Phiên giao dịch 20/7 đánh dấu ngày kỷ niệm 22 năm ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền hưng phấn từ nhà đầu tư đã giúp các chỉ số có một phiên tăng vọt và đồng đều ở các nhóm ngành.
VN-Index nhanh chóng có được sắc xanh ngay khi mở cửa và dần mở rộng đà đi lên với sự tích cực của dòng tiền. Dù có sự yếu thế nhẹ về cuối phiên nhưng chỉ số vẫn đóng cửa tăng 15,81 điểm (1,34%) lên 1.194,14 điểm.
HNX-Index cũng bứt phá ấn tượng 4,44 điểm (1,56%) đạt mốc 288,87 điểm. UPCoM-Index tăng 1,13% lên con số 88,88 điểm.
Dòng tiền vào thị trường được cải thiện mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch đạt 16.752 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh tại HoSE ở mức 12.941 tỷ đồng, mức cao nhất trong gần một tháng trở lại đây.
Sắc xanh phân bổ khá đều ở hầu hết nhóm ngành quan trọng, từ cả nhóm vốn hóa lớn đến các cổ phiếu penny. Riêng nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 tăng gần 14 điểm (1,15%) với 28/30 mã trong rổ chỉ số tăng giá.
Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng nhất là đầu kéo cho VN-Index. Trong đó các mã VCB của Vietcombank tăng 1,7%, BID có thêm 2,1%, CTG của VietinBank lên 1,9% và TPB của TPBank bứt phá 4,8% là những mã thuộc nhóm có tác động tốt nhất.
Nhóm bất động sản lớn với dẫn đầu là VHM của Vinhomes tăng 1,5% đạt 59.700 đồng. Ở mức vốn hóa nhỏ hơn có DIG của DIC Corp tăng 3,1% lên 42.000 đồng, CEO leo thẳng đứng 8,3% lên 32.500 đồng, thậm chí các mã HDC, HQC hay LDG đã tăng hết biên độ tại giá trần.
Cổ phiếu bán lẻ có phiên trở lại mạnh mẽ sau chuỗi lao dốc. Trong đó FRT của FPT Retail và DGW của Digiworld tăng kịch trần, PET của Petroset vọt 5,1%, PNJ tiến 2,8%, MWG lên 2% hay MSN tăng 1%..
Sắc xanh hiện diện trên phần lớn các nhóm ngành quan trọng còn lại như sắt thép, phân bón, hóa chất, thủy sản, dệt may, chứng khoán, cảng biển, năng lượng... và cả nhiều cổ phiếu đầu cơ khác.
Ở chiều đối lập, cổ phiếu VIC của Vingroup gây ra tác động tiêu cực nhất lên thị trường do thị giá giảm 0,9% về 68.200 đồng, đây cũng là mã chứng khoán duy nhất trong rổ VN30 mang sắc đỏ trong hôm nay.
Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến HAG của Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ bị bán tháo về giá sàn 10.850 đồng, sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó bởi nhiều thông tin tích cực. Khối lượng giao dịch đột biến hơn 47 triệu cổ phiếu, trở thành mã được giao dịch nhiều nhất chiếm 8,2% lượng khớp lệnh sàn HoSE.
Không chỉ HAG mà một số cổ phiếu ngành thịt heo cũng rơi mạnh, chẳng hạn DBC của Dabaco rớt 1,8% về 26.950 đồng hay BAF giảm 1,5% còn 36.850 đồng.
Mã HNG của HAGL Agrico lao dốc về giá sàn 6.520 đồng sau chuỗi đi lên mạnh mẽ 9 phiên liên tiếp trước đó. Đây là mã giao dịch nhiều thứ 4 trên sàn với hơn 22 triệu cổ phiếu, chiếm 3,9% tổng lượng giao dịch tại HoSE.
Với sức mua hưng phấn của nhà đầu tư đã giúp thị trường được bao phủ bởi sắc xanh. Toàn sàn có đến 757 mã tăng giá (trong đó 52 tăng trần trong sắc tím), 205 mã giảm giá và 175 mã đứng tại tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch với khối lượng không lớn nhưng theo chiều hướng tích cực. Họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 994 tỷ và bán ra 800 tỷ, tương đương mua ròng 194 tỷ đồng trên HoSE. Các mã được mua nhiều là SSI, GAS và VHM, trong khi bán mạnh FPT, STB và MWG.