Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thuyền viên mắc kẹt trên tàu viễn dương do COVID-19: Chủ tàu 'hiến kế' tháo gỡ

(VTC News) -

Cho thuyền viên đăng ký chuyến bay nhân đạo, giảm chi phí ra vào cảng là những đề xuất nhằm giải quyết bài toán thay thế thuyền viên mắc kẹt trên biển vì COVID-19.

Liên quan đến việc hàng nghìn thuyền viên Việt mắc kẹt trên tàu viễn dương do dịch COVID-19, ngày 28/10, nhiều doanh nghiệp (chủ tàu các thuyền viên đang làm việc) đồng loạt có những đề xuất, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết "bài toán" thay thế thuyền viên.

Cho thuyền viên được đăng ký chuyến bay nhân đạo

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc đưa người lao động là thuyền viên trở về Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều so với người lao động bình thường. Đối với một người lao động bình thường đang cư trú trên đất liền tại một quốc gia, nếu có chuyến bay nhân đạo của Nhà nước thì họ có thể dễ dàng đăng ký với Lãnh sự quán để được hỗ trợ bay về.

Tuy nhiên, đối với thuyền viên đang làm việc trên tàu chạy từ quốc gia này sang quốc gia khác không nằm tại một nơi cố định, nên nếu muốn đăng ký với Lãnh sự quán để được bay về thì thủ tục phức tạp hơn rất nhiều.

Thuyền viên là nghề đặc thù, đòi hỏi áp lực cao.

Khi đưa một thuyền viên từ tàu trở về thì phải có một thuyền viên khác từ Việt Nam với trình độ chuyên môn tương đương lên tàu, thay thế ngay để đảm bảo hoạt động của tàu được liên tục. Thuyền viên để lên được tàu phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp.

Nếu xảy ra chậm trễ, tàu phải chờ tại cảng sẽ tiêu tốn khoảng 15.000-30.000USD/ngày và phải bồi thường cho chủ hàng do trễ lịch. Trong trường hợp thuyền viên đã sẵn sàng thay thế nhưng không lên được tàu thì phải tốn một chi phí lớn sắp xếp để đưa lên tàu lần tiếp theo.

Ông Võ Lê Anh Dũng - Trưởng phòng Thuyền viên Công ty CP Vận tải Biển và Hợp tác lao động Quốc tế Inlaco Saigon cho biết, hiện công ty ông có 1.100 thuyền viên, trong đó có 525 thuyền viên đang làm việc trên các tàu viễn dương ở nhiều nước trên thế giới.

Khó khăn nhất trong việc thay thế thuyền viên tại nước ngoài là không đăng ký được chuyến bay nhân đạo (chuyến bay cứu hộ) với Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài do thuyền viên không nằm trong danh mục được đăng ký chuyến bay. Nếu đăng ký được thì cũng không thuộc danh sách được ưu tiên.

Do đó, doanh nghiệp kến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bổ sung thuyền viên vào danh mục đăng ký chuyến bay nhân đạo, bố trí chuyến bay cho thuyền viên do đặc thù của ngành hàng hải.

Đồng thời, cung cấp địa chỉ liên lạc trực tiếp, ưu tiên cho công ty quản lý thuyền viên có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ phụ trách trực tiếp để đăng ký chuyến bay nhân đạo; cung cấp kế hoạch dự kiến bay để các công ty theo dõi.

Hiện Việt Nam đang có hàng nghìn thuyền viên mắc kẹt trên tàu viễn dương ở các nước trên thế giới, không thể hồi hương.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Độ - Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải Dầu Phương Đông Việt cho rằng, do thuyền viên không nằm trong danh mục được đăng ký chuyến bay nhân đạo nên chủ tàu chỉ có thể "lách luật" và đăng ký theo dạng lao động hết hạn. Chính vì vậy, thuyền viên phải chờ xếp hàng theo thứ tự như các lao động trên bờ nên phải chờ rất rất lâu mới được bố trí bay hồi hương.

"Thuyền viên là lực lượng lao động đòi hỏi tay nghề cao, môi trường làm việc nặng nhọc, đời sống nhiều hạn chế. Việc trễ thời hạn hợp đồng tạo cho tâm lý thuyền viên bị ức chế, dễ dẫn tới các hậu quả khôn lường. Hiện số lượng thuyền viên đến hạn thay ca của công ty chúng tôi là 72 người, trong đó có 39 người đã làm việc hơn 12 tháng trên tàu.

Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bổ sung thuyền viên vào danh mục đăng ký chuyến bay nhân đạo với mức độ ưu tiên đặc biệt để bố trí chuyến bay về Việt Nam trong thời gian sớm nhất sau khi hoàn tất đăng ký", ông Độ nói.

Giám đốc Công ty CP Vận tải Dầu Phương Đông Việt cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bảo lãnh cho thuyền viên nghỉ ca ở lại trên nước sở tại cho đến khi có chuyến bay nhân đạo.

Đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí ra vào cảng

Ngoài việc "cậy nhờ" vào các chuyến bay nhân đạo, các doanh nghiệp cho biết, thực chất vẫn có thể thực hiện việc thay ca thuyền viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, do thủ tục phức tạp và chi phí quá cao nên phương án này gần như là không thể.

Thuyền viên leo thang dây lên tàu viễn dương để thực hiện thay thế tại cảng Vũng Tàu.

Mới đây, để tạm thời khắc phục và đảm bảo hoạt động của đội tàu cũng như ổn định tâm sinh lý của thuyền viên, Công ty CPTM Vận tải Biển Trường Phát Lộc phải thực hiện việc thay thế thuyền viên bằng cách điều động tàu lệch khỏi tuyến hành trình dự định để đến cảng Việt Nam (Vũng Tàu), đều chuyển thuyền viên qua lại giữa các tàu ở vùng biển các nước khu vực tàu khai thác để tập trung các thuyền viên cần hồi hương trên một tàu và điều động tàu về Việt Nam.

Tuy nhiên, khi trực tiếp điều chuyển người như vậy sẽ có rủi ro liên quan đến việc đảm bảo an toàn sức khỏe/nguy cơ lây nhiễm cho các thuyền viên, vì họ đã làm việc trên tàu và di chuyển đến nhiều quốc gia khác nhau trong thời gian dài.

Khi dịch chuyển nhân sự trong thời gian ngắn như vậy, việc bàn giao và tiếp nhận công việc đòi hỏi chuyên môn cao trên tàu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến việc vận hành tàu không được hiệu quả và dễ phát sinh nhiều nguy cơ rủi ro. Song, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, bởi để thực hiện được phải chịu rủi ro, thủ tục phức tạp và đặc biệt là tốn kém chi phí rất lớn.

Theo ông Lê Minh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CPTM Vận tải Biển Trường Phát Lộc, hiện phí ra vào cảng, hoa tiêu, neo đậu là 3.500 – 10.000 USD/tàu (tùy theo trọng tải tàu); phí đại lý và phí thay thế là 1.000 – 3.500 USD/lần; phí ngày tàu là 15.000 – 30.000 USD/tàu; phí cách ly khoảng 1,5 triệu đồng/người.

Ngoài ra còn các chi phí khác (chi phí đi lại, ăn ở…) đều phải trả cao hơn bình thường vì phải tuân theo các quy định phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù các cơ quan liên quan đã có những hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, nhưng các giải pháp theo hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa.

Giải cứu thuyền viên là cứu tính mạng hàng triệu người nếu để ra cháy nổ.

"Để hỗ trợ cho việc thực hiện giải pháp tạm thời nêu trên, chúng tôi mong muốn các cơ quan chính quyền cùng các ban ngành có phương án để giảm chi phí ra vào cảng, giảm chi phí cách ly, đơn giản hóa các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên được xuống, lên tàu nhanh chóng và thuận tiện", ông Dũng kiến nghị.

Tương tự, bà Hà Thị Thùy Linh - Tổng giám đốc Công ty Thanh Hà - TMAS cũng kiến nghị Cục Hàng hải xem xét miễn, giảm chi phí cảng vụ đối với tàu ghé Việt Nam chỉ phục vụ cho việc thay ca thuyền viên. Đối với Bộ Y tế, cần ưu tiên bố trí chỗ cho thuyền viên ở khu cách ly tập trung để cắt giảm chi phí cách ly tại khách sạn vì giá quá cao.

Đối với tàu hoạt động trong nội thuỷ, bến tàu, neo chờ… trong vùng biển Việt Nam từ 15 ngày trở lên thì thuyền viên rời tàu chỉ cần bố trí kiểm tra COVID-19 với kết quả âm tính sẽ được hồi hương và tiếp tục cách ly tại nhà mà không cần cách ly tập trung.

Thy Huệ

Tin mới