Tiền điện tăng cao ngất ngưởng
Người dân phản ánh hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng cao dù đã hạn chế các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn. Theo bà Nguyễn Thuý Vi (TP.HCM), hoá đơn tiền điện tháng 3 của gia đình tăng hơn 100.000 đồng từ 420.368 đồng lên 526.040 đồng. “Tháng này gia đình chúng tôi về quê tránh dịch cả tuần, tưởng tiền điện ít đi, ai ngờ lại tăng cao hơn”, bà Vi nói.
Chuyên gia khẳng định việc tác động ngoại lực để điều chỉnh tăng số điện trên công tơ là bất khả thi. (Ảnh: EVN)
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng chia sẻ về việc tiền điện gia đình tháng 3 tăng đột biến. Thậm chí có bạn đọc cho hay nhà dùng làm văn phòng, từ 15/3 cho nhân viên làm online chống dịch song tiền điện vẫn tăng 25% so tháng trước đó.
Trong khi nhiều khách hàng “hoa mắt, chóng mặt” vì hoá đơn tiền điện tăng cao thì phía EVN khẳng định không có bất thường, tiền điện tăng xuất phát từ quy luật thời tiết, cộng thêm việc người dân ở nhà nhiều thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu điện tăng cao...
Trước thực tế hoá đơn liên tục tăng cao, nhiều ý kiến hoài nghi liệu có tác động ngoại lực để điều chỉnh số điện trên công tơ?
Trả lời VTC News ngày 17/4, TS Phùng Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết công tơ điện luôn luôn có sai số nhưng rất nhỏ, trong phạm vi cho phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận kiểm định.
“Về nguyên tắc, công tơ điện do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường chất lượng, có dán tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Sai số có thể âm hoặc dương, nhưng rất nhỏ và nằm trong giới hạn cho phép”, Tiến sỹ nói.
Do đó, nếu khách hàng nghi ngờ công tơ của mình sai do đo đếm có thể yêu cầu đơn vị kinh doanh điện kiểm tra để đảm bảo công bằng trong việc mua bán điện.
Người dân cũng có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách đấu 2 công tơ nối tiếp nhau và so sánh chỉ số trên hai công tơ. Tuy nhiên, công tơ lắp đối chứng phải được kiểm định. Đồng thời, để hạn chế tranh cãi, vào thời điểm chốt số nên có biên bản giữa các bên và có ý kiến đơn vị độc lập.
Nói về chi phí tiền điện tăng hoặc giảm bất thường, TS Tuấn cho biết có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hoá đơn điện như mức độ tiêu thụ, thời tiết, cách tính của ngành điện hoặc thời điểm chốt số… Tuy nhiên chuyên gia loại bỏ khả năng tác động từ bên ngoài khiến công tơ chạy nhanh hơn bình thường.
“Người dùng không nên chỉ dùng cảm quan để phán đoán đồng hồ điện chạy sai hay gian lận. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, khách hàng có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, khách hàng có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập”, TS Phùng Anh Tuấn cho biết.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Thường, giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện Vạn Xuân (Hà Nội), công tơ điện từ khi sản xuất đến cung ứng được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Thiết bị đo lường liên quan sản xuất công tơ điện đều được cơ quan quản lý đo lường nhà nước kiểm tra, dán tem và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. “Không ai cài chip vào công tơ điện rồi bấm nút để nó chạy nhanh hơn. Việc này là bất khả thi”, ông Thường nói.
Tuy nhiên vị này khuyến cáo người dân nên phản ánh ngay tới điện lực khi nghi ngờ công tơ điện có vấn đề: “Có nhiều cách kiểm tra độ chính xác của đồng hồ điện mà người dân đang sử dụng nhưng theo tôi nên báo với đơn vị điện lực để có phương án xử lý thích hợp”.
EVN nói gì?
Trả lời VTC News, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tháng 3 lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hà Nội tăng 17%, TP.HCM tăng 13%.
Nguyên nhân tiền điện tăng trong kỳ hóa đơn này được EVN lý giải chủ yếu do thời tiết. Theo đó, ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Năm nay nhiều nơi nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C.
Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
Bên cạnh đó, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. “Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó”, đại diện EVN nói.
EVN cho biết đã lưu ý khách hàng về điện năng tiêu thụ tăng cao so với tháng trước trong thông báo tiền điện, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình và phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập làm với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.
Bên cạnh đó, từ tháng 3 năm nay, EVN đã áp dụng hóa đơn tiền điện mẫu mới, thống nhất toàn quốc. Trên hóa đơn có những thông tin cụ thể về tình hình sử dụng điện của tháng đó và có so sánh với các tháng liền kề cũng như các tháng cùng kỳ của năm trước. Ngoài ra, khách hàng có thể so sánh mức độ sử dụng của gia đình mình với mức bình quân trong cùng khu vực.
“Qua hóa đơn tiền điện mới, khách hàng thấy được quy luật của việc sử dụng điện theo tháng, mùa trong năm”, đại diện EVN nói.
Video: Cẩn trọng chiêu lừa đảo từ các thiết bị tiết kiệm điện