Ngày 31/8, ThS.BS Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, mới đây đơn vị tiếp nhận một người phụ nữ áp xe má sau tiêm filler để trẻ hóa khuôn mặt.
Người này gặp biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do các kỹ thuật không vô trùng, và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn.
Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, các bác sĩ phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng và sau đó tái tạo lại phần bị biến chứng. Dù được can thiệp vẫn có thể để lại những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Kíp bác sĩ chích rạch áp xe vùng mặt của bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Theo ThS Phương Lan, tiêm filler là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ do khả năng lấy lại vẻ ngoài trẻ trung mà không cần đến phẫu thuật. Hơn nữa, việc thực hiện tại phòng khám dễ dàng không cần gây mê, gây tê, thời gian nghỉ dưỡng tối thiểu và được cho là an toàn với cơ thể.
Tuy nhiên cần có 2 yếu tố để phòng biến chứng là chất lượng filler và người thực hiện có chuyên môn. Theo đó, filler phải đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA. Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức, phát hiện và xử trí biến chứng để đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.
"Trên thực tế cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự gia tăng ca biến chứng xảy ra. Filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử…", BS Lan khuyến cáo.