Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ChatGPT 'lên ngôi', giáo viên và học sinh cần thích ứng thế nào?

(VTC News) -

Theo các chuyên gia, trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi, giáo viên và học sinh cần thay đổi để thích ứng.

Tại hội thảo "Học sinh có nhất thiết phải đến trường trong thời đại AI (trí tuệ nhân tạo)?", do Trường Phổ thông liên cấp Edison (Hà Nội) tổ chức mới đây, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, lần đầu trải nghiệm ChatGPT, bà yêu cầu ứng dụng này thử viết một bài thơ. Kết quả, ChatGPT đưa ra một bài thơ khá hay, có cả vần điệu, tất nhiên vẫn với ngôn ngữ tiếng Anh nhưng khi yêu cầu ứng dụng chuyển thể bài ra lục bát thì chưa thực hiện được.

Bà cho rằng, ChatGPT có thể giúp học sinh hoàn thành viết bài văn, giải bài toán, hoàn thành bức tranh... nhưng không thể cho học sinh động lực, cảm hứng học tập, chỉ có đến trường, chia sẻ cùng giáo viên thì học sinh mới làm được những điều đó.

 Em Vũ Ngọc Quý chia sẻ tại toạ đàm.

Vũ Ngọc Quý, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cũng chia sẻ, khi học cấp 1, 2 ở trường công lập, tính cách của em khá nổi loạn nên thường không thích các đề bài kiểm tra môn Văn tả bố, mẹ theo mô- típ nhất định. Bạn nào cũng viết mẹ mặt hình trái xoan, còn bố thì hai người ôm không xuể, hoặc bố lúc nào cũng phải mạnh mẽ, mẹ đảm việc nhà. Nhưng gia đình em thì ngược lại hoàn toàn những gì cô giáo dạy - bố em toàn nấu cơm, mẹ mới là người kiếm tiền.

Thế nhưng khi viết miêu tả thực về gia đình em, các thầy cô và bạn bè không mấy ủng hộ với câu chuyện ngược đó. Điều này được thay đổi khi lên cấp 3, em chuyển vào học ở trường tư thực. Sự nổi loạn, suy nghĩ đi ngược đám đông của em đã được tiếp nhận.

"Em thực sự vui khi suy nghĩ của mình được tôn trọng, lắng nghe. Đó cũng là điều mà AI và ChatGPT không truyền tải được trong quá trình giáo dục đào tạo", thông qua ví dụ này, Quý muốn truyền tải thông điệp "trí tuệ nhân tạo không thể thay thế giáo viên trong môi trường giáo dục". Thầy cô không chỉ dạy kiến thức sách vở mà còn truyền động lực, đam mê gíup học sinh tìm được đúng hướng đi trong cuộc sống.

Thực tế, AI, Chat GPT ngày càng giỏi hơn nhưng suy cho cùng, yếu tố cảm xúc hay yếu tố cá nhân hóa trong việc dạy học lại rất quan trọng. Giáo dục không chỉ là tri thức mà còn hơn thế nữa, là đào tạo nhân cách, nhân phẩm, ý chí của con người, Quý chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường Edison cho biết, trường sẽ nghiên cứu đưa ChatGPT vào giảng dạy, giúp các em biết cách sử dụng đúng, hiệu quả, không bị chi phối bởi trí tuệ nhân tạo.

Theo bà, ChatGPT chỉ đóng vai trò trợ thủ, trợ lý cho con người. Chính con người nói chung và học sinh, giáo viên nói riêng mới là chủ thể sử dụng và chi phối ChatGPT.

"ChatGPT chỉ là công cụ tổng hợp lại các dữ liệu, kiến thức có sẵn của thế giới, nó không hề có sự sáng tạo, gợi mở mới hay tài liệu mới. Đây là điều mấu chốt mà ChatGPT không thể thay thế giáo viên hay người học", bà Minh cho hay.

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường Edison.

Là người từng trải nghiệm ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó viện trưởng Viện đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu, công cụ này đưa ra đáp án rất thuyết phục.

Học sinh, sinh viên ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào việc học để hỗ trợ được cho việc học tập, đó là tín hiệu đáng mừng nhưng điều đó không có nghĩa nó là công cụ "học thay" sinh viên.

Hằng ngày bà Huyền thường hỏi các con rằng hôm nay đến trường có gì vui không? "Câu trả lời nhận lại luôn là những câu chuyện vui vẻ của con trường như được bạn mời đi ăn kem, được bạn cho kẹo... Đơn giản vậy thôi nhưng đó lại là niềm vui lớn nhất trong ngày của con", bà nói.

Các con đến trường không chỉ để học chữ, để lấy điểm, để lấy bằng mà các con còn thể hiện bản thân mình và kết nối với bạn bè để tăng cường chỉ số cảm xúc của chính mình. Dù công nghệ phát triển bao nhiêu, con người lại càng cần sự kết nối mang khuôn mặt con người bấy nhiêu, bà Huyền chia sẻ thêm.

Hà Cường

Tin mới