Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tôi ở lại vì tấm lòng với học sinh, giờ ai dám 'gõ đầu' trẻ nữa

(VTC News) -

“Lái đò” đưa học trò cập bến bờ ước mơ là công việc việc đầy khó khăn, vất vả nhưng giáo viên chúng tôi sẽ không từ bỏ bởi hai tiếng thiêng liêng “thầy cô”.

Một mùa hiến chương nữa lại về. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng cứ đến tháng 11 năm nào cũng vậy, lòng tôi lại xốn xang đến lạ kỳ. Những xúc cảm vẫn vẹn nguyên hệt như ngày đầu tôi được mặc bộ áo dài đứng trên bục giảng.

Từ những ngày mới tập đánh vần con chữ đầu tiên trong đời, tôi đã ước mơ được trở thành cô giáo và dành nhiều năm trời để cố gắng biến điều đó thành hiện thực. Người ta vẫn thường nói, nghề giáo là một nghề cao quý, nghề ươm mầm và rèn giũa lên những nhân cách cao đẹp, nghề quyết định thịnh suy vận mệnh của cả dân tộc.

Thế nhưng dù có cao quý đến đâu đó cũng là nghề, mà đã là nghề thì sẽ có khó khăn, vất vả gian truân. Tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn gắn đời mình với bảng đen, phấn trắng, chọn lấy trang giáo án để vẽ lên những ước mơ tương lai cho con trẻ. Nhưng quả thật có những nỗi niềm của nghề chẳng biết chia sẻ cùng ai.

Áp lực không chỉ nằm ở tiền lương

Gần đây người ta nói nhiều về việc giáo viên khắp nơi trên cả nước nghỉ việc. Trên những cuộc họp, những hội nghị lớn nhỏ họ cùng ngồi lại để thảo luận tìm nguyên nhân. Trong nhiều những ý kiến đưa ra việc tiền lương thấp được đa số mọi người tán thành. Thế nhưng tôi biết điều này không hẳn đúng.

Áp lực không chỉ nằm ở tiền lương.

Tôi có một chị đồng nghiệp làm giáo viên dạy từ thời bao cấp đến giờ. Chị kể ngày ấy lương một tháng chỉ vài chục đồng kèm theo sổ gạo 15kg và thịt, cá mỗi tháng chia theo tem phiếu được vài lạng, vất vả trăm bề nhưng các chị vẫn trụ được với nghề. Đến bây giờ lương giáo viên vẫn thấp nhưng khéo chi tiêu cân đối thì vẫn có thể sống được.

Bản thân tôi cũng vậy, tiền lương giáo viên tuy không nhiều nhưng chắt bóp chút vẫn cảm thấy ổn. Lương không phải là điều gì đó quá nặng nề với những người làm thầy cô chúng tôi. Bởi thực lòng từ xưa đến nay lương giáo viên chưa bao giờ cao, nếu muốn nhiều tiền chúng tôi đã không chọn nghề này.

Những người đồng nghiệp của tôi chọn rời bảng đen phấn trắng có lẽ phần lớn bởi những áp lực của sự đổi mới và cải cách liên tục. Nếu ngày trước chúng tôi chỉ phải dạy các môn riêng lẻ thì giờ đây các môn tích hợp khiến nhiều người bối rối.

Những yêu cầu nhanh, gấp và khắt khe trong nghề khiến người giáo viên mệt mỏi. Chúng tôi được đào tạo, tập huấn và đã quen dạy theo phương pháp cũ vậy nên sự đổi mới cũng phải cần thời gian để kịp thích nghi. Tôi vẫn luôn tin tưởng thay đổi là để tốt hơn nhưng sự thay đổi đừng quá đột ngột, như người đi xe đến khúc cua phải biết chậm lại rồi mới rẽ, rẽ gấp sẽ xảy ra tai nạn.

Chuyện dạy học “đổi” đến chuyện soạn giáo án cũng “mới”. Ngày trước tôi chỉ cần soạn 1 đến 2 trang giáo án tranh thủ chút buổi tối là xong, thì hiện nay mỗi bài tôi phải soạn đến 10 trang hoặc nhiều hơn thế. Để có một bài giáo án “chuẩn” yêu cầu tôi phải mất cả đêm thậm chí sang cả ngày hôm sau.

Tôi thấy mỗi năm phải soạn và in ra cả hơn 1.000 trang giấy hoàn toàn không có tác dụng làm cho học sinh tốt lên mà chỉ mất thời gian của những người giáo viên.

