Thông tin trên được nêu chiều 19/8, tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết, thành phố đã hỗ trợ các hộ kinh doanh ngừng hoạt động 12 tỷ đồng; hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống khó khăn 26 tỷ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm xã hội nghề nghiệp cho hơn 2,3 triệu người lao động với hơn 1.060 tỷ đồng; hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm tử tuất khoảng 187 tỷ đồng; hỗ trợ viên chức, người lao động, hướng dẫn du lịch... khoảng 147 tỷ đồng; hỗ trợ 143.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 47,5 tỷ đồng.
“Thành phố mong muốn không để bất kỳ người dân nào đói, khó khăn nên cố gắng đưa những gói cứu trợ sớm nhất đến tay người cần, hỗ trợ nhanh chóng để người dân yên tâm”, ông Đức nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Tại họp báo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đi kèm an sinh xã hội. Đây là hai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
“Làm sao để những trường hợp khó khăn phải được chăm lo, hỗ trợ kịp thời. Có thể một vài nơi, sự phối hợp chưa nhịp nhàng nên chưa hỗ trợ người dân kịp như chính sách, nghị quyết đề ra. Người dân hãy thông cảm vì thành phố chưa có kinh nghiệm gì trong phòng chống dịch”, ông Khuê nói.
TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH xem xét hỗ trợ cho thành phố hơn 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để chăm lo cho người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP.HCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch.
Số tiền và gạo này sẽ được dùng để hỗ trợ người lao động nghèo trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16 với mức tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng và gạo 15 kg/người.
Theo Sở LĐTB&XH, thành phố có hơn 2,5 triệu người đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Họ là lao động nghèo, gặp khó khăn do thời gian giãn cách xã hội kéo dài. TP.HCM sẽ tiếp tục cập nhật danh sách, trường hợp nào bị bỏ sót trong đợt 1 và 2 sẽ được nhận hỗ trợ bổ sung.
Để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm An sinh), thí điểm tại các quận 5, 7 và 12.