Chỉ còn 1 ngày nữa là nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, sếp tôi nhắn vào nhóm chung công ty: “Chúc các em có kỳ nghỉ lễ vui vẻ bên người thân và gia đình”. Tin nhắn tiếp theo là: “Nhưng đừng quên các công việc của khách hàng nhé”. Đọc xong, mọi người chỉ like cho có lệ, ngầm biểu đạt cảm xúc “chán chẳng buồn trả lời”.
Nhân viên làm ngành quảng cáo dịch vụ ăn uống (F&B) như chúng tôi luôn phải chịu cảnh nghỉ lễ cũng như không, đôi khi ngày nghỉ lễ dài còn bận hơn ngày thường.
Những đợt nghỉ lễ dài ngày, các nhà hàng, quán cà phê vẫn thường xuyên quảng cáo để khuyến khích mọi người đến ăn uống. Do đó, nhân viên chạy quảng cáo như tôi vẫn thường xuyên phải phục vụ. Khách cần thay đổi chương trình khuyến mãi, phải làm luôn. Khách muốn chạy truyền thông, phải làm gấp. Trên mạng có nội dung nào thành xu hướng, phải “xào nấu” ngay. Ngày nghỉ vẫn phải làm đủ cho khách vui lòng.
Làm việc xuyên ngày lễ là đặc thù của nhiều loại công việc chứ không chỉ mình chúng tôi. Ngày nghỉ lễ càng dài, họ càng có nhiều ngày phải làm. Niềm an ủi lớn nhất là lương những ngày này cao hơn hẳn ngày thường, thậm chí tới 300%. Sở dĩ tôi và các đồng nghiệp tỏ ra chán nản với tin nhắn trên của sếp là vì mặc dù kỳ nghỉ vẫn phải làm việc, công sá lại không tăng tương ứng. Nếu được hưởng lương 300% thì tôi sẽ chẳng ngại làm hùng hục hết cả 4 ngày nghỉ lễ, mệt mấy cũng chấp nhận.
Những ngày qua mọi người bàn luận sôi nổi về việc có nên kéo dài thêm kỳ nghỉ lễ 2/9, có nên tăng tổng số ngày nghỉ trong năm hay giảm số giờ làm việc trong tuần. Với tôi, thanh niên gen Z đang đối mặt với thách thức lớn về tài chính, tăng thu nhập mới là quan trọng nhất. Tôi không cần tăng ngày nghỉ, không cần giảm giờ làm, chỉ cần tăng lương. "Lương nặng thì mới có năng lượng" - tôi với bạn bè hay đùa nhau như vậy.
Áp lực kinh tế khiến nhiều người trẻ chấp nhận làm việc với cường độ cao, miễn có thu nhập tốt. (Ảnh minh họa: AI)
Điều tôi mong đợi nhất trong các kỳ nghỉ không phải là né làm ngoài giờ, làm thêm mà nhận được tiền thù lao xứng đáng khi tăng ca, nhưng trên thực tế, không phải công ty nào cũng sòng phẳng trong việc này. Đó cũng là một phần lý do nhiều người trẻ muốn dùng thời gian nghỉ lễ để ngủ, bởi đi chơi, về quê hay tham gia hoạt động gì đó cũng đều cần đến tiền, cái mà họ thiếu.
Tiền lương không đủ cho các hoạt động giải trí được yêu thích, không đủ để ở khách sạn đẹp, ăn món ngon, nên đành phải tiết kiệm ôm gối đi ngủ. Người trẻ hay tự trào về cái sự "ngoan do nghèo" này bằng những đoạn hội thoại trêu chọc nhau kiểu: "Sao cậu ngoan thế?” - “Tớ nghèo chứ nếu có tiền thì đổ đốn không thua gì ai”.
Điều gì sau đây làm bạn vui mừng nhất?
Mức lương hiện tại của nhiều người trẻ trong đó có tôi vẫn còn thấp so với nhu cầu tiêu dùng, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống chứ chưa đủ để tiêu pha cho các sở thích cá nhân. Vì thế, tăng lương, tăng thu nhập vẫn là ưu tiên số 1 chứ không phải nghỉ ngơi. Nếu đi làm ngày lễ mà được trả công gấp 3, gấp 4 thì tôi chẳng dại gì mà chọn ngủ ở nhà.
Mỗi người đi làm đều có mục tiêu tài chính riêng. Người thì mong mua cái xe mới, mua được cái nhà hay có đủ tiền để kết hôn. Người lại muốn có số vốn kha khá để tự lập nghiệp kinh doanh. Mọi người đi làm thì lương là thứ được nghĩ đến đầu tiên, sau đó mới đến các phúc lợi khác, số ngày nghỉ, giờ làm…
Thời đại dịch COVID19, nhiều người được thoải mái hơn về giờ giấc, không phải đến công ty, có thể tranh thủ nghỉ ngơi, tiêu khiển, dành thời gian cho gia đình, mỗi tội lương giảm chỉ còn 50%. Tôi dám chắc hiếm ai muốn như vậy, thà làm nhiều tiền nhiều còn hơn làm nhàn tênh mà tiền chẳng đủ sống.
Cách đây vài tuần mọi người tranh luận về đề xuất quy định thời gian làm việc phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để người lao động có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc gia đình và dành cho sở thích riêng tư. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động trên đều cần có tiền. Nếu giảm giờ làm kéo theo giảm thu nhập thì không ổn. Thực tế hiện nay nhiều người lao động vẫn tự nguyện tăng ca mà không có thưởng, chỉ để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ cho kịp thời hạn, giữ được mức lương hiện có.
Nếu có thu nhập tốt thì tôi tin rằng dù bận rộn, việc tìm bạn đời cũng dễ dàng hơn. Chính nỗi lo nhà cửa, áp lực kinh tế khiến giới trẻ, đặc biệt gen Z lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con, vì khi chưa tự lo được cho bản thân thì khó mà lo được cho người khác.
Quay lại chuyện tin nhắn của sếp, khoảng 10 phút sau khi nhắc nhở mọi người đừng quên công việc trong kỳ nghỉ lễ là nhận được sự im lìm, anh nhắn thêm: “Những công việc của mọi người trong kỳ nghỉ lễ được chấm 150% KPI so với ngày thường nhé”. Lúc này, mọi người mới ầm ầm "thả tim" và chúc sếp, chúc nhau có kỳ nghỉ vui vẻ. Tôi cũng nhẹ nhàng nhắn vào trong nhóm “Vâng, em cảm ơn sếp”.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.