Bên cạnh giáo án thì hồ sơ sổ sách cũng ngốn của chúng tôi nhiều thời gian. Cái được của việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử là gánh nặng về hồ sơ đối với giáo viên đã được giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, các phần mềm mà nhà quản lý đang được sử dụng như Misa, quanlycbccvc, cosodulieunganh... chưa đồng nhất nên giáo viên phải cập nhật thông tin liên tục và có những phần mềm chồng chéo thông tin lại “bồi” cho chúng tôi một phần gánh nặng có khi còn lớn hơn phần mà nó lấy đi. 

Đó là chuyện giảng dạy, chuyên môn còn một vấn đề nữa cũng đè nặng lên chúng tôi đó là kỷ luật học sinh, cái uy của người thầy, người cô. Nếu ngày xưa học trò luôn tôn trọng và có phần “sợ” thầy cô, thì ngày nay giáo viên chúng tôi dường như đang “sợ” học sinh nhiều hơn.

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” - câu thành ngữ xưa chưa bao giờ sai với lứa tuổi học sinh. Đã là học sinh thì kiểu gì cũng có những trò nghịch ngợm, có những trò vui đùa đúng lứa tuổi thì không sao. Nhưng cũng có những trò hư, thậm chí nguy hại thì hẳn nhiên phải được uốn nắn, phải phạt.

Thế nhưng giờ đây chúng tôi không dám làm điều ấy, ngay cả việc phê bình học sinh phạm lỗi trước lớp hoặc trước toàn trường cũng bị cấm. Nghề giáo chúng tôi được gọi là nghề “gõ đầu trẻ” nhưng giờ đây làm gì có thầy cô nào dám gõ đầu, bởi có khi trò chưa đau mà đầu thầy đã sưng u một cục.

Mọi sự việc chẳng cần biết đúng sai nếu rùm beng trên mạng xã hội thì giáo viên luôn là người bị chỉ trích đầu tiên. Phụ huynh trước đó vẫn gửi gắm “con hư cô cứ phạt thật nặng vào” nhưng chỉ cần trên người có vết xước, vết bầm thì thái độ niềm nở lúc trước cũng nhẹ như lời nói gió thoảng mà bay đi.

Không ít thầy cô đã bị kỷ luật, luân chuyển công tác thậm chí thôi việc bởi những lá đơn kiện cáo. Nhiều em học sinh nắm được điểm yếu này của thầy cô nên có thái độ bất tuân theo lời giáo viên khiến thầy cô chúng tôi bất lực mà chẳng thể làm gì.

Nụ cười em thơ níu chân người ở lại

Có lẽ có rất nhiều lý do để một người quyết định ra đi, nhưng chọn ở lại chỉ cần một điều là đủ. “Lái đò” đưa học trò cập bến bờ ước mơ là công việc việc đầy khó khăn, vất vả nhưng giáo viên chúng tôi sẽ không từ bỏ bởi hai tiếng thiêng liêng “thầy cô”.

Nghề “trồng” người chúng tôi đầy những vất vả nhưng cũng không thiếu những niềm vui. Vui bởi những đứa trẻ mình dạy bảo khôn lớn nên người, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những dịp lễ tết những chú chim khôn lớn vẫy vùng trên khắp nẻo trời cao xanh ấy vẫn nhớ tìm về chốn cũ để thăm lại người thầy, người cô năm xưa dìu dắt những con chữ đầu đời.

Nụ cười em thơ níu chân người ở lại.

Hạnh phúc của nghề giáo là mỗi buổi sáng đến lớp, được nhìn gương mặt thơ ngây, nụ cười đáng yêu của học trò, lắng nghe các em líu lo chuyện trò. Tôi và đồng nghiệp thường nói với nhau, bước vào lớp học, chỉ có tình thầy trò, mọi định kiến đều để lại bên ngoài cánh cửa lớp.

Với những buồn vui mà ngần ấy thời gian làm nghề đã trải qua tôi có thể khẳng định mình đủ hiểu nghề. Nhưng nếu được chọn lại thì chắc chắn tôi cũng không đổi thay quyết định. Tôi hạnh phúc với mỗi ngày đến trường dẫu nghề còn có những điều chưa hoàn hảo nhưng rồi mọi thứ theo thời gian sẽ hoàn thiện để những người thầy cô như tôi được toàn tâm cho những giờ lên lớp.

Và tôi tin với những người thật sự đam mê nghề thì dẫu giáo dục có thay đổi thế nào, lòng người có chao đảo ra sao thì tình yêu nghề luôn chiến thắng. Bởi vì chúng tôi là những người giáo viên nhân dân.

Cô giáo Minh Thùy (Thanh Hoá)

Tin mới