Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong đó, tổng dư nợ tín dụng đối với bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nợ xấu trong lĩnh vực này khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng (tăng 5%) tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Tín dụng tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2022. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room” tín dụng. Ngân hàng Nhà nước lý giải, đó là do các đơn vị tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Nói về việc cung ứng vốn cho lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho rằng dòng vốn đầu tư rất đa dạng và nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một phần. Tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường bất động sản. Về lâu dài, để phát triển thị trường nhà đất lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường.
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, đặc biệt là tín dụng bất động sản.