Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thượng đỉnh Mỹ - Nga ở nước trung gian và mối lo của Trung Quốc

(VTC News) -

Trung Quốc lo lắng nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin sớm thành hiện thực sau điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Nga hôm 13/4.

Trong tháng này, lãnh đạo các cường quốc trên thế giới gần như phần nào đã định hình chính sách đối ngoại với hàng loạt chuyến thăm quốc tế, hội đàm và điện đàm giữa các lãnh đạo. Trong số này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn phải dành sự quan tâm lớn nhất cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide diễn ra ngày 16/4.

Thế nhưng, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/4 dường như lại là sự kiện khiến ông Tập Cận Bình bất ngờ. Đây là lần thứ hai lãnh đạo Nga – Mỹ điện đàm kể từ khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Tại cuộc điện đàm này, ông Biden đã đề nghị gặp thượng đỉnh với Putin ở một quốc gia trung lập trong vài tháng tới.

Vì sao Biden muốn gặp Putin? 

Đến nay, ông Tập Cận Bình chưa nhận được lời mời gặp mặt trực tiếp từ Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc mới chỉ điện đàm vào hôm 10/2 - trước thềm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với kết quả không có tiến triển trong cuộc gặp giữa quan chức cấp cao hai nước ở Alaska tháng trước, triển vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden dường như trở nên xa vời.

Cạnh tranh giữa càng cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc diễn ra gay gắt trong thời gian gần đây. (Ảnh: AP)

Theo Katsuji Nakazawa, biên tập viên của tờ Nikkei Asia, đề xuất về cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin của người đứng đầu Nhà Trắng thực sự gây sốc đối với Trung Quốc. Bắc Kinh bất ngờ bởi khung thời gian dự kiến diễn ra cuộc gặp. Theo đó, lãnh đạo Mỹ - Nga được cho là sẽ gặp nhau vào tháng 6, sát thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập của đảng Cộng sản Trung Quốc vào hôm 1/7.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phân tích, đánh giá các khả năng có thể về lý do tại sao ông Biden lại muốn gặp ông Putin thời điểm này. Một loạt các câu hỏi được đặt ra, liệu rằng Tổng thống Mỹ đang cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có thông báo rút lính Mỹ khỏi Afghanistan, để dồn nguồn lực và thời gian đối phó với Trung Quốc? Tại Trung Quốc, nhiều nghi vấn về động cơ thực sự của Washington đã được đặt ra.

Theo quan điểm của Trung Quốc, quan hệ của nước này với Nga là tốt. Hai nước đã và đang tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều mặt để đối phó với Mỹ. Thế nhưng, Matxcơva và Bắc Kinh không phải đồng minh, không có gì đảm bảo Nga sẽ luôn đứng về phía Trung Quốc.

Katsuji Nakazawa cho rằng, ông Tập có thể đã nghĩ đến kịch bản này khi quyết định tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do ông Biden chủ trì vào phút chót, diễn ra trong hai ngày 22 và 23/4. Trước đó, lãnh đạo Trung Quốc không muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh, lo ngại có thể gặp bất lợi trước ông Biden. Và khi đó, ông có thể sẽ phải đối mặt với những yêu cầu cứng rắn về khí hậu, cũng như hứng chịu những chỉ trích của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, Hong Kong, nhân quyền ở Tân Cương.

Hôm 14/4, Tổng thống Biden đã cử John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, đến Thượng Hải. Tại đây, Ông John Kerry đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Quan hệ Nga - Mỹ có thể nóng lên hay lạnh đi?

Tuy nhiên, đồng thời với việc cử John Kerry đến Trung Quốc, ông Biden cũng thực hiện một động thái ngoại giao quan trọng khác ở Đài Loan. Theo đó, một ngày sau khi ông John Kerry đến Thượng Hải, một phái đoàn không chính thức của Mỹ đã đến Đài Bắc để hội đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Phái đoàn này của Mỹ gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd và 2 cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ là Richard Armitage và James Steinberg.

Nhận định về động thái này của chính quyền Biden, Katsuji Nakazawa cho rằng đây là hành động cân bằng tinh tế của Tổng thống Biden. Một mặt, ông Biden phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, song mặt khác lãnh đạo Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan trên mặt trận an ninh.

Và kể cả cuộc hội đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide cũng nằm trong tính toán của ông Biden, trong đó hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trở thành chủ trọng tâm của cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Nhật Bản.

Ông Tập Cận Bình phản đòn

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc cũng phát động đòn phản công về ngoại giao khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vào hôm 16/4 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Động thái này cho thấy, ông Tập không chịu lép vế, và không dễ dàng để ông Biden nắm thế chủ động trong vấn đề khí hậu.

