Mặc dù đóng vai trò quan trọng thiết yếu cho sự sống trên Trái Đất, từ trường lại không phải là thứ mà chúng ta thực sự có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy.
Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Các nhà khoa học tới từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch đã sử dụng các tín hiệu từ trường do vệ tinh Swarm của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) đo được và chuyển đổi chúng thành âm thanh.
Kết quả thu được là một thứ âm thanh khá đáng sợ.
Lưới từ trường bảo vệ chúng ta trước tác động của các tia vũ trụ và bão Mặt Trời. (Nguồn: ESA)
Lưới từ trường của Trái đất là một bong bóng phức tạp, có vai trò giúp bảo vệ con người an toàn trước sự tấn công của tia vũ trụ, cũng như các hạt mang điện tích do những cơ gió Mặt Trời cực mạnh thổi tới.
Khi các hạt mang điện tích va chạm với những nguyên tử và phân tử, chủ yếu là oxy và nitơ, nằm trên thượng tầng khí quyển, một số năng lượng hình thành trong các vụ va chạm sẽ biến đổi thành ánh sáng xanh lục và xanh lam, yếu tố đặc trưng của cực quang.
Đôi khi chúng ta có thể quan sát thấy cực quang tại các khu vực vĩ độ cao ở Bắc bán cầu.
Trong khi cực quang cho chúng ta cái nhìn cụ thể về việc hạt mang điện tích tương tác với lưới từ trường của Trái Đất ra sao, việc nghe thấy âm thanh từ lưới từ trường khi nó được Trái Đất tạo ra, hoặc khi nó tương tác với gió Mặt Trời, là câu chuyện khác hẳn.
Lưới từ trường của Trái Đất được tạo ra bởi một "đại dương" sắt lỏng siêu nóng, xoáy trộn liên tục tại khu vực lớp vỏ ngoài của lõi Trái Đất.
Khu vực này nằm sâu trong lòng đất, cách chúng ta khoảng 3.000km. Hoạt động như một cuộn dây điện quay liên tục trong một chiếc dynamo của xe đạp, "đại dương" sắt nóng này liên tục tạo ra các dòng điện, thứ sẽ tạo ra trường điện từ thay đổi liên tục của chúng ta.
Bản đồ cho thấy độ mạnh của lưới từ trường trên bề mặt Trái Đất. (Nguồn: ESA)
Ra mắt vào năm 2013, bộ ba vệ tinh Swarm của ESA đang được sử dụng để tìm hiểu cách thức lưới từ trường được tạo ra, thông qua việc đo các tín hiệu từ xuất phát từ lõi Trái Đất, lớp phủ, lớp vỏ và các đại dương, cũng như từ tầng điện ly và từ quyển.
Swarm cũng dẫn đến những hiểu biết mới sâu sắc hơn về thời tiết trong không gian.
Nhạc sỹ Klaus Nielsen từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, đồng thời là người ủng hộ dự án, giải thích: “Nhóm đã thu thập dữ liệu từ các vệ tinh Swarm của ESA, cũng như nhiều nguồn khác nhau. Tiếp đó, chúng tôi biến các tín hiệu từ trường này thành âm thanh. Dự án chắc chắn là một hoạt động bổ ích, trong việc đưa nghệ thuật và khoa học tiến gần lại với nhau".
Đoạn âm thanh hiện đã được ESA công bố tại địa chỉ https://soundcloud.com/esa/the-scary-sound-of-earths-magnetic-field.
Âm thanh có vẻ khá đáng sợ, với những tiếng ầm ì, tiếng vỡ và va chạm bí ẩn. Nhưng chỉ cần nhớ rằng âm thanh này được tạo ra từ hoạt động của lưới từ trường Trái Đất, chúng ta sẽ thấy nó rất thú vị.
Hình ảnh cho thấy độ mạnh của lưới từ trường trên thạch quyển Trái Đất. (Nguồn: ESA)
“Chúng tôi đã được tiếp cận với một hệ thống âm thanh rất thú vị, bao gồm hơn 30 chiếc loa được đặt dưới lòng đất tại Quảng trường Solbjerg ở Copenhagen. Chúng tôi đã thiết lập để mỗi chiếc loa đại diện cho một vị trí khác nhau trên Trái Đất và qua đó cho thấy lưới từ trường của chúng ta đã biến động như thế nào trong 100.000 năm qua", Nhạc sỹ Nielsen nói.
Theo nhạc sỹ này, trong suốt tuần này, công chúng sẽ có cơ hội nghe thấy tiếng ầm ì bí ẩn của lưới từ trường.
Vì thế, nếu đang ở Copenhagen du khách không nên bỏ qua cơ hội trải nghiệm có một không hai này.
Các nhà khoa học đứng sau dự án cũng cho biết thêm rằng mục đích của họ không phải để khiến mọi người sợ hãi.
Đây thực ra là cách thức để nhắc nhở chúng ta về sự tồn tại của lưới từ trường, và dù nghe đáng sợ, sự sống trên Trái Đất lại phụ thuộc vào nó.