Các chuyên gia quân sự của tờ Sohu (Trung Quốc) phân tích, hệ thống phòng không đa tầng được Moskva bố trí xung quanh biển Đen và trên bán đảo Crimea sẽ là một “bất ngờ lớn” đối với bất kỳ chiến đấu cơ nước ngoài nào dám xâm phạm không phận Nga.
Hệ thống phòng không S-300PM-2 sau khi được nâng cấp hoàn toàn có thể phát hiện và theo dõi các máy bay tàng hình của Mỹ ở khoảng cách từ 200km - 250km.
Ở khoảng cách này, tên lửa trên F-35 gần như không thể tấn công các hệ thống phòng không Nga ở Crimea.
Cùng với căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh vấn đề Ukraine, khả năng các nước NATO triển khai F-35 đến biển Đen là điều sớm muộn sẽ diễn ra, tuy nhiên người Nga đã có sự chuẩn bị. Ngay khi tiêm kích F-35 xâm phạm không phận Nga, chúng sẽ bị bắn hạ không thương tiếc.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (R08) của hải quân Anh mang theo các tiêm kích F-35 hoạt động ở Địa Trung Hải sẵn sàng hỗ trợ đồng minh NATO thực hiện các chiến dịch quân sự trên biển Đen. (Ảnh: Belinda Alker)
Theo Sohu, Nga đã xây dựng một mạng lưới phòng không rộng khắp ở khu vực biển Đen để đối phó với các nguy cơ từ Mỹ và NATO. Bên cạnh S-300, lực lượng của Moskva trong khu vực còn có các hệ thống phòng không tầm xa S-400 và trong tương lai là S-500.
Kris Osborn, cựu quan chức Lầu Năm Góc nhận định, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và NATO về Ukraine, Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu chiến đang được triển khai ở biển Đen nhằm vô hiệu hóa lực lượng Moskva dọc theo biên giới Ukraine.
Trong một chiến dịch quân sự như vậy sự tham gia của F-35 sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ và đồng minh chiếm ưu thế trên không.
Kho vũ khí phòng không di động của Nga
Theo Sputnik, quân đội Nga có ít nhất 71 tiểu đoàn S-400, với các bệ phóng và các thành phần khác được chia thành 34 trung đoàn, với tổng số khoảng 560 bệ phóng. Nước này cũng có 125 tiểu đoàn S-300 cũ hơn, tổng cộng hơn 1.500 bệ phóng, hầu hết các hệ thống cũ đều đã được nâng cấp.
Cùng với đó, quân đội Nga cũng thực hiện việc mở rộng khả năng tác chiến của S-300 và S-400 theo hướng có thể mang theo nhiều loại đạn tên lửa khác nhau. Điều này sẽ cho phép chúng có thể đánh chặn nhiều mục tiêu khác nhau từ tầm ngắn cho đến tầm xa tùy theo tình huống chiến đấu.
Các hệ thống phòng không Nga xung quanh biển Đen hoàn toàn có thể ngăn chặn được các cuộc tập kích đường không của NATO, kể cả khi liên minh sử dụng máy bay tàng hình. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Việc hiện đại hóa sẽ bắt đầu từ các hệ thống S-300 vốn được sản xuất từ cuối những năm 1980, vói các phiên bản S-300PM. Chúng sẽ được tích hợp thêm các loại đạn tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa 48N6 và 40N6 cho mục tiêu từ 150km đến 380 km. Còn đối với các mục tiêu tầm thấp từ 30km đến 120 km sẽ là tên lửa 9M96 và 9M96M.
Căng thẳng giữa Nga và NATO về Ukraine
Cùng với căng thẳng giữa Nga và NATO, biển Đen đã trở thành trung tâm trong cuộc cạnh tranh giữa hai bên, Mỹ cùng đồng minh liên tiếp có hành động gây hấn nhằm vào Moskva với cáo buộc Nga đang chuẩn bị tấm công Ukraine.
Đáp trả lại các quan chức Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ mọi luận điệu của phương Tây về cái gọi là “kế hoạch tấn công Ukraine”, đồng thời cho rằng NATO đang lợi dụng việc này để mở rộng ảnh hưởng về phía đông khi sẵn sàng cho phép Kiev gia nhập liên minh quân sự này.
Ngoài ra, Moskva cũng cảnh báo rằng các bệ phóng tên lửa Mk-41 đang được Mỹ triển khai ở Romania và Ba Lan trên danh nghĩa hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn có thể được sử dụng để phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nếu Ukraine gia nhập NATO, Washington sẽ không ngần ngại triển khai Mk-41 đến Kiev.
NATO cáo buộc Nga đưa hàng chục nghìn quân áp sát biên giới Ukraine đe dọa Kiev nhưng Moskva cũng có cái lý của họ khi có hành động như vậy. (Ảnh: yamal-media.ru)
Trong một phát biểu vào cuối tháng 12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu các tên lửa tấn công của Mỹ được đặt ở Ukraine, thời gian để chúng bay tới các mục tiêu bên trong nước Nga sẽ chỉ còn tính bằng phút (từ 4-5 phút).
Tổng thống Putin cũng đặt ra “lằn ranh đỏ” cho Mỹ và đồng minh phương Tây xung quanh việc NATO mở rộng về phía đông, việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ là giới hạn cuối cùng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã phác thảo một loạt các đề xuất an ninh song song với Mỹ và NATO, kêu gọi hai bên đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý về việc không triển khai quân đội và tên lửa ở những khu vực mà chúng có thể được coi là mối đe dọa đối với bên kia, đồng thời yêu cầu NATO loại trừ việc Ukraine sáp nhập vào liên minh này. Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán an ninh tại Geneva vào ngày 10/1 tới đây để thảo luận về các đề xuất và tình hình ở Ukraine.