Đội tuyển Việt Nam không chỉ chuyển mình về mặt tầm vóc ở khía cạnh chuyên môn, mà còn xây dựng và củng cố thương hiệu lên tầm cao mới. Điều này được thể hiện qua các số liệu về doanh thu vận động tài trợ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trong giai đoạn 2018 - 2022.
Đội tuyển Việt Nam chuyển mình dưới thời HLV Park Hang Seo.
Khi sự quan tâm của người hâm mộ và các đối tác, nhà tài trợ tăng lên, xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam trở thành vấn đề cần được xem xét nghiêm túc và bắt tay vào thực hiện. Vấn đề này đã được đưa vào chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030. Một hội thảo khoa học về xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam cũng vừa được Tổng cục TDTT tổ chức vào tháng 6/2022.
Theo báo cáo của đề tài khoa học cấp bộ cùng chủ đề, có 3 yếu tố chính tạo nên thương hiệu của một đội tuyển bóng đá, trong đó thành tích được nhắc đến đầu tiên. Hai trong 3 giải pháp căn bản để xây dựng thành công thương hiệu đội tuyển Việt Nam - được PGS. TS Bùi Quang Hải (Viện Khoa học TDTT) đưa ra trong hội thảo kể trên - xuất phát từ yếu tố thành tích.
Về mặt này, các đội tuyển quốc gia trong những năm gần đây đã làm rất tốt. Việc các đội tuyển Việt Nam duy trì vị thế số một Đông Nam Á, liên tục góp mặt thậm chí tiến sâu ở giải châu lục đã tạo ra ấn tượng mạnh đối với người hâm mộ. Sự quan tâm và yêu mến của công chúng tăng lên, giá trị thương hiệu của đội tuyển Việt Nam tăng lên.
Trên thực tế, nếu không có những thành công liên tiếp của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế, câu chuyện thương hiệu chưa chắc được nhắc tới. LĐBĐ Việt Nam cũng xác định thành tích thi đấu sẽ là yếu tố quan trọng để định vị thương hiệu đội tuyển quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Yếu tố thứ hai tạo nên thương hiệu của đội tuyển Việt Nam là các cầu thủ và HLV. Khi đội tuyển Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ, thương hiệu cá nhân của mỗi thành viên cũng được đẩy lên. Nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam được các đội bóng nước ngoài quan tâm, được định giá đến hàng trăm nghìn USD (theo chuyên trang dữ liệu Transfermarkt). Một số cầu thủ ngôi sao thậm chí có thể khai thác thương hiệu cá nhân theo hướng thương mại, ngoài lĩnh vực bóng đá.
Từ những thành tích ấn tượng, tạo ra tiếng vang lớn, đồng thời từng cầu thủ, HLV cũng trở thành một thương hiệu có giá, yếu tố thứ ba để xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam trở nên đơn giản. Công tác truyền thông cho một đội bóng đang đà đi lên với những thành công vang dội dễ dàng hơn rất nhiều.
LĐBĐ Việt Nam xác định rằng thành tích của các đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế là yếu tố hậu thuẫn tích cực cho công tác truyền thông. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam đến với công chúng đẹp hơn, qua đó thương hiệu đội tuyển quốc gia tốt hơn, tăng thêm sức hút tài trợ.
Thành tích là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam.
Năm 2019 - năm hoạt động trọn vẹn đầu tiên của ban chấp hành khóa VIII, VFF đặt mục tiêu doanh thu từ quảng cáo, tài trợ là 120 tỷ đồng nhưng đã hoàn thành sớm nửa năm. Thậm chí đến cuối năm, doanh thu của VFF đạt kỷ lục 240 tỷ đồng, tăng trưởng trên 50% so với năm 2018.
Tính từ cột mốc đó, doanh thu của VFF tăng dần qua từng năm và có bước nhảy vọt trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ ban chấp hành khóa VIII (gần 30%). Tính riêng 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ vận động tài trợ của VFF đã gần gấp đôi so với năm 2018, năm cuối cùng của nhiệm kỳ ban chấp hành khóa trước.
Những bản hợp đồng tài trợ lớn cũng là điểm nhấn quan trọng của LĐBĐ Việt Nam trong những năm gần đây. Các đội tuyển quốc gia (bao gồm đội tuyển nam, nữ và U23) có tổng cộng 13 hợp đồng tài trợ. Đây cũng là một kỷ lục của bóng đá Việt Nam.
Đáng chú ý, tỉ lệ đối tác trong nước được nâng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam ở thị trường "sân nhà" được nâng lên một tầng mới.
Có nguồn tin cho biết các gói tài trợ mà VFF ký với đối tác thấp nhất là 200.000 USD/năm (tương đương khoảng 5 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính riêng tiền tài trợ cho đội tuyển quốc gia, VFF thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó chính là con số thể hiện giá trị thương hiệu của đội tuyển Việt Nam.
Thống kê kể trên càng thêm ấn tượng khi đặt trong hoàn cảnh bóng đá thế giới có giai đoạn "đóng băng" do dịch COVID-19. Riêng năm 2020, các đội tuyển Việt Nam rất ít hoạt động. Tuy vậy, doanh thu từ các hợp đồng tài trợ vẫn tăng.
Đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023.
Thành công của các đội tuyển nam, nữ và đội tuyển trẻ trong năm 2021 và 2022 đã củng cố thương hiệu đội tuyển quốc gia. Thương hiệu đội tuyển Việt Nam ngày càng có giá trị, hứa hẹn tạo ra nguồn thu để phục vụ trở lại đội tuyển đồng thời hướng đến đầu tư lâu dài cho bóng đá trẻ, bóng đá nữ,... để củng cố nền móng cho bóng đá Việt Nam. Những con số kể trên là cơ sở để VFF tiếp tục chiến lược định vị thương hiệu, xây dựng hình ảnh đội tuyển Việt Nam gắn liền với tên gọi "Những chiến binh sao vàng".
Sức hút của đội tuyển Việt Nam cũng tác động ngược trở lại V-League. Không thể phủ nhận rằng sức hút của các giải chuyên nghiệp quốc gia được khôi phục phần nào sau những chiến tích của các cầu thủ ở đội tuyển quốc gia. Mới đây, bản quyền truyền hình của V-League được bán với giá kỷ lục, gần 250 tỷ đồng (4 mùa giải, tương đương khoảng hơn 60 tỷ đồng/mùa).