2020 là năm nhiều biến động với ngành giáo dục. Toàn ngành nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được nhiều thành tích tốt, khẳng định tầm quan trọng và vị trí trong xây dựng đất nước đổi mới, bắt kịp với thế giới.
Học sinh, sinh viên nghỉ học vì COVID-19
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, ngày 30-31/1, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại trường với chiếc khẩu trang. Các trường nhanh chóng tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 như sát trùng phòng học, đo thân nhiệt thường xuyên cho học sinh.
Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch ở Việt Nam. 23 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học tránh dịch. Với bậc đại học, hơn 70 trường lùi ngày trở lại trường của sinh viên từ ngày 3/2 lên 17/2.
Đến 3/2, toàn bộ 63 tỉnh thành và hơn 200 trường đại học tạm thời đóng cửa. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Cứ như vậy, các hoạt động dạy và học tại trường phổ thông và đại học bị gián đoạn hơn 3 tháng. Các địa phương và các trường phải triển khai mạnh mẽ phương án dạy học qua Internet và truyền hình.
Học sinh đeo khẩu trang ngồi học. (Ảnh: VnExpress)
"Toàn ngành giáo dục bằng nỗ lực cao nhất luôn cố gắng để học sinh được tiếp tục học tập, chúng ta tạm dừng đến trường nhưng không dừng học trong thời điểm dịch COVID- 19 kéo dài", Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kêu gọi.
Dù có nhiều vướng mắc về thiết bị dạy học trực tuyến, phần mềm không đồng bộ, một số nơi không có Internet, nhưng phương pháp này vẫn được cho là hữu hiệu nhất trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Nhiều thầy cô sáng tạo cách dạy online để thu hút học sinh.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học
Tháng 3, 4, 5, dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên đến trường tiếp tục bị gián đoạn. Đó cũng là lý do khiến Bộ GD&ĐT phải hai lần thay đổi khung thời gian năm học, ngày kết thúc được lùi đến trước 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Ngày 4/5, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam, học sinh 63 tỉnh thành bắt đầu trở lại trường giữa mùa hè nắng nóng; đặc biệt khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, có nơi lên 39 độ C. Các trường học phải thay đổi giờ học, cho học sinh nghỉ một buổi, bổ sung quạt, điều hòa... để vừa chống nóng, vừa đảm bảo sức khoẻ, an toàn chống dịch cho học sinh.
Ngoài hoạt động dạy và học bị ảnh hưởng, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến các trường tư. Hàng loạt trường đóng cửa, tuyên bố phá sản; giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non phải nghỉ việc không lương, thậm chí bị sa thải. Các cô giáo phải xoay đủ nghề từ bán hàng online đến trông thêm trẻ và khi hết cách thì về quê nương nhờ bố mẹ.
Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD&ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Các nhà trường kết thúc chương trình giáo dục đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu ra, đảm bảo tiến độ theo khung thời gian năm học đã quy định.
Giáo viên dạy học trực tuyến trên truyền hình.
Thi THPT được đổi tên
Năm học 2019-2020 kết thúc muộn dẫn tới sự thay đổi của các kỳ thi quan trọng. Kỳ thi THPT quốc gia của gần 90.000 học sinh được lùi tới ngày 9-10/8, thay vì cuối tháng 6 như mọi năm. Do thời điểm đó Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà phải thay bằng thi tốt nghiệp THPT, các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra nhằm đảm bảo đúng mục tiêu và quy định của Luật.
Lúc đầu, Bộ GD&ĐT dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 nhưng giảm số môn và nội dung. Sau đó, ngày 21/4 Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau ngày 15/6 sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh làm ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài tự chọn được công bố chung một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần. Phương án trên được Thủ tướng chấp thuận.
Tuy nhiên, ngay sau đó, hàng nghìn học sinh lớp 12 và phụ huynh cả nước hoang mang và lên tiếng phản đối khi các em thi tới 5- 6 môn thay vì chỉ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống trước đây. Cuối cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần trong bài thi tổ hợp như năm 2019. Như vậy, kỳ thi THPT gần như chỉ thay đổi về tên gọi, mục đích và hình thức tổ chức vẫn tương tự các năm trước.
Thách thức không dừng lại ở đó, ngày 24/7, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và có tốc độ lây lan nhanh chóng ra các tỉnh Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định những thí sinh ở địa phương có bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ thi THPT đợt 2 từ ngày 3-5/9 đảm bảo an toàn sức khoẻ và công bằng cho các em.
Song song với thay đổi tên gọi kỳ thi THPT, nhiều trường đại học chủ động lên phương án và tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực, làm căn cứ xét tuyển thí sinh đầu vào, điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
Kết thúc năm 2020, các trường tuyển sinh được hơn 555.000 thí sinh ở các hệ đại học, hệ cao đẳng, hệ trung cấp, hệ vừa học, vừa làm, hệ liên thông.
Chương trình nặng, SGK nhiều "sạn"
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 46 đầu sách của đầy đủ 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh.
Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy và học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Tiếp sau đó, phụ huynh và dư luận "nhặt sạn" về từ ngữ và ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn). Dư luận tranh luận về sách có sạn, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách, Bộ GD&ĐT, nhà biên soạn và nhà xuất bản.
Sách giáo khoa lớp 1 mới.
Những "sạn" trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều cũng được 12 đại biểu Quốc hội phản ánh và nêu quan điểm xử lý ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 (diễn ra cuối tháng 10/2020).
Sau khi rà soát lại, Bộ GD&ĐT thừa nhận trách nhiệm khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 xuất hiện lỗi và yêu cầu nhà xuất bản, nhóm tác giả sách phải chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp.
Ngoài sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều, giáo viên cũng liên tiếp chỉ ra "sạn" trong 4 cuốn sách Tiếng Việt 1 ở 4 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương chặt chẽ hơn theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách Tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
Lũ quét cuốn trôi trường học
Trong hai tháng 10 và 11/2020, 6 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ, thiệt hại nặng nề hàng nghìn tỷ đồng khi nhiều trường học bị lũ cuốn trôi, học sinh mất hết sách vở quần áo đến trường.
Từ những thiệt hại nặng nề trên, trong lần đi thăm học sinh miền Trung ngày 30/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung ưu tiên tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường. Các nguồn ủng hộ cũng sẽ được sử dụng để khắc phục một phần khó khăn, thiếu thốn về bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ cử các đoàn công tác về vùng lũ để chia sẻ, động viên thầy và trò. Toàn ngành có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ, san sẻ khó khăn với ngành giáo dục các tỉnh miền Trung.
Bộ trưởng đề nghị lực lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thường xuyên để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh vùng lũ, học sinh vùng dân tộc, miền núi và học sinh khó khăn nói chung.
Cải cách giảm áp lực
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có gần hơn 1,4 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Để giảm áp lực cho giáo viên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo thực thi nghiêm chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; gỡ bỏ quy định về sổ sách không cần thiết và khuyến khích tăng cường sổ sách điện tử.
Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT mới nêu cao tính tự chủ, dân chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục được tăng cường mạnh mẽ. Nhờ vậy, sổ sách của giáo viên tiếp tục được giảm thiểu đáng kể.
Bộ GD&ĐT cũng cắt bỏ, giảm tải nhiều cuộc thi, hội thi giáo viên dạy giỏi, thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt.
Đáng chú ý, gánh nặng về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không phù hợp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ giáo viên. Để gỡ bỏ khó khăn này cho giáo viên, Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên từ tháng 3/2021.