Tôi là con trai cả trong một gia đình nông thôn, có bố mẹ và em gái. Nhờ sự cố gắng của những năm tháng bươn chải, tôi giành được suất xuất ngoại theo yêu cầu của công ty. Thời gian ấy tôi còn độc thân, ngày đêm chỉ lao mình vào công việc. Tiền lương kiếm được cũng khá. Tôi gửi hết về cho bố mẹ, nhờ họ giữ hộ để sau này có chút vốn liếng làm ăn.
Kết thúc một năm tu nghiệp ở nước ngoài, tôi về nước và ngỏ ý xin lại một nửa số tiền đã gửi để kinh doanh riêng, một nửa coi như tôi biếu bố mẹ. Nhưng mẹ bảo đã đem tiền ấy đi gửi chỗ này chỗ kia, bây giờ không tiện lấy. "Bố con cũng đau xương khớp nên thuốc thang liên miên, từng ấy tiền đâu có thấm gì!”, bà nói.
Quả thực, tôi bất ngờ bởi số tiền “đâu có thấm gì” mà mẹ nói là cả mấy trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tôi không nói gì thêm, vì đằng nào cũng là tiêu cho bố mẹ.
Bây giờ, tôi đã có gia đình riêng với vợ và hai nhóc tì kháu khỉnh. Trước đây, gia đình cô ấy cho hai vợ chồng tôi mượn vốn để mở công ty. Gặp đủ chuyện khó khăn, chúng tôi phá sản với khoản nợ lớn trên vai. Chính nhà vợ đứng ra làm giấy tờ ngân hàng để chúng tôi vay tiền, chạy cho tôi xuất ngoại lần thứ hai trong đời để cày cuốc trả nợ.
Tôi mới sang bên này gần một năm, tiền đều gửi về cho vợ đóng lãi ngân hàng, phần còn lại để lo cho ba mẹ con. Tôi mừng thầm khi mọi việc đang dần vào guồng thì bố mẹ tôi lại gọi điện sang xin tiền. Vài người họ hàng đánh tiếng rằng mẹ tôi nợ một khoản tiền lớn ở nhà vì cờ bạc. Cùng tuần đó, mẹ tôi thường xuyên nhắn tin, gọi điện nói tôi gửi tiền về. Mẹ nói tôi là con trai lớn trong nhà, phải có trách nhiệm khi bố mẹ bệnh tật. Hơn nữa, bố mẹ đang vay nợ cho em gái đi học xa nên cần tôi gửi tiền đều đặn trong vòng một năm.
(Ảnh minh họa)
Biết chuyện, vợ tôi không giữ được bình tĩnh. Thực tế, bố mẹ vợ đã phải dốc cạn tiền tiết kiệm tuổi già để cho vợ chồng chúng tôi vay. Động nói đến chuyện đó là bố mẹ tôi lại tự ái: “Nhà vợ giàu có sao không sang bên ấy mà ở, còn làm con của nhà nghèo này làm gì!”. Nhưng hiện tại, tôi còn cả trăm thứ phải lo. Vì hai đứa nhỏ đau ốm liên miên, vợ tôi còn phải xin tạm thời nghỉ làm để chăm sóc chúng.
Bây giờ, bố mẹ không chỉ nói chuyện đơn thuần mà còn gây sức ép tâm lý cho tôi. Mỗi lần gọi điện sang, mẹ tôi lại tỏ ý tủi thân, than vãn rằng nuôi tôi bao nhiêu năm nhưng bây giờ tôi lại rũ bỏ trách nhiệm báo hiếu. Gia đình nhỏ thì vẫn trông đợi vào tôi từng ngày. Dù vợ chưa từng ca thán một lời khiến tôi áp lực, nhưng vì thế mà tôi càng thấy khó xử hơn.
Sáng nay, cô ấy kể mẹ tôi sang tận nhà bảo tôi sắp gửi lương cho bà trong một năm tới, dặn con dâu tự trang trải trong thời gian ấy; bố mẹ già, sau này mất đi, có muốn phụng dưỡng cũng không còn cơ hội. Tôi đã nghĩ đến chuyện chia thu nhập ra thành phần lớn, phần nhỏ, nhưng tiền lãi ngân hàng cộng với sinh hoạt phí không cho phép tôi thắt lưng buộc bụng được nữa.
Nghe kể từng lời mẹ nói, nhìn ánh mắt của vợ khi gọi facetime, tôi thấy khó xử vô cùng. Giờ tôi như kẻ mắc kẹt giữa ngã ba đường. Đáp ứng nhu cầu tiền bạc của bố mẹ thì tôi được coi là đứa hiếu thảo, nhưng lại là người chồng, người cha hèn kém. Chọn vun đắp cho gia đình nhỏ, trả khoản nợ của vợ chồng tôi thì bố mẹ sẽ thất vọng, trách tôi bất hiếu. Còn để vẹn cả đôi đường thì tôi không đủ khả năng. Ngày nào tôi cũng làm việc đến kiệt sức, thèm vài loại trái cây ngon cũng không dám mua dù trái cây bên này rẻ.
Mọi người à, tôi nên làm gì đây?
Độc giả có ý kiến góp ý, xin gửi về box bình luận phía dưới.
Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến tamsu@vtc.gov.vn.