Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thực phẩm là 'sát thủ' với hệ miễn dịch: Nếu ăn quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể

(VTC News) -

Tiêu thụ thành phần này quá nhiều khiến hệ thống miễn dịch bị suy giảm, tạo điều kiện cho các virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể gây nguy hiểm.

Khi đợt COVID-19 đầu tiên tấn công, phần lớn bệnh nhân được đặt máy thở đều mang một loạt các bệnh tiềm ẩn. Trong số đó có các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa như béo phì và tiểu đường. Cả hai bệnh này đều đang gia tăng ở Mỹ trong vài năm qua.

Tình trạng này đặt ra câu hỏi là tại sao tiểu đường lại khiến cho việc chống lại loại virus đường hô hấp này trở nên khó khăn hơn. 

Nghiên cứu cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể làm cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ngắn và có khả năng đẩy những người mắc bệnh tiểu đường vào tình trạng đường huyết rất nguy hiểm, thông qua cách tự liên kết với các thụ thể được tìm thấy trên tế bào beta của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin.

Theo Tiến sĩ Heather J. Moday - bác sĩ nội trú tại Philadelphia, Pennsylvania, mắc tiểu đường đồng nghĩa với tình trạng viêm mãn tính cấp độ thấp. Điều này làm giảm khả năng tấn công các mầm bệnh của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.

Thực phẩm có tác động lớn đến hệ miễn dịch. Không có thành phần nào có hại cho hệ thống miễn dịch hơn đường, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19.

Đường - thành phần tệ nhất đối với hệ thống miễn dịch

Khi lượng đường trong máu tăng cao do nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do tiêu thụ quá nhiều đường, tình trạng kháng insulin sẽ diễn ra làm tăng các cytokine gây viêm, gây hỏng mạch máu và kích hoạt hệ thống miễn dịch để sửa chữa các khu vực đó.

Điều này tạo ra sự mất tập trung lớn cho hệ thống miễn dịch, mở đường cho các loại vi khuẩn và virus nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể.

Loại bỏ lượng đường dư thừa khỏi chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng trên. Ăn ít đường là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện hệ thống miễn dịch.

Đường có ở khắp mọi nơi

Bạn có thể nghĩ: "Tôi không phải là người thích đồ ngọt, vì vậy tôi không cần phải lo lắng về điều này".

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không ăn bánh rán, kẹo, bánh ngọt hoặc bánh quy thường xuyên, việc ăn các thực phẩm nhiều carbs như bánh mì, mì ống, gạo, ngũ cốc hoặc thậm chí một số loại trái cây và nước trái cây có thể âm thầm làm tăng lượng đường trong máu.

Mọi người thường quên, hoặc không nhận ra rằng, đường có rất nhiều trong tương cà, nước xốt salad, cafe cũng như trong nước trái cây, sữa chua, ngũ cốc và các thanh protein.

TS Heather J. Moday khuyên rằng, bước đầu tiên cần thực hiện trong hành trình xây dựng chế độ dinh dưỡng của mình, bất kể độ tuổi nào, là thực hiện xét nghiệm HbA1c lúc đói, ngay cả khi đường huyết khi đói của bạn bình thường.

Xét nghiệm HbA1c nhằm đo lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng trước đó. Vì vậy, ngay cả khi lượng đường trong máu của bạn bình thường vào ngày thực hiện, xét nghiệm trên vẫn có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe.

Làm thế nào để duy trì lượng đường trong máu ổn định

Cắt giảm đường trong chế độ ăn

Điều này có nghĩa là kẹo, nước ngọt, bánh ngọt và những loại cafe sữa có hương vị theo mùa cần được loại bỏ khỏi thực đơn. Những thực phẩm và đồ uống này không cung cấp bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào nhưng lại chứa rất nhiều đường.

Thay vào đó, hãy chọn socola đen, quả mọng hoặc một món ăn ít đường khác. Bạn không nhất thiết phải từ bỏ những món ăn trên vĩnh viễn. Thi thoảng ăn một ít đồ tráng miệng là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ được lượng đường trong máu ổn định.

Đọc nhãn trước khi sử dụng

Đã đến lúc kiểm tra lượng đường bổ sung trong mọi thực phẩm có trong căn bếp của mình, ngay cả những sản phẩm được quảng cáo là “ít đường” hoặc “tốt cho sức khỏe”.

Người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 17 muỗng cà phê (71 gam) đường bổ sung mỗi ngày, nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, không nên sử dụng quá 6 muỗng cà phê (25 gam) đường bổ sung mỗi ngày đối với phụ nữ và 9 muỗng cà phê (36 gam) đối với nam giới. .

Hãy nhớ rằng, chúng ta vẫn bổ sung lượng đường tự nhiên từ trái cây, rau và ngũ cốc, do vậy bạn sẽ không phải lo mình bị thiếu đường.

Ăn nhiều chất xơ

Nếu đường là chất độc, thì chất xơ là một liều thuốc giải độc. Chất xơ không chỉ giữ cho quá trình tiêu hóa của bạn diễn ra đều đặn mà còn làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, ngăn lượng đường tăng đột biến.

Thiếu chất xơ là một lý do khác khiến nước ngọt, nước trái cây và cà phê có đường là thực phẩm bất lợi với sức khỏe. Chúng chứa rất nhiều đường và không có chất xơ giúp bảo vệ đường huyết như các loại rau quả, trái cây tươi. 

Một số thực phẩm giàu chất xơ là đậu đen, đậu lăng, yến mạch cắt sợi, bơ, kiều mạch, lê, quả mâm xôi, lúa mạch và hạt lanh.

Bổ sung chất dinh dưỡng 

Thay vì lo lắng về việc cắt giảm calo, hãy tập trung vào việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống của bạn, với nhiều protein và chất béo lành mạnh.

Bạn không cần phải ăn theo chế độ low-carb, chỉ cần chọn loại carbs “phù hợp”. Trên thực tế, ăn carbs dưới dạng rau, đậu, trái cây nguyên hạt, các loại hạt - nói chung là tất cả các loại thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin - là một cách tuyệt vời để ngăn đói bụng.

Có một số ứng dụng giúp bạn dễ dàng theo dõi lượng đường tiêu thụ của mình. Bạn nên tập thói quen ghi lại việc ăn uống của mình trong vài ngày để xem mình đã tiêu thụ bao nhiêu đường, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. 

Bảo Anh (Nguồn: CNBC)

Tin mới