Nhà văn, nhà báo, Anh hùng Lao động, Thương binh 1/4 Bùi Sơn Tùng (tên quen gọi là Sơn Tùng) vừa lặng lẽ từ giã người thân, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng để về với thế giới cần lao, nơi cõi âm lúc 23h5’ ngày 22/7/2021.
Tôi muốn dùng từ “cõi âm”, mà không phải là các mỹ từ “cõi Phật”, “chốn bồng lai tiên cảnh”, “thế giới người hiền”, dù ông rất xứng đáng với những nơi chốn đẹp đẽ đó. Từ đêm khuya hôm qua, hôm nay, ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, nhiều người sẽ còn nói về ông, ca ngợi và tiếc thương ông. Ông xứng đáng được như vậy. Sự ra đi của ông để lại trong tôi và chắc là không ít người khác nhiều suy ngẫm, trăn trở, tự hào và day dứt.
Điều mà tất cả chúng ta nhớ về ông, cảm phục ông là trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông sẵn sàng đi vào nơi khó khăn, gian khổ, thậm chí chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nhà báo Sơn Tùng được Báo Tiền Phong và Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng đoàn, Chi ủy viên K159 vượt Trường Sơn vào chiến trường B2, miền Đông Nam bộ thành lập Báo Thanh niên giải phóng. Ông được giao làm Bí thư chi bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn Thanh niên giải phóng miền Nam, phụ trách tờ báo.
Nhà văn, nhà báo, Anh hùng Lao động Sơn Tùng.
Ngày 15/4/1971, trong một trận càn của Mỹ vào căn cứ, ông bị thương nặng, tay phải bị liệt, tay trái bị vỡ xương, nhiều mảnh đạn găm vào thân mình, trong đó có ba mảnh đạn găm vào sọ não không thể mổ để lấy ra. Bằng nhiều phương tiện, qua nhiều cung đường, dưới mưa bom bão đạn, ông được chuyển ra miền Bắc. Cuối năm 1979, ông được nghỉ hưu với Thẻ thương binh ở loại thương tật cao nhất là 1/4, thị lực 1/10, mất 81% sức khỏe, hưởng mức lương hưu chuyên viên 2.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn mà không phế”, ông tiếp tục viết báo và dũng cảm bước vào nghiệp văn mà ông đã ấp ủ nhiều năm trước. Nhà báo, nhà văn là thương binh nặng ấy đã ráng chịu nhiều đau đớn do thương tật, ông tập thiền, luyện khí công, đi thực tế nhiều nơi để sống cuộc sống của đồng bào, đồng chí mình, từ đó tích lũy thêm vốn sống và tư liệu cho ngòi bút.
Phải qua hơn 10 năm trời khổ luyện trong đau đớn thân xác, tay phải của ông mới cầm được bút viết, dù khó khăn. Có lúc, ông phải nhờ vợ con dùng dây cao su buộc ngón tay cái và ngón tay giữa để cầm giữ được cây bút. Nếu ai đó ví nhà văn Sơn Tùng như là nhà văn Nga Nicôlai Ôxtơrôpxki - tác giả huyền thoại của tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” thì điều đó đúng một cách hiển nhiên.
Cả cuộc đời sáng tạo của mình, nhà văn Sơn Tùng dành nhiều tâm huyết, công sức và tài năng cho đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tuổi trẻ của Bác. Ông xây dựng thành công hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành và thân phụ, thân mẫu Bác - cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hoàng Thị Loan cùng anh chị của Bác - chị Nguyễn Thị Thanh, anh Nguyễn Sinh Khiêm và cả một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Đây là đề tài lớn, thiêng liêng, xúc động, ít có ai có thể đạt được thành công và dấu ấn đặc biệt như ông.
