liệu đầu vào.

Theo TS. Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, người dùng cần cẩn trọng trong việc tương tác và chia sẻ với ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. Bởi những thông tin gợi ý cho trợ lý ảo có thể bị kẻ xấu (hacker) đánh cắp. Ngoài ra, với những nhà sáng tạo nội dung cũng cần lưu ý nguy cơ tranh chấp hay xung đột khi ChatGPT có thể tạo ra cùng một nội dung kết quả, khi mà hàng triệu người khác cũng đang dùng ứng dụng này.

TP.HCM đặt hàng nghiên cứu để ứng dụng

Đối với việc TP.HCM đặt hàng nghiên cứu để ứng dụng ChatGPT là trợ lý ảo cho lãnh đạo thành phố, TS. Võ Văn Khang gợi ý giải pháp để ứng dụng này thực sự an toàn.

TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam.

Đề cập đề xuất có cơ chế để làm sạch dữ liệu trước khi đưa vào, ông Võ Văn Khang cho rằng, không đưa các dữ liệu nhạy cảm hoặc những dữ liệu mật trong quá trình sử dụng ChatGPT như một trợ lý. Ngoài ra, các kết quả đầu ra cũng phải có một cơ chế bằng trí tuệ nhân tạo hoặc trong giai đoạn đầu dùng con người để kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố rất quan tâm đến việc tìm cách ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào phát triển về mọi mặt, kể cả về kinh tế, xã hội và giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu kết luận, chỉ đạo tại tọa đàm.

Ông Dương Anh Đức đề nghị Sở Khoa học Công nghệ thành phố, các đơn vị liên quan phải nghiên cứu làm sao đưa ChatGPT nói riêng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung vào phục vụ người dân được tốt nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố.

"Không chỉ với ChatGPT mà nói chung với tất cả những cơ hội mới, chúng ta cần phải nhanh nhạy nắm bắt. Tuy nhiên phải sáng suốt, tỉnh táo, không chạy theo một cách mù quáng nhưng cũng đừng có tư tưởng thấy mới là phản ứng tiêu cực, không tiếp nhận nó. Bởi vì thời đại ngày nay là thời đại của những thay đổi, sáng tạo. Nếu chậm, không chấp nhận sự thay đổi, chắc chắn sẽ bị lạc hậu, tụt hậu", ông Dương Anh Đức nêu rõ.

TP.HCM sẽ đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng ChatGPT để xây dựng hệ thống trợ lý ảo cho lãnh đạo thành phố nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: phục vụ dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua Tổng đài 1022; hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố trong việc đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu...

Tỷ Huỳnh (VOV-TP.HCM)

Tin mới