Tại Diễn đàn Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định, việc hoạch định tài chính cá nhân nên được đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp 3. Theo ông Lực, nếu để lên bậc đại học mới được học về hoạch định tài chính cá nhân là hơi muộn.
“Hiện nay, số lượng người tham gia tài chính cá nhân đã chiếm 50% dân số. Do đó, chúng tôi sẽ những đề xuất về chính sách để đưa chương trình hoạch định tài chính cá nhân tiếp cận với học sinh cấp 3. Việc này sẽ giúp người dân có những hiểu biết cụ thể hơn về việc phân chia, sử dụng tài chính một cách hợp lý”, ông Lực nói.
Các diễn giả, chuyên gia thảo luận về việc định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam. (Ảnh: Đại Việt)
Trong khi đó, ông Ngô Thành Huấn, thạc sĩ ngành Hoạch định tài chính cá nhân (Financial Planning) đánh giá, hoạch định tài chính cá nhân là phương pháp quản trị tài chính cá nhân và là cách tiếp cận toàn diện nhất hiện nay.
Các kiến thức tiêu chuẩn trong ngành Hoạch định tài chính cá nhân giúp cho mọi người biết cách rà soát, sắp xếp và hoạch định các kế hoạch tài chính.
Điển hình như các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn như mua nhà, gia tăng giá trị tài sản, bảo vệ tài chính cho gia đình trước những biến cố không mong muốn, hoặc xa hơn là kế hoạch cho con đi du học. Cuối cùng là kế hoạch tài chính về hưu cho bản thân và phân bổ tài sản cho những người thừa kế.
Theo ông Huấn, việc phổ cập các kiến thức về hoạch định tài chính cá nhân rộng rãi tại các quốc gia phát triển trên thế giới đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giải quyết các xung đột lợi ích giữa bên bán và bên mua trên thị trường tài chính, góp phần nâng cao hiểu biết về quản lý tài chính cho người dân, qua đó nâng cao năng lực lao động và phát triển kinh tế xã hội của người dân.
Tiến sĩ Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA chia sẻ, hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính là đáng báo động, gây nhiều hệ lụy. Các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính ở Việt Nam đang giải quyết về mặt hình thức, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng.
“Nhiều người đi tư vấn đầu tư còn không biết nguyên tắc định giá tài sản đầu tư, tư vấn cho vay mà không nắm vững về nguyên tắc quản trị rủi ro phá sản cho khách hàng”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, nghề tư vấn tài chính cá nhân cần đứng về phía người mua. Chính vì coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề nên phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn mực của ngành Hoạch định tài chính cá nhân.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Đại Việt)
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức 50 triệu người vào năm 2050, theo World Bank. GDP đang tăng trưởng cao liên tục trong dài hạn ở mức 5-7%/năm. GDP bình quân đầu người đã tiệm cận mức 4.000 USD/năm. Do vậy, nhu cầu về đầu tư, tích lũy và bảo vệ cho tài chính bản thân và gia đình là rất lớn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang cho hay, dự kiến từ năm học 2024 – 2025, song song với ngành Bất động sản và Công nghệ tài chính (Fintech), chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng của trường sẽ có thêm chuyên ngành Hoạch định tài chính cá nhân. Đây là ngành mới bên cạnh các chuyên ngành hiện hữu là Tài chính doanh nghiệp, Đầu tư tư tài chính, Quản trị rủi ro và bảo hiểm, Ngân hàng và Tài chính số.
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam với chủ đề Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM. Chương trình do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp cùng Đại học Văn Lang tổ chức.