Nga tổ chức hội nghị quốc tế với Taliban
Kể từ khi Taliban quay lại kiểm soát Afghanistan, Nga phải đau đầu tính toán để làm sao vừa củng cố ảnh hưởng khu vực sau khi Mỹ rút quân, vừa "giữ khoảng cách" với những xung đột nội bộ ở quốc gia này.
"Bản thân Afghanistan không phải là lợi ích của Nga. Nga muốn lợi dụng Afghanistan nhưng không muốn can dự vào quốc gia này", Andrei Serenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan Hiện đại tại Moscow cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Ván bài của Nga sẽ được thử thách ngày 20/10 khi nước này gặp các đặc phái viên của Taliban để tiến hành các cuộc trao đổi đa quốc gia về an ninh và tình hình chính trị ở Afghanistan. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thận trọng đánh giá "sẽ không vội" chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan.
Tuy nhiên, cuộc gặp trên là một cánh cửa để Taliban mở ra các kênh ngoại giao quốc tế.
Giới lãnh đạo Taliban sẽ tham dự cuộc họp này để thể hiện "quan điểm của mình", người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid nhận định trong một thông báo ngày 19/10. Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan cách đây 2 tháng, giới lãnh đạo Taliban đã thăm một số quốc gia trong nỗ lực đảm bảo sự công nhận quốc tế nhằm tránh một thảm họa về kinh tế tại quốc gia này.
Đầu tháng 10/2021, các quan chức Mỹ đã tổ chức các cuộc trao đổi với phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh và một hành lang an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan.
Các cuộc trao đổi với Taliban do Nga tổ chức lần này được cho là sẽ có quy mô rộng hơn với những bên tham gia bao gồm cả Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Iran. Mặc dù được mời nhưng Mỹ sẽ không tham dự hội nghị này.
Chương trình nghị sự của hội nghị sẽ không có bước đột phá tiềm năng nào, Zamir Kabulov, đại diện Nga tại Afghanistan nhận định mặc dù cho biết, sẽ có "một cuộc trao đổi thẳng thắn đằng sau những cánh cửa khép kín".
Trong những cuộc trao đổi với các đại diện của Nga, Trung Quốc và Pakistan ngày 19/10, các quốc gia này "đã thể hiện mối quan tâm chung trong việc cung cấp hỗ trợ kinh tế và nhân đạo khẩn cấp" cho Afghanistan, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát, Afghanistan đối mặt với các hạn chế kinh tế quốc tế và bị cắt giảm các khoản hỗ trợ phát triển lên tới hàng tỷ USD, từng được hỗ trợ cho chính quyền trước đó nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản. Những động thái này đe dọa sẽ đẩy thêm hàng triệu người rơi vào đói ngèo và làm mất ổn định Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban.
Trong suốt những chuyến công du quốc tế trước đó, Taliban đã đối mặt với nhiều câu hỏi về những hành vi vi phạm nhân quyền, cũng như các biện pháp hà khắc áp đặt lên phụ nữ và trẻ em gái.
“Không có Nga, vấn đề Afghanistan sẽ không được giải quyết”
Với Nga, có lẽ điều quan trọng hơn cả cuộc gặp ngày 20/10 là những gì xảy ra với sáng kiến của Nga, các nhà phân tích nhận định.
Moscow muốn trở thành một nhà trung gian hòa giải chủ chốt trong những vấn đề liên quan đến Afghanistan, nhà quan sát Serenko đánh giá, đồng thời cho biết, ưu tiên hàng đầu của Nga là tận dụng những lo ngại về an ninh khu vực để gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á, một khu vực mà Moscow đang cạnh tranh ưu thế với Bắc Kinh.
Khi Taliban tiến vào Kabul hồi tháng 8 trong khi lực lượng chính phủ được Mỹ hậu thuẫn tan rã và xáo trộn, các phương tiện quân sự của Nga đã xuất hiện ở biên giới giữa Afghanistan và Tajikistan để tập trận quân sự - một dấu hiệu từ Moscow cho thấy nước này có thể lấp đầy khoảng trống an ninh trong khu vực khi Mỹ rời đi.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vào tháng này rằng, "những người bạn Trung Á" của Nga đã tuyên bố rằng họ không muốn quân đội Mỹ đồn trú tại lãnh thổ của họ.
Ban đầu, Nga sử dụng tông giọng nồng ấm với Taliaban sau khi lực lượng này giành được quyền lực. Nga là một trong 4 quốc gia không sơ tán ngay lập tức các nhân viên tại đại sứ quán ở Kabul. Đại sứ của nước này ở Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết vào thời điểm đó rằng: "Tình hình hiện tại ở Kabul còn tốt hơn dưới thời ông Ashraf Ghani", cựu Tổng thống Afghanistan hiện đã chạy trốn khỏi đất nước.
Tổng thống Putin đã khuyến khích các quốc gia khác thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp với các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan, vài ngày sau khi Taliban nắm quyền. Tuy nhiên, tuần trước, Tổng thống Putin tỏ ra hoài nghi về việc Taliban sẽ dừng sản xuất thuốc phiện và cho biết mối đe dọa khủng bố trong khu vực ngày càng gia tăng. Những vụ ném bom gần đây ở Afghanistan đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Taliban không thể kiềm chế các nhóm khủng bố và phiến quân, chủ yếu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các quan chức Nga cho biết họ đang chuẩn bị gửi hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan nhưng dự kiến khoản hỗ trợ này sẽ khá khiêm tốn so với hỗ trợ tài chính cho những quốc gia khác. Taliban hiện vẫn nằm trong danh sách các tổ chức mà Nga coi là khủng bố.
Như một hình thức công nhận Taliban về mặt ngoại giao, Tổng thống Putin nhận định tại một Hội nghị Thượng đỉnh hôm 15/10 rằng: "Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải tương tác với họ nhưng không cần quá vội vàng".
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Amir Khan Muttaqi, quyền Ngoại trưởng trong chính quyền Taliban đã nhận định với báo giới rằng, việc thiếu sự công nhận với Taliban sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các nhóm phiến quân khác ở Afghanistan, trong đó có IS.
Ông Muttaqi cũng kêu gọi các hạn chế kinh tế áp đặt lên Taliban là sự vi phạm nhân quyền và điều đó cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại đến các công dân Afghanistan.
Mặc dù Nga đã tổ chức các cuộc gặp với Taliban một vài lần trong những năm gần đây nhưng theo nhà quan sát Serenko, Moscow không có nhiều ảnh hưởng với lực lượng này, đặc biệt là với mạng lưới Haqqani - một trong những nhánh có tầm ảnh hưởng nhất của Taliban.
"Hội nghị lần này không phải là về Afghanistan. Đó là hội nghị về Nga. Nga muốn cho Mỹ thấy rằng, nếu không có Nga, vấn đề Afghanistan sẽ không được giải quyết", nhà quan sát Serenko đánh giá./.