Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tim đập quá nhanh hay quá chậm đều là dấu hiệu cảnh báo về căn bệnh cần khám sớm

(VTC News) -

Tim đập nhanh và tim đập chậm đều không phải là biểu hiện bình thường của cơ thể, cần được điều trị tùy theo tình trạng của mỗi người.

Những bệnh nào liên quan đến tim đập nhanh?

Tim đập nhanh, hay còn được gọi là nhịp tim nhanh, chỉ nhịp tim đập hơn 100 lần/mỗi phút. Nó được chia thành hai dạng: sinh lý và bệnh lý. Nhịp tim nhanh khi chạy, uống rượu, lao động nặng, cảm xúc bị kích động là nhịp tim nhanh sinh lý, không cần điều trị.

Nhịp tim nhanh bệnh lý có thể do sốt cao, thiếu máu, cường giáp, chảy máu, đau đớn, thiếu oxy, suy tim... Nhịp tim nhanh bệnh lý nếu không có biện pháp can thiệp có thể gây ra các triệu chứng như hồi hộp, đau ngực, hôn mê, do đó có thể làm giảm tình trạng này bằng cách hít thở sâu, kích thích vùng cổ họng hoặc uống thuốc.

Nhịp tim nhanh hay chậm đều cần phải theo dõi để can thiệp kịp thời (Ảnh minh họa).

Cường giáp và thiếu máu nặng là bệnh toàn thân, khiến tim đập khoảng 100 lần/phút, cần điều trị bệnh toàn thân.

Bệnh tim cũng có thể gây ra nhịp tim nhanh. Tình trạng suy tim nặng khiến tim đập mất kiểm soát, làm nhịp tim nhanh, thậm chí gây rung nhĩ, cuồng nhĩ...

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhịp tim nhanh làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường. Do sự kích thích các hormone adrenaline trong cơ thể gây ra tình trạng kháng insulin, từ đó làm tăng số lượng nhóm cơ co rút nhanh trong cơ xương.

Sự co thắt mạch máu và giảm lưu lượng máu đến cơ xương làm giảm sự hấp thu glucose của cơ xương, dẫn đến bệnh tiểu đường và béo phì.

Nhịp tim quá nhanh cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, trong trường hợp nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc hạ nhịp tim có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, nhưng cũng không nên hạ quá thấp, bởi nhịp tim quá chậm cũng là phản ứng của tim với tình trạng bất thường của cơ thể.

Nhịp tim quá nhanh hay quá chậm đều cần phải theo dõi (Ảnh minh họa)

Tim đập chậm có thể biểu hiện những vấn đề gì trong cơ thể?

Nhịp tim chậm cũng được chia thành hai loại: sinh lý và bệnh lý. Nhịp tim chậm khi ngủ là bình thường và không cần điều trị. Một số người làm công việc có tính chất đặc thù như quân nhân, công nhân xây dựng, vận động viên có nhịp tim cơ bản chậm, điều này cũng bình thường.

Nhịp tim chậm bệnh lý cần được can thiệp càng sớm càng tốt, vì nó có thể là bệnh lý nghiêm trọng ở một số bộ phận trên cơ thể.

Thiếu máu cục bộ ở tim là nguyên nhân trực tiếp khiến tim đập chậm. Trong số các bệnh thiếu máu cục bộ, bệnh tim mạch vành là phổ biến nhất.

Tổn thương mạch vành phải có thể khiến lượng máu cung cấp cho nút xoang nhĩ không đủ, làm chức năng của nút xoang nhĩ bị thoái hóa, gây tắc nghẽn dẫn truyền máu và làm tim đập chậm lại. Ngoài ra, lượng máu cung cấp đến các nhánh nút nhĩ thất không đủ cũng có thể khiến tim đập chậm.

Một số bệnh ở tim cũng có thể gây ra loạn nhịp tim (Ảnh minh họa).

Viêm cơ tim là tình trạng viêm của các cơ xung quanh tim. Viêm cơ tim do virut là bệnh phổ biến nhất và hầu hết đều hồi phục trong vòng 2 đến 4 tuần. Trong thời gian hồi phục, chức năng của tim hoạt động chậm lại dẫn đến số nhịp đập của tim giảm, sau thời gian hồi phục sẽ trở lại bình thường.

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, thường là các loại thuốc chẹn beta như betaloc, bisoprolol, atenolol, carvedilol,… có thể khiến nhịp tim chậm lại. Nếu thấy tim đập chậm sau khi dùng các loại thuốc này, nên cân nhắc việc thay đổi hoặc ngừng thuốc.

Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm đều là điều không bình thường. Nhịp tim bình thường là từ 60 đến dưới 100 lần/phút .

Nhịp tim bao nhiêu là phù hợp nhất?

Nhịp tim từ 60 đến 100 lần/phút là mức bình thường. Trên thực tế, nhịp tim liên quan đến tuổi tác, giới tính, lượng vận động, chế độ ăn uống,… và không thể áp dụng một cách máy móc.

Lấy một người đàn ông 25 tuổi làm ví dụ, nếu anh ta có thể tập thể dục khoảng nửa giờ mỗi ngày, ăn uống bình thường và cân nặng bình thường, nhịp tim bình thường của anh ta phải từ 60 đến 75 lần/phút. Trên cơ sở này, nếu bạn thừa cân và không thích tập thể dục, phần trọng lượng dư thừa cần phải được vận hành bởi tim, và nhịp tim sẽ tăng lên.

