Diễn đàn do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đánh giá, trước thách thức ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.
Theo đó, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm gồm: loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát biểu tại diễn đàn.
Mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Đầu tiên là cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; thứ hai là quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; thứ ba là tiêu dùng có trách nhiệm; thứ tư là quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế và cuối cùng là khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
“Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung toàn cầu hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã thay đổi. Họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), khẳng định mong muốn của Việt Nam là đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội”, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ đề xuất, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao xây dựng và thực thi chương trình hành động phù hợp và hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội mang lại cũng như xoay chuyển để hạn chế những thách thức.
“Với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”, Ban Tổ chức mong muốn các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và DN cùng tập trung bàn thảo những vấn đề cấp thiết và ý nghĩa nhằm hướng đến sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam”, ông nói.
Ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, đơn vị phối hợp tổ chức diễn đàn.
Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, thúc đẩy sản xuất và tiêu đùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn là mục tiêu quan trọng đã được Thủ tướng nêu rõ tại quyết định số 889 ngày 24/6/2020.
Bên cạnh đó, ngày 20/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về tiêu dùng bền vững và quy định những chính sách quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
“Như vậy, có thể nói thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là mục tiêu quan trọng và nhất quán của Đảng, Nhà nước và không chỉ dừng lại ở các quy định pháp luật hay các chính sách. Hoạt động sản xuất tiêu dùng bền vững đã được hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhiều chiến dịch, lời kêu gọi hành động cụ thể từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, bước đầu lan tỏa phong trào sản xuất và tiêu dùng bền vững trong xã hội”, ông Dũng đánh giá.
Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn.
Theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh quốc gia, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thiết thực và tất yếu đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội, trong quá trình này doanh nghiệp và người tiêu dùng là hai chủ thể có vai trò quan trọng và sự tương tác qua lại chặt chẽ với nhau. Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động thì việc nâng cao nhận thức của chủ thể hoạt động là giải pháp có tính căn cơ, quyết định sự thành công và mang tới kết quả bền vững.
“Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, không thể đạt dược kết quả thành công trong một thời gian ngắn. Đây cũng là một quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó người tiêu dùng đóng vai trò quyết định vừa là đối tương thụ hưởng, vừa là động lực, mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới”, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Diền thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều đại biểu, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” bao gồm hai phiên thảo luận về “Sản xuất và phân phối bền vững hướng tới tiêu dùng bền vững” và “Chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững”.
Các đại biểu, chuyên gia phân tích và đưa ra nhiều vấn đề, đồng thời trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, người tiêu dùng về hoạt xuất và tiêu dùng bền vững.
Hai phiên thảo luận về “Sản xuất và phân phối bền vững hướng tới tiêu dùng bền vững” và “Chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững”.
Qua đó, diễn đàn đưa ra được nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về tiêu dùng và sản xuất bền vững. Từ đó cho thấy cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng để thay đổi hành vi, hướng tới tiêu dùng xanh.