BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, nấm là sinh vật quan trọng trong chu trình tuần hoàn vật chất, giúp phân hủy chất bã hữu cơ và cung cấp nguồn thực phẩm giàu đạm, ít chất béo bão hòa, chứa các acid amin thiết yếu, khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, nấm còn chứa các hoạt chất sinh học khả năng ngăn ngừa và điều trị bệnh, đặc biệt là chống lại u bướu. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đối mặt với các bệnh công nghiệp như stress, béo phì, và ung thư, việc ăn nấm ít nhất một lần mỗi tuần giúp làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa những bệnh này.
Nấm không chỉ được biết đến như nguyên liệu ẩm thực đa dạng mà còn nổi bật với những lợi ích sức khỏe đáng kể. Dưới đây là thông tin về một số loại nấm ăn phổ biến và những công dụng cụ thể của chúng:
Nấm hương
Nấm hương, còn gọi là nấm đông cô, được ví như “hoàng hậu thực vật” và “vua của các loại rau” nhờ giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100 g nấm hương khô chứa từ 12-14g protein, vượt trội so với nhiều loại rau khác. Nấm hương khả năng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, và ngăn ngừa sỏi mật, sỏi tiết niệu. Đây là thực phẩm lý tưởng cho người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và trẻ em suy dinh dưỡng.
Nấm hương hay được dùng làm nguyên liệu nấu ăn, nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Nấm rơm
Nấm rơm, hay còn gọi là bình cô, là loại nấm phổ biến với giá trị dinh dưỡng cao. Nấm rơm là thực phẩm tốt cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh lý mạch vành tim.
Nấm mỡ
Còn được gọi là nhục tẩm hay bạch ma cô, nấm mỡ giá trị dinh dưỡng cao và tác dụng làm giảm đường huyết và cholesterol, phòng chống ung thư và cải thiện chức năng gan. Vì vậy, nấm mỡ là loại thực phẩm thích hợp cho những người bị ung thư, tiểu đường, tăng cholesterol máu, cao huyết áp, giảm bạch cầu và viêm gan.
Ngân nhĩ
Ngân nhĩ, hay mộc nhĩ trắng, là loại nấm giàu chất dinh dưỡng. Nó giúp tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương, cải thiện chức năng gan và thận, thúc đẩy quá trình tổng hợp protid trong gan, giảm cholesterol máu, chống phù và chống phóng xạ. Do đó, ngân nhĩ rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mắc các bệnh lý đường hô hấp, cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não.
Một tuần bạn nên ăn nấm một lần.
Mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ đen, hay vân nhĩ, chứa nhiều protein, khoáng chất và vitamin. Nó có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, ngăn ngừa tình trạng đông máu do nghẽn mạch và hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản. Ngoài ra, mộc nhĩ đen còn chống lão hóa, chống ung thư và phóng xạ. Vì vậy, đây là thực phẩm lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành và ung thư.
Nấm bào ngư
Nấm bào ngư tươi chứa 4% protein, 3,4% carbohydrate, vitamin C, vitamin PP, axit folic và các axit béo không no. Khi ở dạng khô, hàm lượng protein có thể chiếm 33-43%, bao gồm các axit amin quan trọng như glutamic, valin, isoleucin. Tuy nhiên, nấm bào ngư chứa lượng nhỏ chất arabitol có thể gây khó chịu đường tiêu hóa ở một số người. Nấm bào ngư chứa chất pleutorin giúp kháng khuẩn gram dương và ức chế tế bào ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy nấm bào ngư có khả năng làm giảm cholesterol và đường máu hiệu quả.
Việc bổ sung các loại nấm này vào chế độ ăn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ việc tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư đến cải thiện sức khỏe tim mạch và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, cần ăn nấm điều độ và nên tìm hiểu kỹ về từng loại nấm để tránh các phản ứng dị ứng tiềm tàng. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe cụ thể nào, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.