Nhịp tim cảnh báo một số vấn đề sức khỏe (Ảnh minh họa).

Nếu những người đàn ông nêu trên bình thường về mọi mặt, nhưng nhịp tim cơ bản là trên 80 lần/phút sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, thì nên đến bệnh viện kiểm tra để loại trừ bệnh tim.

Khi tuổi càng cao, thì nhịp tim càng cao, đồng nghĩa với việc quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm lại, tim cần tăng số nhịp đập để hỗ trợ hoạt động cơ bản của cơ thể.

Tuy nhiên, quy tắc này không phải là tuyệt đối. Nếu người trung niên và người cao tuổi sống điều độ, ăn uống và tập luyện lành mạnh, khoa học thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ diễn ra bình thường, nhịp tim không tăng lên.

Do đó, trong mức bình thường là 60 -100 lần đập mỗi phút, nhịp tim càng nhỏ thì thể trạng càng tốt.

Những điều kiện nào giúp tim khỏe mạnh

Một người có nhịp tim bình thường nên có trọng lượng ở mức khỏe mạnh. Theo quan điểm y học, nếu chiều cao và cân nặng của một người tỷ lệ thuận với nhau thì người đó được coi là khỏe mạnh.

Những người quá béo hoặc quá gầy sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Khi điều kiện sống không ngừng được cải thiện, số lượng người béo phì ngày càng gia tăng.

Khi bị béo phì, chúng ta dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, đường huyết cao, lipid máu cao..., những bệnh này sẽ làm tăng gánh nặng cung cấp máu cho tim, khiến nhịp tim bất thường.

Nâng cao chất lượng giấc ngủ có thể cải thiện nhịp tim (Ảnh minh họa).

Chất lượng của giấc ngủ có tác động nhất định đến nhịp tim. Những người khỏe mạnh thường ngủ ngon hơn. Nếu chất lượng giấc ngủ không cao hoặc mất ngủ, cơ thể có thể gặp vấn đề.

Những người bị mất ngủ lâu ngày thường mắc các bệnh về rối loạn nhịp tim, vì khi ngủ, tim đập chậm hơn, nhờ đó sức khỏe của tim mới được phục hồi. Đối với những người bị mất ngủ, tim đã ở trạng thái căng thẳng, lâu ngày rất dễ khiến tim đập nhanh.

Hệ thống bài tiết bình thường góp phần duy trì một trái tim khỏe mạnh. Cơ thể con người đào thải các chất cặn bã dư thừa trong cơ thể ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi và phân mỗi ngày, những chất này tích tụ trong cơ thể càng lâu thì chức năng của cơ thể càng kém đi.

Tim cung cấp máu cho các cơ quan khác nhau, nếu chất độc ở các cơ quan không thể thải ra ngoài một cách bình thường thì việc vận chuyển chúng sẽ phụ thuộc vào đường máu, lâu dần tạo gánh nặng cho tim, khiến nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Muốn chăm sóc trái tim một cách khoa học, hãy làm 3 điều sau

1. Ổn định cảm xúc là cách bảo vệ trái tim tốt nhất

Với sự tiến bộ và phát triển không ngừng của xã hội, con người ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực, vì thế khi giải quyết vấn đề dễ bị lâm vào tình trạng suy nhược thần kinh, làm tức giận hay sung sướng.

Hãy chăm sóc trái tim của mình, đừng quá vui hay quá buồn, nhất là với người trung niên, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, đã có rất nhiều trường hợp vì quá ám ảnh trước một số việc nào đó mà khiến bệnh tim phát tác.

Cân bằng dinh dưỡng là yếu tố cần thiết để hỗ trợ sức khỏe tim mạch (Ảnh minh họa).

2. Dinh dưỡng cân bằng, chế độ ăn nhạt giúp đảm bảo một trái tim khỏe mạnh

Tim là nơi cung cấp máu và chất dinh dưỡng, chỉ khi cơ thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng thì tim mới có thể hoạt động được.

Tốt nhất nên ăn hơn 12 loại thực phẩm mỗi ngày, có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng không được tinh chế, không nên ăn quá nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, máu và các mạch máu cần sạch sẽ, thông suốt, tim cũng không nên có quá nhiều áp lực, như vậy mới duy trì được sức khỏe lâu dài.

3. Tập thể dục hợp lý là bài tập tốt nhất dành cho tim

Ít vận động trong thời gian dài có thể dẫn đến béo phì và các bệnh tim mạch. Vận động hợp lý không những giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch mà còn cải thiện sức khỏe của tim.

Nên tập thể dục không dưới 30 phút mỗi lần và không dưới 5 lần một tuần. Khi vận động, giữ nhịp tim/phút ở mức lấy 170 lần trừ đi số tuổi của bạn.

Tim đập có quy luật. Ở một mức độ nhất định, nhịp tim có đều đặn, bình thường hay không thể hiện sức khỏe của bạn. Nếu nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, thì đó là phản ứng của cơ thể, cần kịp thời đi kiểm tra để phát hiện ra vấn đề và điều trị càng sớm càng tốt.

Muốn có một trái tim khỏe mạnh, hãy ổn định cảm xúc, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý. Duy trì nhịp tim trong phạm vi bình thường có thể phòng tránh nguy cơ bị đột tử một cách hiệu quả.

Lan Hương (Nguồn: Toutiao.com)

Tin mới