Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố kế hoạch tổng kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Sở Giao thông Vận tải tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra số 1 sẽ do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, sẽ kiểm tra tại các Sở GTVT: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.
Tổng kiểm tra hoạt động quản lý và kinh doanh ô tô vận tải hành khách trên toàn quốc. Ảnh minh họa.
Đoàn kiểm tra số 2 do Vụ Vận tải chủ trì, thực hiện kiểm tra tại các Sở GTVT: Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.
Đoàn kiểm tra số 3 và số 4 do Cục Đường bộ chủ trì, thực hiện kiểm tra tại các Sở GTVT: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, TP.HCM.
Các đoàn sẽ kiểm tra hoạt động quản lý xe ô tô kinh doanh của Sở GTVT các địa phương trong thời kỳ từ ngày tháng 1/2022 tới thời điểm kiểm tra. Các đoàn hoàn thành việc kiểm tra trước ngày 20/1/2024.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT các địa phương kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc quyền quản lý. Trong đó, các địa phương tập trung kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện an toàn giao thông của các đơn vị kinh doanh ô tô và bến xe khách. Riêng với Hà Nội và TPHCM, do có nhiều đơn vị kinh doanh ô tô khách, nên Bộ GTVT đề nghị xây dựng kế hoạch kiểm tra phù hợp, trong đó, tập trung kiểm tra ngay những đơn vị đã có tai nạn giao thông hoặc có nhiều vi phạm.
Bộ GTVT cho biết, hoạt động kiểm tra trên nhằm phát hiện bất cập trong các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (nếu có). Từ đó, các đơn vị sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Qua đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ do phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gây ra.
Qua hoạt động kiểm tra trên cũng đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.