Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thường vụ Quốc hội ủng hộ bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao

(VTC News) -

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến bổ sung quy định liên quan tới “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao”.

Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức Giám định tư pháp (GĐTP) công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Quochoi.vn)

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành dự thảo Luật, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Từ 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.

Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Quy định này cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay (thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) đều có tổ chức GĐTP kỹ thuật hình sự hỗ trợ.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không bổ sung quy định này, vì Viện Kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định thì khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng và chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay, cần tập trung đầu tư về nhân lực, trang - thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, không nên thành lập mới tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung "Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao" là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay.

Chính phủ đã có báo cáo bổ sung trình Quốc hội khẳng định về sự cần thiết của vấn đề này. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định trên không làm tăng biên chế chung của ngành Kiểm sát nhân dân; yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo không lớn; không có tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội; không gây tác động tiêu cực về giới; không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. 

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, bổ sung "Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao" là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật.

Song Hy

Tin mới