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trở nên rạn nứt sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về chính sách với người  Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy vậy, biến đổi khí hậu là chủ đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Đức có thể thảo luận một các cởi mở. 

Trong khi đó, ở mặt trận Mỹ - Nga, một động thái bất ngờ của Washington đối với Matxcơva khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh bối rối. Vào hôm 15/4 - chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm giữa Biden và Putin, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra với cáo buộc các thực thể và cá nhân có liên quan "các hoạt động đối ngoại có hại" của Chính phủ Nga, trong đó có việc sáp nhập Crimea.

Trung Quốc cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến tương lai Crimea bởi có những điểm tương đồng về mặt chính trị như Đài Loan. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và nước này có thể thống nhất Đài Loan kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, giống như Nga đã làm ở Crimea.

Trong thời gian gần đây, cuộc đối đầu giữa ông Tập Cận Bình và Joe Biden trong vấn đề Đài Loan, giữa Joe Biden với Vladimir Putin về Ukraine… được xem là chìa khóa để hiểu được sự bùng nổ của các hoạt động ngoại giao phức tạp giữa các cường quốc trên thế giới. Mỹ và Nga khó có thể xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, song Trung Quốc cũng sẽ không chịu đứng ngoài.

"Tổng thống Biden tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ. Không có lý nào mối quan hệ Mỹ - Nga sẽ trở nên tồi tệ hơn mối quan hệ Mỹ - Trung", Nikkei Asia dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc cho hay.

Điều này đã được chứng minh phần nào khi Tổng thống Putin tuyên bố tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Biden, mặc cho các đòn trừng phạt mạnh tay trước đó của chính quyền Biden. Theo Nakazawa, nếu ông Putin hy vọng gặp trực tiếp ông Biden trong những tháng tới đây thì việc tham dự sự kiện về khí hậu này được cho là màn dạo đầu, rất hợp lý để xây dựng cảm tình giữa hai bên.

Phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố chung giữa ông Biden và ông Suga khi Mỹ - Nhật đề cập tới Đài Loan cho thấy sự phân tích kỹ lưỡng của Bắc Kinh về chính sách đối ngoại của các cường quốc. Trung Quốc đã có phản ứng với tuyên bố chung Mỹ - Nhật theo từng nấc thang một. Phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc là thông qua đại sứ quán của nước này ở Washington. Tiếp theo là Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, và cuối cùng là tuyên bố của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ không chịu lép vế trước cuộc cạnh tranh quyết liệt với Mỹ. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc chỉ trích tuyên bố chung Washington - Tokyo vì bày tỏ quan ngại về các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương cũng như các vấn đề khác, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh "sẽ sử dụng tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển".

Theo nhận định của Nakazawa, một loạt các sự kiện trong tháng này, từ cuộc điện đàm giữa Biden - Putin, chuyến thăm của Kerry đến Trung Quốc, chuyến đi không chính thức của phái đoàn Mỹ tới Đài Loan, chuyến thăm của ông Suga tới Washington và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức, dường như cho thấy chiến lược rộng lớn hơn của Nhà Trắng nhằm tạo dựng, lôi kéo liên minh đối phó với Trung Quốc.

Xét trong tương quan lực lượng giữa các cường quốc hiện nay, Nhật Bản được xem là “mục tiêu mềm” mà Trung Quốc có thể dễ dàng đối phó. Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc tăng cường xâm nhập của các tàu của nước này vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể đưa ra lập trường cứng rắn về quyết định xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển của Nhật Bản.

Thế nhưng, xét trên thực tế, các biện pháp mạnh tay với Nhật Bản không phải là thượng sách. Kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề một khi tách rời chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Nhật Bản hoặc các chuỗi cung ứng khác. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 năm sau, do đó, nước này sẽ không muốn gây thêm hận thù với phương Tây.

Hôm 20/4, ông Tập đã tham dự lễ khai mạc hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao được tổ chức tại tỉnh Hải Nam. Phát biểu tại diễn đàn này, ông Tập nhấn mạnh quan điểm phản đối xu hướng tách rời trong lĩnh vực công nghệ cao và cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

“Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, mở cửa và hội nhập là xu hướng không thể ngăn cản. Những nỗ lực để 'dựng lên những bức tường' hoặc 'tách rời' đều đi ngược lại quy luật kinh tế và các nguyên tắc thị trường. Điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích của nước khác trong khi không mang lại lợi ích chính nước đó", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận M, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, trước mắt, để vạch ra định hướng, triển vọng cho một cuộc gặp như vậy, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể cần theo dõi, chờ kết hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin. 

Kông Anh

Tin mới