Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm, nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu thiết thực.
Việt Nam - Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973. Trong bối cảnh công cuộc Đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về phía Việt Nam, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tổng Bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại diễn đàn Franco Tech.
Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, như các chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019); chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (tháng 11/2018) - chuyến thăm đánh dấu 5 năm phát triển hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và các cuộc điện đàm tiếp đó giữa lãnh đạo cấp cao thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước. Gần đây nhất, lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đã khẳng định mong muốn cùng Việt Nam “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cùng đoàn thăm hầm De Castries tại thành phố Điện Biên Phủ ngày 6/5/2024. (Ảnh: Quang Trung)
Trên bình diện song phương, hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định mới cũng đã được ký kết làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Các cơ chế trao đổi trên 4 lĩnh vực trụ cột của đối tác chiến lược là chính trị - ngoại giao; quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp được đẩy mạnh hơn và thực sự đang đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển tương lai. Hai nước cũng đang có dự án hợp tác mới, không chỉ về thương mại, đầu tư mà còn về công nghệ, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường.
Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp.
Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia). Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,69 tỷ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm - sứ - mây - tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử) và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm).
Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 3 tỷ USD. Tính đến tháng 2 năm 2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 633 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,62 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa.
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 3 tỷ euro. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.
Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm việc với ông Olivier Brochet, Tổng Giám đốc cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE). (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…
Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách học bổng của Pháp tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sỹ và tiến sỹ. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có trên 10 nghìn sinh viên.
Pháp đứng thứ bảy trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường du lịch trọng điểm. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác địa phương, y tế có nhiều dấu ấn. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đến Pháp trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, tổng số hiện nay là hơn 350 nghìn người, lớn nhất châu Âu và phần lớn đã có quốc tịch Pháp. Tri thức là thế mạnh của cộng đồng Người Việt Nam tại Pháp với khoảng 40 nghìn Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Hội Người Việt Nam tại Pháp có bề dày truyền thống, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.
Chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác địa phương. Đồng thời tăng cường hoạt động đối ngoại đảng, nhất là đối với Đảng Cộng sản Pháp, tăng cường ngoại giao nhân dân, qua đó thúc đẩy chính phủ Pháp tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sinh sống, học tập, làm việc ổn định ở sở tại, phát huy vai trò cầu nối, đóng góp cho quan hệ hữu nghị của Việt Nam - Pháp.