Sơn Tùng để lại một di sản văn chương đồ sộ đáng tự hào với 21 tác phẩm. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” là tác phẩm tiêu biểu nhất, thành công nhất. Đến nay, “Búp sen xanh” đã được tái bản và nối bản 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó là các tác phẩm “Bông sen vàng”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Từ làng Sen”, “Bác Hồ cầu hiền tài”, “Hoa râm bụt”, “Bác ở nơi đây”, “Bên khung cửa sổ”, “Nhớ nguồn”, “Kỷ niệm tháng Năm”, “Con người và con đường”, “Nguyễn Hữu Tiến”, “Vườn nắng”, “Trái tim quả đất”, “Trần Phú”, “Mẹ về”, “Lõm”, kịch bản điện ảnh “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, xấp xỉ một trăm bài thơ, trong đó, bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ” được phổ nhạc và sống cùng năm tháng…
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về nhà văn Sơn Tùng: “Đó là một con người có trí mệnh… Một con người có chí hướng cách mạng, là một đảng viên trung kiên… Anh là một học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói về ông, đại ý, tên tuổi Bùi Sơn Tùng và nhiều người bạn ông từng là biểu tượng của thế hệ thanh niên lúc đó. Ông được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới thời chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, Sơn Tùng lại từ giã hậu phương để vào chiến truờng viết báo, viết văn và chiến đấu. Bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị và trở thành thương binh - bệnh nhân ngoại trú trọn đời.
Bên cạnh di sản văn chương vô giá ấy, kể cả danh hiệu hết sức cao quý Anh hùng Lao động (2011) và là thương binh nặng 1/4, nhà văn Sơn Tùng và gia đình ông sống một cuộc sống nhiều khó khăn, túng thiếu, chật chội. Khoảng đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, Thành đoàn TNCSHCM thành phố Hà Nội có nhã ý giúp ông và gia đình một chỗ ở kha khá hơn trước. Chủ trương manh nha là vậy, nhưng khi bắt tay thực hiện thì sự nhiêu khê của thủ tục hành chính trói buộc nhiều bề.
Ông bàn với vợ con bằng một chữ chắc nịch: “Thôi !”. “Thôi !” và không kêu ca, phàn nàn, luôn nghĩ và viết hết sức trách nhiệm, thông tuệ, bản lĩnh. Có người gọi ông là “Ông đồ gàn xứ Nghệ”, chắc căn cớ từ câu chuyện này. Từ đó đến nay, dĩ nhiên sẽ không có phép màu nào khác, gia đình ông vẫn ở trong căn phòng tập thể chật chội ở ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, không có công trình phụ, nhiều thiếu thốn, thêm nhiều khó khăn. Từ ngày ông bị tai biến (2010), phải nằm liệt giường, việc chăm sóc ông gần như không cho phép bà Hồng Mai - vợ ông và người con trai Bùi Sơn Định được rời nửa bước, họ phải túc trực kề cạnh, cả ngày lẫn đêm.
Anh em chúng tôi là lớp con cháu, là đồng hương thân quý, gần gũi của gia đình ông. Trong nghề cầm bút, ông là đồng nghiệp đi trước tiêu biểu, gương mẫu; là tấm gương sáng trong với tài năng và nghị lực phi thường. Với chúng tôi, việc đến thăm ông cũng cần phải có kế hoạch hợp lý, chi tiết.
Ví dụ, chỉ đi từ hai, ba người, do nhà ông chật, đến nhiều hơn không có chỗ ngồi, và quan trọng hơn là không tiêu tốn mất cái dung lượng không khí vốn ít ỏi của căn phòng. Ngày ông còn đỡ thì vấn an sức khỏe ông, xin hỏi ông để rõ thêm chuyện này chuyện nọ. Khi ông không gượng ngồi được nữa, phải nằm trên chiếc giường nhỏ, được lót đệm nước, thì mong ông bớt khò khè hơi thở, bớt được những cơn động kinh do vết thương sọ não tái phát. Chỉ biết nắm tay ông, vuốt nhẹ cánh tay và vỗ dìu dịu tấm lưng gầy sọm của ông.
Nghĩ về ông, nhìn lại mình và bao người khác, thấy nghèn nghẹn, đăng đắng, xót xa, cả cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng. Ông nằm vậy đã hơn mười năm mà khi ra đi đầu như ngửng cao hơn, bình thản, gan góc. Cái sự sống và chết của ông cũng có tiếng nói thâm trầm mà mạnh mẽ, nhiều rung động như những trang viết của ông.
Xin vĩnh biệt nhà văn phi thường Sơn Tùng !