Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thương mại điện tử - giải pháp đầu ra cho nông sản Việt

(VTC News) -

Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT bước đầu đa dạng hóa kênh phân phối, giúp các trang trại tiếp cận công cụ hiện đại, xây dựng thương hiệu và giảm rủi ro về giá.

Mùa vải thiều năm nay, chị Hiền (Hà Nội) có một thói quen mới là đặt hàng trên sàn Thương mại điện tử. Việc này giúp chị có thể cùng lúc mua nhiều loại nông sản khác cùng với vải thiều, lại có thể ship tặng cho người thân, bạn bè ở các địa chỉ khác nhau.

Vận chuyển là khâu quan trọng của TMĐT, thúc đẩy nông sản Việt.

Rất tiện và sản phẩm tươi ngon không khác gì ngoài chợ” - chị Hiền chia sẻ. Các loại nông sản, đặc sản địa phương đã và đang được thúc đẩy bán trên sàn thương mại điện tử từ vài năm nay cùng với sự ra đời của nhiều sàn chú trọng vào đặc sản vùng miền như voso.vn của Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) hay Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).

Những sàn TMĐT trong top 5 thị trường Việt Nam như Lazada, Sendo, Tiki cũng đã triển khai các hoạt động cung cấp nông sản, thông qua sự hợp tác với nhiều đối tác, ví dụ như startup Foodmap.

Câu chuyện phát sóng trực tiếp (livestream) bán hàng tấn vải thiều một lúc có lẽ sẽ không còn xa lạ khi Tiktok cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP được livestream trên TikTok Shop hàng tuần. Đây là cơ hội để quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.

Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã gia tăng bán hàng, phân phối hàng hóa nông sản qua các phiên livestream TMĐT mới.

Tại các tỉnh, nhiều sàn TMĐT của chính địa phương đã được xây dựng, trở thành nơi để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đến những người dân trên địa bàn.

Không dừng lại ở đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ triển khai “Đề án Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành” nhằm liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến, tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả.

Mới đây, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương) cho biết đã và đang nghiên cứu triển khai, hỗ trợ sàn đặc sản địa phương nhằm hỗ trợ các bên sản xuất, cũng như đưa sản phẩm đặc sản địa phương trên khắp cả nước đến tay nhiều người tiêu dùng.

Khi tham gia mô hình này, mỗi tỉnh, thành sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn TMĐT lớn. Trong đó, tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của địa phương để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên sàn.

Nông sản Việt từ trước đến nay thường đối mặt với các vấn đề như lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, nông dân bị thương lái ép giá, sản phẩm tốt nhưng chưa có năng lực quảng bá để được người tiêu dùng nhận biết…

Mặc dù sản lượng tiêu thụ qua sàn TMĐT còn ít so với kênh truyền thống nhưng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT bước đầu đa dạng hóa kênh phân phối, giúp cho các trang trại, hộ nông dân tiếp cận các công cụ hiện đại, xây dựng thương hiệu và giảm rủi ro về giá.

Nhiều hợp tác xã cho biết, thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm tiếp cận được khách hàng trên quy mô toàn quốc, được hỗ trợ quảng bá để tiếp cận với các khách hàng lớn và ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ. Quan trọng hơn, nhờ hạn chế các khâu trung gian, tiết giảm chi phí, phần lợi nhuận dành cho các HTX, nông hộ cao hơn trước.

Đơn cử với mặt hàng ổi, có những thời điểm giá ổi bán cho thương lái chỉ được giá 10.000 đồng/kg do vào mùa cao điểm thu hoạch, nhưng các HTX vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.

Cho đến nay, sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương bán trên sàn TMĐT đã rất đa dạng. Những người tiêu dùng như chị Hiền có thể tìm thấy hàng nghìn loại hàng hóa có thương hiệu của nhiều địa phương như chè Thái Nguyên, long nhãn Hưng Yên, gạo Séng Cù Yên Bái, nước mắm Phú Quốc, mật ong rừng Lào Cai, tương ớt Mường Khương, chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, Tiên Yên...

Trên sàn, tất cả sản phẩm đều có hình ảnh, thông tin mô tả cụ thể, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, bình luận, đánh giá của những người đã mua hàng tiếp tục giúp người tiêu dùng tìm thấy lựa chọn tối ưu nhất.

Được biết, livestream "Chợ phiên OCOP - Về miền đất Tổ" trên Tiktok mới đây thu hút hơn 20 triệu  lượt xem với 6 sản phẩm tiêu biểu Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika food, cùng với hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại. Điều này cho thấy sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương đối với người tiêu dùng toàn quốc.

Một phiên livestream bán hàng nông sản Việt của 1 số hộ kinh doanh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT còn gặp những giới hạn về khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ địa phương, người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ nông dân. Khâu bảo quản và vận chuyển cũng là một vấn đề lớn đối với nông sản tươi. Bên cạnh đó, mẫu mã, độ đồng đều về chất lượng của nhiều loại hàng hóa địa phương cũng chưa đủ sức cạnh tranh.

Đây là những vấn đề cần có sự chung tay giải quyết từ các mắt xích thuộc chuỗi cung ứng từ trang trại, cơ quan quản lý đến chủ quản sàn TMĐT và các đối tác logistics.

Năm 2022, Hội nông dân Việt Nam và bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT. Những hộ nông dân này được Bưu điện Việt Nam miễn phí toàn bộ các loại chi phí lên sàn đồng thời được nhân viên Bưu điện hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử và các chính sách đào tạo, tập huấn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Bưu điện Việt Nam kế hoạch tăng cường đầu tư hệ thống kho lạnh ở các vùng miền nhằm đảm bảo chất lượng của hoa quả, thủy hải sản… đảm bảo đúng nguyên tắc bán trái địa bàn, trái mùa, trái vụ song vẫn đảm bảo giá trị của sản phẩm.

Hiền Trang

Tin mới