Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, sau nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về một số chính sách đặc thù chống dịch COVID-19, trong đó tháo gỡ một số điểm nghẽn thủ tục nhằm sớm sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir tại Việt Nam, ngày 5/1 tới, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế sẽ họp nhằm xem xét cấp số đăng ký cho 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước.
Molnupiravir được sử dụng tại gần 50 tỉnh thành bắt đầu từ tháng 8
Trong số 4 công ty này, thì 1 đơn vị đã đủ nguyên liệu sản xuất trên 4,7 triệu viên thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.
Bộ Y tế cũng cho biết, vừa qua có 10 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir nội, ngoài 4 đơn vị được xem xét trong tuần này, 6 đơn vị đang bổ sung hồ sơ để xem xét cấp vào đợt sau.
Tại Việt Nam, thuốc này được sử dụng tại gần 50 tỉnh thành bắt đầu từ tháng 8 vừa qua thông qua chương trình điều trị có kiểm soát do Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) thực hiện.
Sau Molnupiravir, còn một số thuốc khác cũng sẽ được xem xét cấp phép theo quy định mới.
Trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký và hiệu lực thực hiện ngay từ ngày 30/12, lần đầu tiên có nhiều chính sách đặc biệt được cho phép thực hiện để chống dịch, trong đó có việc sản xuất các thuốc mới điều trị COVID-19.
Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc. Các thuốc mới có chỉ định điều trị COVID-19 nhập khẩu, được cấp phép có điều kiện tại một trong số cơ quan quản lý thuốc SRA (Tổ chức Y tế thế giới công bố) được cấp phép trong 10 ngày.
Các thuốc mới có chỉ định điều trị COVID-19 sản xuất trong nước nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được SRA cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng.
Quy định mới này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty dược trong nước sản xuất thuốc mới điều trị COVID-19 (trong đó có Molnupiravir), hiện việc sản xuất đang tắc do yêu cầu phải có hồ sơ lâm sàng trong đề nghị cấp phép đăng ký thuốc, trong khi nhu cầu có thuốc điều trị gia tăng mạnh.
Nghị quyết này cho phép thanh toán chi phí khám, điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế công và tư, riêng cơ sở tư nhân thanh toán theo mức phí bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất tại địa bàn.
Đồng thời trong dịch bệnh, nhân lực địa phương, bệnh viện không đủ, được huy động tất cả những người hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam, bao gồm cả người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sinh viên, học viên y khoa tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, khám và điều trị cho bệnh nhân.
Nghị quyết cho phép thực hiện một số chính sách y tế phục vụ chống dịch COVID-19, bao gồm:
- Điều động nhân lực
- Chi trả phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19
- Khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh
- Quản lý thuốc và nguyên liệu trong dịch bệnh
- Bình ổn giá trang thiết bị y tế
- Chế độ, chính sách cho nhân viên y tế.